Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn nhấn mạnh,ầntínhtoánđểítảnhhưởngngườidânnhấkqbd cúp ý không nên coi tiến độ là tiêu chí chủ yếu để đánh giá hiệu quả triển khai đề án số hóa truyền hình. Thay vào đó, cần tính toán phương án để ảnh hưởng đến người dân một cách ít nhất. Sáng nay, 19/10, Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam đã có phiên họp lần thứ 12 nhằm tổng kết, đánh giá kết quả của giai đoạn 1, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm để chuẩn bị triển khai giai đoạn 2 của Đề án. Giai đoạn 1: Thành công trên mọi mặt Đánh giá về giai đoạn 1, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, Trưởng Ban chỉ đạo (BCĐ) nhấn mạnh, đây là giai đoạn hết sức quan trọng, không chỉ là nền móng đầu tiên để triển khai các bước tiếp theo, rút ra những kinh nghiệm - cả làm được lẫn chưa được - để hoàn thành tốt các giai đoạn 2, 3 - mà còn có phạm vi ảnh hưởng rộng (5 Thành phố lớn Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP.HCM cùng vùng phụ cận của 19 tỉnh có dân số đông, trình độ dân trí cao). Bộ trưởng cũng nhận định, nhờ sự chuẩn bị kỹ, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và quyết tâm của các đơn vị tham gia Đề án nên giai đoạn 1 đã triển khai thành công trên tất cả các mặt, từ tuyên truyền cho đến phát sóng số mặt đất DVB-T2, từ thiết lập thị trường đầu thu cho đến hỗ trợ set-top box cho các hộ nghèo, cận nghèo. Bộ trưởng Trương Minh Tuấn phát biểu tại cuộc họp. Sau thời điểm 15/8, Bộ TT&TT đã tổ chức 4 đoàn khảo sát tại Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM và Cần Thơ từ ngày 12-15/9/2016 đến các vùng lõm tín hiệu để kiểm tra kết quả thực tế. