-Dù tới gặp GS Nguyễn Tự Cường với tư cách tác giả nhận giải thưởng Hồ Chí Minh nhưng phần lớn thời gian cuộc trò chuyện giữa chúng tôi lại xoay quanh những kỷ niệm về gia đình, về người cha và người anh nổi tiếng của ông.
Phải khá khó khăn chúng tôi mới thuyết phục GS Nguyễn Tự Cường sắp xếp một cuộc phỏng vấn. Là một trong 3 tác giả chính của công trình toán học vừa nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ năm 2016, song GS Cường nói rằng, ông không muốn nói nhiều về giải thưởng, nhất là trên báo.
Cũng chính vì thế, hai phần ba cuộc trò chuyện kéo dài hơn một giờ đồng hồ của chúng tôi với GS Cường dành cho những câu chuyện về gia đình, về người cha, người anh với những kỷ niệm mà trong cách biểu đạt, người nghe có cảm giác ông đã cất giữ chúng trong những ô ký ức quý giá nhất.
Ít người biết rằng, GS Nguyễn Tự Cường chính là em trai ruột của GS Nguyễn Đinh Tứ, nhà vật lý hạt nhân nổi tiếng của Việt Nam đồng thời là Bộ trưởng Bộ GD-ĐT (khi đó là Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp) trong hơn 10 năm (1976-1987). GS Cường cho biết, thân phụ ông có 10 người con, 9 trai, một gái. GS Tứ là con thứ 2, GS Cường là con út, hai người cách nhau tới 20 tuổi.
Cũng vì khoảng cách tuổi tác khá xa nên khi còn nhỏ, hai anh em ít khi gặp nhau. Mãi tới khi GS Cường tốt nghiệp ĐH ở Đức trở về và làm việc tại Viện Toán học thì hai anh em ông mới gần gũi hơn.
GS Nguyễn Tự Cường, người em út của cố GS Nguyễn Đinh Tứ. Ảnh: Lê Văn. |
"Khi đó, nhà anh Tứ ngay cạnh nhà mình nên hai anh em vẫn thường xuyên trao đổi. Mình vốn thẳng tính và cũng quan tâm tới vấn đề của các trường nên hay góp ý cho anh Tứ (khi đó đã là Bộ trưởng). Anh Tứ cũng thường xuyên hỏi ý kiến mình trong nhiều vấn đề" - GS Cường nhớ lại.
Có lẽ cũng vì vậy nên tới nay GS Cường vẫn dành những lời trân trọng và trìu mến khi nói về người anh ruột của mình. "Anh Tứ giống mẹ mình, chẳng bao giờ thấy anh ấy nổi nóng. Anh ấy là một người nhân hậu và cũng vô cùng thông minh. Hồi nhỏ anh Tứ là thần đồng ở miền Trung. Gần như ai ở Hà Tĩnh cũng biết tên anh ấy" - GS Cường nhớ lại.
"Mặc dù sự nghiệp của anh gắn liền với tư cách một nhà chính trị nhưng anh Tứ thực sự là một nhà khoa học. Anh ấy cũng là đứa con mà ông cụ thân sinh của mình yêu và tự hào nhất".
GS Cường kể, năm 1974, sau khi ông vừa tốt nghiệp ĐH tổng hợp Martin-Luther, Halle, Cộng hòa liên bang Đức, ông được GS Tạ Quang Bửu khi đó đang là Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp định hướng về giảng dạy tại Trường ĐH Tổng hợp nhưng chính GS Nguyễn Đinh Tứ đã từ chối ông.
"Khi đó, anh Tứ đang là Hiệu phó Trường ĐH Tổng hợp. Khi mình đem giấy về trường nộp. Anh Tứ nhận được giấy đó thì không nhận mình, nói rằng anh em thì không nên làm cùng một chỗ" - GS Cường kể. Sau đó, chính GS Tứ là người đề xuất GS Cường về làm việc tại Viện Toán học Việt Nam.
Ngoài GS Tứ và GS Cường, những người anh em trong gia đình họ Nguyễn ở vùng quê nghèo Song Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh cũng đều gắn bó với công việc nghiên cứu khoa học hoặc dạy học. Ngoài người anh cả Nguyễn Đinh Thiên học văn và sau này trở thành giáo viên dạy văn, những người anh em còn lại đều theo học kỹ thuật, làm nghiên cứu toán học hoặc vật lý.
"Nhà có 6 anh em trai thì có 2 người theo toán còn 2 người học về vật lý" - GS Cường nói. Với bản thân ông và có lẽ những người anh em khác trong gia đình, việc học rồi làm nghiên cứu gần như một sự tự nhiên chứ không hề có định hướng hay coi đó như một một mục tiêu bắt buộc.
"Nghĩ lại thì bây giờ có thể bịa ra lý do để nói được nhưng thực là hồi bấy giờ không như vậy. Như mình học chuyên Toán rồi sau đó theo đuổi ngành Toán như một sự hiển nhiên chứ mình chẳng bao giờ suy nghĩ gì về việc đó cả" - GS Cường chia sẻ.
Bức ảnh chụp thân phụ cùng những người anh chị em của GS Nguyễn Tự Cường (ngoài cùng, bên trái). GS Nguyễn Đinh Tứ ngồi thứ 3 (từ trái sang). Ảnh: Gia đình cung cấp. |
GS Cường cũng nói rằng, khó có thể nói việc ông theo đuổi toán học của ông chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cha hay những người anh của mình, bởi lẽ, khi ông bắt đầu đi học thì các anh của ông đều đã trưởng thành và làm việc xa nhà còn cha ông thì đã về hưu.
Tuy nhiên, GS Cường cho biết, có lẽ ông chịu ảnh hưởng nào đó từ sự giáo dục nghiêm khắc của cha mình, một người gắn bó cả đời với nghề giáo.
