Trong chiến dịch tranh cử vào Nhà Trắng, ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump đã tuyên bố ông có thể chấm dứt cuộc xung đột Nga - Ukraine trong vòng 24 giờ hay cảnh báo Israel sẽ bị "xóa sổ" nếu ông thua cuộc.
Khi ông Trump tuyên bố chiến thắng sau ngày bầu cử 5/11, một câu hỏi cấp bách được đặt ra là: liệu ông có thực hiện đúng những lời đe dọa, cam kết và tuyên bố về chính sách đối ngoại của mình không?
Đảng Cộng hòa đưa ra rất ít thông tin cụ thể về chính sách đối ngoại, nhưng những người ủng hộ cựu Tổng thống Trump cho rằng tính cách và cách tiếp cận "hòa bình thông qua sức mạnh" của ông sẽ giúp thuyết phục các nhà lãnh đạo nước ngoài thuận theo lập trường của ông và giải quyết các vấn đề nóng trên thế giới.
Những người ủng hộ ông Trump đổ lỗi cho các cuộc khủng hoảng toàn cầu là do sự yếu kém của chính quyền Tổng thống Joe Biden, mặc dù những người theo đảng Dân chủ bác bỏ cáo buộc này.
Theo hãng tin Reuters, cả bạn bè và đối thủ của Mỹ vẫn cảnh giác khi ông Trump trở lại nhiệm sở vào tháng 1 năm sau. Họ tự hỏi liệu nhiệm kỳ thứ hai của ông có dẫn đến sự hỗn loạn và khó lường như nhiệm kỳ đầu tiên hay không.
Nhiệm kỳ tổng thống 2017-2021 của ông Trump được nhớ đến với chính sách thương mại bảo hộ "Nước Mỹ trên hết" và tuyên bố cô lập, bao gồm lời đe dọa rút khỏi NATO. Tuy nhiên, ông Trump cũng xây dựng hình ảnh như một doanh nhân biết cách đàm phán khi tổ chức các hội nghị thượng đỉnh với Triều Tiên và làm trung gian cho các cuộc đàm phán giữa Israel và một số nước láng giềng Ả Rập.
"Ông Donald Trump vẫn thất thường và không nhất quán khi nói đến chính sách đối ngoại. Châu Âu vẫn đang xoa dịu vết thương từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump: họ chưa quên thuế quan của cựu tổng thống, thái độ căng thẳng sâu sắc của ông đối với Liên minh châu Âu và Đức", các nhà phân tích của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu nhận định.
Ông Trump và những người trung thành với ông đã bác bỏ những lời chỉ trích trên, khẳng định các quốc gia khác từ lâu đã lợi dụng Mỹ và ông sẽ chấm dứt điều đó.
Kết thúc xung đột Nga - Ukraine?
Cách ông Trump phản ứng với cuộc xung đột Nga - Ukraine có thể định hình chương trình nghị sự của ông và báo hiệu cách ông sẽ đối phó với NATO cũng như các đồng minh quan trọng của Mỹ, sau khi Tổng thống Biden nỗ lực xây dựng lại các mối quan hệ quan trọng bị rạn nứt dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump.
Sau khi ông Trump tuyên bố chiến thắng, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã chúc mừng ông Trump trên mạng xã hội, mô tả cách tiếp cận hòa bình thông qua sức mạnh của ông Trump là "nguyên tắc có thể mang lại hòa bình công bằng ở Ukraine gần hơn".
Năm ngoái, ông Trump khẳng định Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không bao giờ mở chiến dịch quân sự tại Ukraine vào năm 2022 nếu ông còn đương nhiệm ở Nhà Trắng, đồng thời nói thêm rằng "ngay cả bây giờ tôi vẫn có thể giải quyết cuộc xung đột đó trong 24 giờ". Tuy nhiên ông không nói sẽ giải quyết như thế nào.
Ông Trump đã chỉ trích sự ủng hộ của Tổng thống Biden đối với Ukraine và cho biết dưới thời ông, Mỹ sẽ xem xét lại mục đích của NATO một cách cơ bản. Ông nói với hãng tin Reutersvào năm ngoái rằng Ukraine có thể phải nhượng lại lãnh thổ để đạt được thỏa thuận hòa bình, điều mà Kiev phản đối và Tổng thống Biden chưa bao giờ đề xuất.
NATO, tổ chức ủng hộ Ukraine, cũng đang bị đe dọa.
Cựu Tổng thống Trump, người từ lâu đã chỉ trích các thành viên NATO không đạt được mục tiêu chi tiêu quân sự như đã cam kết, đã cảnh báo trong chiến dịch tranh cử rằng ông sẽ không chỉ từ chối bảo vệ các quốc gia "trễ hạn" trong việc đóng góp ngân sách mà còn khuyến khích Nga "làm bất cứ điều gì họ muốn" với các nước này.
