"Nếu chỉ ra một điều mà Mark Zuckerberg luôn làm tốt ở cương vị CEO Facebook,đangcốcứuFacebookvàchínhmìsôi lac .tv thì đó là tiêu diệt những kẻ thù", cây bút Seth Fiegerman viết trong một bài bình luận trên CNN.
Lịch sử đã chứng minh nhận định trên là đúng. Khi Google Plus ra đời, Mark Zuckerberg đã đặt Facebook trong tình trạng thời chiến, tuyên bố với các nhân viên rằng "Carthage phải bị hủy diệt" (Carthage là đế chế hùng mạnh từng bá chủ khu vực Địa Trung Hải trước khi bị quân La Mã tiêu diệt qua ba cuộc chiến tranh Punic).
Không cần giải thích, ai cũng hiểu Mark ám chỉ "Carthage" lúc đó là Google, một "nền văn minh" to lớn hơn Facebook gấp nhiều lần. Dù mang đến nhiều điều mới mẻ, tính năng kết nối thông minh, nhưng kết cục, Google Plus vẫn đại bại trước Facebook, sống lay lắt đến nay và trông như bãi cỏ hoang.
Vài năm trước, khi nhận ra Snapchat (nền tảng nhắn tin tự hủy) phát triển mạnh mẽ, Mark Zuckerberg đã cố gắng mua lại nhưng bất thành. CEO của Facebook đã tách Messenger ra khỏi Facebook, bắt chước những tính năng của Snapchat và khiến những tin nhắn tự hủy không còn là bản sắc của nền tảng này. Đến nay, Snapchat vẫn đang loay hoay với bài toán phát triển số lượng người dùng.
Khi cả Google Plus lẫn Snapchat không còn khả năng cạnh tranh với Facebook (và cả Twitter cũng không có cửa so sánh về số lượng người dùng), Mark Zuckerberg chỉ phải đối mặt với vấn đề duy nhất: Facebook.
Trong ngắn hạn, Mark Zuckerberg vẫn muốn Facebook được nhìn nhận như một thứ quyền lực có vai trò lớn trong cuộc sống của nhân loại, hoặc ít nhất là muốn được công nhận rằng Facebook đang nỗ lực thực hiện điều đó chứ không nói suông.
Kể từ 2016 đến nay, Facebook liên tục bị chỉ trích như một nguồn phát tán tin tức giả mạo, làm sai lệch kết quả bầu cử, dẫn đến các xung đột chính trị ở nhiều quốc gia. Vụ việc 7 người vô tội bị xử tử tại chỗ ở Ấn Độ chỉ vì những tin đồn nhảm về các vụ bắt cóc được chia sẻ trên WhatsApp, ứng dụng nhắn tin do Facebook chống lưng.
Đó đều là những vấn đề rất nhức nhối của Facebook mà Mark Zuckerberg và các cộng sự phải giải quyết trong năm 2018, chứ không phải bất kỳ đối thủ nào trên thị trường.
Cuối tháng 12/2017, tại Trường Kinh doanh Stanford (Mỹ), Chamath Palihapitiya - nhân sự cấp cao từng làm việc tại Facebook - gây chú ý khi khuyên mọi người từ bỏ mạng xã hội để sống tốt hơn. Chamath hối tiếc vì đã từng có thời gian chung tay phát triển Facebook, thứ mà ông cho rằng đang "xé nát cuộc sống".
Cách đây ít ngày, Facebook thông báo sẽ ưu tiên hiển thị nội dung từ bạn bè, người thân và những nguồn "thiết thực", "bổ ích" hơn trên News Feed của người dùng. Động thái này là một đòn giáng mạnh mẽ đến các fanpage, các công ty truyền thông, publisher đang sống nhờ vào Facebook. Lý do mà mạng xã hội lớn nhất hành tinh đưa ra cho sự thay đổi này chính là giúp hàng tỷ người dùng kết nối và trao đổi thông tin tốt hơn, thay vì chết ngập trong những bài đăng quảng cáo hoặc nội dung liên quan đến các thương hiệu.
Động thái của Facebook lập tức khiến giá cổ phiếu của công ty này giảm 4% trong ngày 13/1. Việc ưu tiên hiển thị những nội dung mà người dùng đang bàn luận, quan tâm, cũng đặt ra thách thức mới cho Facebook. Mạng xã hội này cần có những bộ lọc nội dung phù hợp cho từng đối tượng người dùng và giữ nó không đi quá giới hạn.
Việc Mark Zuckerberg "sửa sai" Facebook không chỉ để cứu lấy mạng xã hội này, mà còn là tự bảo vệ chính mình. Trong bài phỏng vấn mới nhất với New York Times, Zuckerberg thổ lộ rằng rất muốn hai người con của mình là Max và August khi lớn lên sẽ cảm thấy điều mà cha chúng tạo ra có ích cho thế giới.
Theo Zing