游客发表
发帖时间:2025-01-10 15:08:27
Chiến thắng 2-1 trước Philippines trong trận bán kết lượt về đã đặt thầy trò Park Hang-seo vào tương lai tráng lệ khi sẽ được chơi trận chung kết lượt về với Malaysia tại Mỹ Đình vào ngày 15/12 tới. Không ít người đang tin rằng “chu kỳ vinh quang 10 năm” sẽ lặp lại với đội tuyển Việt Nam.
ĐT Việt Nam sẽ đối đầu Malaysia trong 2 lượt trận chung kết AFF Cup 2018. Ảnh: Thuận Thắng. |
20 năm trước, thất bại cay đắng trước Singapore trong trận chung kết Tiger Cup 1998 không thể phủ nhận đi sự thật bóng đá Việt Nam đã tiến những bước dài sau khi hội nhập trở lại với khu vực từ SEA Games 1991 tại Malaysia. Những danh thủ Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Công Minh, Đỗ Khải đã in sâu vào tâm trí những cổ động viên với tư cách là “Thế hệ vàng” đầu tiên của bóng đá Việt Nam.
Hình ảnh HLV Alfred Riedl giơ tay đấm vào vào giữa không trung sau bàn thắng của Văn Sỹ Hùng với khung cảnh hỗn loạn trên đường pitch sân Hàng Đẫy trở thành biểu tượng cho sức mạnh bóng đá Việt Nam cũng như sự si mê với túc cầu giáo của người hâm mộ.
Đội hình tuyển Việt Nam tại Tiger Cup 1998. Ảnh: VTV. |
10 năm trước, thế hệ của Công Vinh, Việt Thắng, Tấn Tài, Dương Hồng Sơn đã viết nốt giấc mơ còn dang dở của thế hệ đàn anh khi lên ngôi vô địch theo cách không ai ngờ tới tại AFF Cup 2008, giải đấu mà chúng ta đã mở màn bằng trận thua 0-2 trước Thái Lan tại vòng bảng.
Cú đánh đầu đúng phút cuối của Lê Công Vinh tung lưới Kosin, khung cảnh vỡ tung của sân vận động Mỹ Đình, những tấm pano với dòng chữ cảm ơn HLV Calisto đã trở thành biểu tượng cho danh hiệu lớn đầu tiên của tuyển Việt Nam trong lịch sử.
Và giờ, liệu có kịch bản huy hoàng nào nữa đến với Việt Nam vào ngày 15/12 tới hay không? HLV Park Hang-seo có trở thành biểu tượng giống với ông Riedl hay Calisto, những Quang Hải, Duy Mạnh, Văn Đức, Công Phượng có thể trở thành thế hệ vàng tiếp theo của bóng đá Việt Nam?
Nếu đi sâu vào câu chuyện có tên chu kỳ chiến thắng, viễn cảnh ấy không phải là không thể. Trước Việt Nam, thứ gọi là chu kỳ chiến thắng ấy đã nâng bước những nền bóng hàng đầu thế giới tới với ngôi vị số một. Và không có lý do gì để chúng ta không tin vào điều đó, nhất là khi Việt Nam có đầy đủ những yếu tố ấy.
ĐT Việt Nam lên ngôi vô địch AFF Cup 2008 với bàn thắng lịch sử của Lê Công Vinh. Ảnh: Hoàng Hà. |
Người Italy từng tự hào với thứ gọi là “chu kỳ 12 năm”. Tính từ năm 1970 thì cứ 12 năm, Azzurri sẽ lọt vào chung kết World Cup, và cứ sau một lần thất bại, đội tuyển áo thiên thanh sẽ nâng cao cúp vàng.
Chu kỳ này sau cùng đã kết thúc vào năm 2018 khi Italy không thể giành vé tới World Cup, một hệ quả của sự đi xuống kéo dài cả thập kỷ của nền bóng đá nước này. Pháp, đội lên ngôi tại mùa hè nước Nga đã thay Italy để tạo nên chu kỳ thành công của riêng mình với chức vô địch sau đúng 20 năm kể từ World Cup 1998, giải đấu ghi dấu ấn của những Zinedine Zidane, Laurent Blanc, Didier Deschamps, Lilian Thuram…
Italy đã vô địch World Cup 2006 với những trụ cột đi qua thất bại cay đắng tại World Cup 1994 với cú sút luân lưu hỏng ăn của Roberto Baggio. Ảnh: Getty Images. |
Điểm chung nào trong những chu kỳ thành công của Pháp và Italy? Đó là câu chuyện mang tính kế thừa và sự vững mạnh của nền bóng đá. Thế hệ Azzurri lên ngôi vô địch Espana 1982 đã lớn lên với thất bại của các bậc đàn anh tại Mexico 1970. Thế hệ vô địch năm 2006 lớn lên với giấc mơ về cúp vàng năm 1982, và in đậm hình ảnh thất bại của Baggio năm 1994.
Từ sau thất bại chấn động trước CHDCND Triều Tiên tại World Cup 1966, Italy thực hiện chính sách “bế quan tỏa cảng” khi hạn chế ngoại binh cùng với đó là thúc đẩy chính sách đào tạo cầu thủ trẻ tuân thủ triệt để tư tưởng phòng ngự không thua trước khi thắng của cố nhà báo Gianni Brera.
Trong suốt hơn 40 năm kể từ chính sách đó, nền bóng đá Italy luôn duy trì được vị thế hàng đầu, nếu không muốn nói là số một thế giới trong hai thập niên 80 và 90. Trận chung kết thất bại năm 1994 và chức vô địch năm 2006 là thành quả của nền bóng đá thống trị cúp châu Âu cũng như cuộc đua Quả bóng vàng và được gọi tên là World Cup thu nhỏ trước đó.
Với Pháp, chiến thắng tại World Cup 2018 phản chiếu hoàn hảo cho chiến thắng 20 năm trước đó tại France 98. Các ngôi sao Paul Pogba, Antoine Griezmann, Raphael Varane hay Hugo Lloris đã lớn lên trong những giấc mơ chinh phục cúp vàng giống thần tượng Zidane.
Giấc mơ ấy được hỗ trợ bởi chính sách khuyến khích đào tạo trẻ của người Pháp với biểu tượng là Học viện bóng đá quốc gia Pháp Clairefontaine cùng lượng tài năng nhí dồi dào từ các vùng lân cận thủ đô Paris (Ile-de-France), nơi là cái nôi cho những Thuram, Vieira, Pogba hay Mbappe trưởng thành và từng được HLV Arsene Wenger thừa nhận là vựa lúa tài năng số một thế giới, vượt qua cả Sao Paulo (Brazil).
Kylian Mbappe là biểu tượng cho sức mạnh từ nguồn lực bóng đá trẻ của Pháp. Ảnh: Getty Images. |
Giống câu chuyện của Italy hay Pháp, ĐT Việt Nam của năm 2018 đã đi tới trận chung kết AFF Cup với ít nhiều những hồi ức của chức vô địch lịch sử cách đây 10 năm. Đỗ Duy Mạnh, trung vệ thép của HLV Park Hang-seo là cậu bé nhặt bóng trong đêm 28/12/2008 và đã luôn tâm niệm sẽ là chinh phục ước mơ được hun đúc từ khung cảnh huy hoàng ngày đó.
Quang Hải, ngôi sao số một của ĐT Việt Nam hiện tại, mới 11 tuổi khi đội trưởng Phan Văn Tài Em nâng cao chức vô địch tại Mỹ Đình. Trả lời phỏng vấn báo "Nhi Đồng" (số 68+69/2008), Quang Hải cho biết thần tượng của mình là Lê Công Vinh và mơ ước sau này sẽ trở thành tuyển thủ quốc gia.
Lúc ấy, Quang Hải vừa học xong lớp 5D, trường tiểu học Dương Xá, huyện Gia Lâm, địa bàn có lớp năng khiếu bóng đá của Sở TDTT Hà Nội mà cậu đang theo tập luyện.
Đội hình ra quân của Việt Nam trước Philippines ngày 6/12 có 6 cầu thủ trưởng thành từ những lò đào tạo kiểu mới. Đồ họa: Minh Phúc. |
Và cũng giống với Pháp hay Italy, ĐT Việt Nam 2018 đang được hưởng thành quả của những chính sách đào tạo trẻ bài bản đã theo đuổi trong nhiều năm. Thay vì ôm lấy cách làm cũ với các lò như Nghệ An, Khánh Hòa hay Đà Nẵng, những ông bầu chấp nhận chi tiền để thay đổi hoàn toàn cuộc chơi ở cấp độ trẻ với các lò đào tạo tiên tiến học tập theo những mô hình tại châu Âu.
Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn trưởng thành từ lò đào tạo HAGL với mô hình Arsenal, CLB đi đầu trong việc mang giáo án huấn luyện cầu thủ trẻ từ châu Âu tới Việt Nam với những định mức mới về dinh dưỡng, cách tập luyện cũng như nền tảng giáo dục cho các cầu thủ.
Trước thềm giải U19 châu Á 2014, lứa Công Phượng, Xuân Trường từng ăn theo định mức 3 triệu đồng mỗi ngày, điều kiện mơ ước với những cầu thủ lò đào tạo kiểu cũ với bát cơm trưa chỉ có đúng một miếng thịt như lời một cựu cầu thủ trẻ Nam Định từng chia sẻ với Zing.vn.
6 trên tổng số 23 cầu thủ hiện tại của ĐT Việt Nam trưởng thành từ lò đào tạo của Sở TDTT Hà Nội tại Gia Lâm. Những Quang Hải, Đức Huy, Đình Trọng, Hùng Dũng, Văn Hậu hay Duy Mạnh sau đó được lò đào tạo của CLB Hà Nội chiêu mộ trước khi tiếp tục rèn giũa trong điều kiện lý tưởng với những HLV hàng đầu như Thạch Bảo Khanh, Triệu Quang Hà, Nguyễn Đức Thắng cùng điều kiện cọ xát tại giải hạng Nhất cũng như V.League.
Quang Hải là biểu tượng cho thành công của quá trình đào tạo bóng đá trẻ tại Việt Nam. Ảnh: Thuận Thắng. |
Trên dưới chục năm theo đuổi cách đào tạo bóng đá trẻ bài bản đã đặt nền móng cho ĐT Việt Nam 2018 đầy mạnh mẽ của HLV Park Hang-seo hiện tại. Không tính thủ môn thì có 20 trong tổng số 21 cầu thủ được thầy Park sử dụng tại AFF Cup lần này. Con số ấy đã lột tả trọn vẹn chiều sâu đội hình của ĐT Việt Nam, điều mà những đội hình lịch sử tại Tiger Cup 1998 hay AFF Cup 2008 không thể có.
Chúng ta đã có thiên thời (chu kỳ 10 năm), có địa lợi (Mỹ Đình lượt về) và cả nhân hòa (những cầu thủ ngôi sao trưởng thành từ lò đào tạo trẻ theo tiêu chuẩn tiên tiến). Chiếc huy chương bạc U23 châu Á tại Thường Châu, vị trí thứ tư ASIAD 2018 có thể mang tới những cảm xúc vỡ òa, nhưng ở một chừng mực nào đó, thế vẫn là chưa đủ.
Chúng ta cần một chức vô địch để đóng chốt cho tất cả, và đó sẽ là AFF Cup 2018.
相关内容
随机阅读
热门排行
友情链接