Thân phụ ông từng học trường Quốc học Huế và học rất giỏi. Nhưng không may, ông nội ông mất sớm nên việc học của cha ông dở dang. Sau đó, ông làm tới chức đốc học tại Bình Đình (tương đương với giám đốc sở GD hiện nay - PV). "Những người lớn tuổi ở Bình Định lúc trước vẫn gọi ông là thầy" - GS Cường kể. Sau khi cách mạng thành công, thân phụ GS Cường về làm việc tại Ty GD Hà Tĩnh rồi Ty GD Nghệ An. Cuối đời, ông làm hiệu trưởng Trường Sư phạm miền núi Nghệ An rồi nghỉ hưu ở đó.
Theo GS Cường, thân phụ ông là một người rất nóng tính và cực kỳ nghiêm khắc trong việc dạy dỗ con cái. "Lúc còn nhỏ đi học cụ bắt đi chân đất, mặc quần đùi và cắt tóc ca-rê (kiểu tóc cắt ngắn). Cắt tóc như thế thì bị bọn trẻ nó trêu nhưng muốn để dài hơn một chút là cụ không cho. Chẳng có lý do gì cả. Cụ chỉ nghiêm như vậy thôi" - GS Cường kể.
"Anh Tứ hồi đó đã là Bộ trưởng Bộ Giáo dục mà cụ vẫn quát như thường. Người anh cách mình 12 tuổi là anh Nguyễn An Lương khi đó đang học tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội về nghỉ hè hôm trước mà hôm sau bị cụ tát một cái khóc ầm lên" - GS Cường nhớ lại.
"Ông nghiêm khắc tới mức hồi mình học đại học ở Đức, muốn gửi về cho mẹ một chiếc áo mà cụ mắng cho một trận, nói rằng, đi học là phải tập trung đi học, không được nghĩ tới những chuyện khác" - vị GS Toán học ở tuổi 66 kể lại.
"Nghiêm khắc nhưng ông cũng là người rất công bằng đối. Với ông cụ thì anh phải ra anh mà em phải ra em. Điều đó là luật. Anh sai em cũng không được cãi. Cãi là ông đánh em chứ không đánh người anh" - GS Cường kể và bổ sung rằng, ngày nay kể lại những chuyện này có thể nhiều người sẽ không hiểu nhưng "ngày xưa, các cụ đều dạy con như vậy cả".
Thế nhưng, khi ông nghỉ hưu thì ông lại trở nên vô cùng hiền hòa và gần gũi với các cháu. "Đặc biệt là hai đứa con gái của mình rất thân thiết với ông. Đó cũng là 2 đứa cháu mà ông yêu quý nhất" - GS Cường nói. "Chúng nó có thể ngồi vào lòng ông, nhổ tóc bạc cho ông trong khi mình lúc bằng tuổi chúng nó, tới sờ vào tay ông cũng không dám" - GS Cường vui vẻ kể.
Vợ chồng GS Nguyễn Tự Cường tại lễ công nhận chức danh PGS của con gái đầu năm 2015. Ảnh: Gia đình cung cấp. |
Thừa nhận mình cũng nóng tính và ngay thẳng giống cha, GS Cường cho biết, cũng không hề hướng cho các con mình phải học toán hay học một ngành nào đó theo ý mình. Người con gái đầu của GS Cường hiện là giảng viên Trường ĐH Quốc tế chuyên ngành sinh học. Người con gái thứ 2, sinh năm 1984 hiện đang làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đức chuyên ngành y sinh.
"Đứa đầu thì ban đầu học toán nhưng được 3 tháng thì chuyển sang học sinh. Đứa con gái út mình nghĩ nó sẽ theo ngành xã hội và trở thành nhà văn hay nhà báo cơ đấy. Thế nhưng đến năm nó học lớp 11, nó ôm chân mình khóc, nói rằng, ba ơi, con nói ba đừng mắng nhưng con muốn học sinh học như chị" - GS Cường nhớ lại.
GS Cường nói, ông không hề buồn khi 2 người con ông không ai theo ngành toán. Ngược lại, ông vui vì cả 2 con gái của ông đều làm khoa học đúng như dự đoán của cha ông. Mười sáu người cháu trong gia đình ông, 6 cháu gái, 10 cháu trai cũng có nhiều người theo đuổi sự nghiệp khoa học.
Bản thân GS Cường dù đã lớn tuổi nhưng công việc hàng ngày của ông vẫn là nghiên cứu. Bởi ông nói rằng, nếu không nghiên cứu thì ông cũng chẳng biết làm gì nữa. "Không nghiên cứu chắc là mình thất nghiệp mất" - GS Cường cười nói.
GS Nguyễn Tự Cường sinh năm 1951, là Giáo sư Tiến sĩ khoa học, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Toán học Việt Nam. Ngày 15/1/2016, GS Cường cùng với hai nhà toán học khác là GS Ngô Việt Trung và GS Lê Tuấn Hoa đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học công nghệ lần thứ 5, năm 2016 cho cụm công trình: Các bất biến và cấu trúc của vành địa phương và vành phân bậc. Cố GS Nguyễn Đinh Tứ sinh năm 1932, là một nhà vật lý hạt nhân đồng thời là nhà lãnh đạo khoa học, giáo dục Việt Nam. Năm 2000, bốn năm sau khi ông mất, GS Nguyễn Đinh Tứ được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và công nghệ cho cụm công trình: "Nghiên cứu tương tác của các hạt cơ bản và hạt nhân ở năng lượng cao và phát hiện phản hạt hyperon sigma âm". Ngoài ra, ngày 30/7/2007, ông được Chủ tịch nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh. |
Lê Văn