"NATO sẽ phải đối mặt với mối đe dọa hiện hữu nghiêm trọng nhất kể từ khi thành lập", Brett Bruen, cựu cố vấn chính sách đối ngoại trong chính quyền Tổng thống Barack Obama, cảnh báo.
Thoải mái hơn với Israel?
Ông Trump cũng phải đối mặt với một khu vực Trung Đông bất ổn, vốn có nguy cơ rơi vào một cuộc xung đột khu vực rộng lớn hơn. Israel đang tiến hành các cuộc chiến ở Gaza và Li Băng, trong khi đối đầu với "kẻ thù không đội trời chung" là Iran, và lực lượng Houthi ở Yemen bắn vào tàu thương mại ở Biển Đỏ.
Ông Trump đã bày tỏ sự ủng hộ đối với cuộc chiến của Israel nhằm hạ gục lực lượng Hamas ở Gaza. Tuy nhiên, ông đã nói rằng Thủ tướng Benjamin Netanyahu, một đồng minh của ông Trump được cho là ủng hộ ông trở lại nắm quyền, phải hoàn thành cuộc chiến này một cách nhanh chóng.
Ông Trump dự kiến sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Israel. Ông cảnh báo sự tồn tại của Israel sẽ bị đe dọa nếu Phó Tổng thống Kamala Harris được bầu.
Chính sách của ông Trump đối với Israel có thể sẽ không có ràng buộc nào đối với các mối quan tâm về nhân đạo, trái ngược với ông Biden. Ông Trump có thể trao cho Thủ tướng Israel Netanyahu sự thoải mái hơn với Iran.
Tuy nhiên, ông Trump có thể phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng mới nếu Iran, quốc gia đã tăng cường các hoạt động hạt nhân kể từ khi ông từ bỏ thỏa thuận hạt nhân với Tehran vào năm 2018, vội vã phát triển vũ khí hạt nhân.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên ở Nhà Trắng, ông Trump đã chủ trì việc ký kết Hiệp định Abraham giữa Israel, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Bahrain. Nhưng những thỏa thuận ngoại giao này không giúp thúc đẩy nhà nước Palestine ở Bờ Tây và Dải Gaza.
Tuy nhiên, ông Trump có thể sẽ thúc đẩy bình thường hóa quan hệ lịch sử giữa Israel và Ả Rập Xê Út, một nỗ lực được khởi xướng trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump và cũng được ông Biden theo đuổi.
Hạ nhiệt căng thẳng với Triều Tiên?
Về căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, nhiều dự báo cho rằng ông Trump có thể khôi phục lại chính sách ngoại giao cá nhân với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un để kết thúc nỗ lực còn dang dở từ nhiệm kỳ đầu là giải quyết tình thế tiến thoái lưỡng nan về hạt nhân của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa chắc chắn liệu Triều Tiên có quay lại đối thoại với Mỹ vào thời điểm nước này đang thắt chặt quan hệ với Nga hay không.
"Nếu cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng, Triều Tiên sẽ tìm cách thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ và thúc đẩy việc gỡ bỏ một phần lệnh trừng phạt", ông Ri Il-gyu, cựu cố vấn về các vấn đề chính trị tại Đại sứ quán Triều Tiên ở Cuba, phát biểu tại một diễn đàn được tổ chức tại Seoul, Hàn Quốc hôm 6/11.
Ông Ri đánh giá rằng Ngoại trưởng Triều Tiên Choe Son-hui có thể sẽ có cách tiếp cận thận trọng và thực tế hơn đối với quan hệ Mỹ - Triều Tiên so với cách tiếp cận trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump.
Ông Ri cũng cho biết mặc dù các yêu cầu tối thiểu của Triều Tiên có thể bao gồm sự công nhận về mặt ngoại giao và gỡ bỏ một phần lệnh trừng phạt, nhưng ông cho rằng Mỹ sẽ không dễ dàng đáp ứng các yêu cầu này.
Theo ông Ri, với sự kiểm soát của đảng Cộng hòa, Mỹ "có thể nhấn mạnh vào CVID (phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược) của Triều Tiên, điều mà Triều Tiên có thể sẽ phản đối, thay vào đó là mục tiêu cắt giảm vũ khí hạt nhân".
Ông suy đoán thêm rằng một sự thỏa hiệp, chẳng hạn đóng băng hạt nhân, có thể khả thi, và ôngTrump có khả năng sẵn sàng chấp nhận như một thành tựu chính trị.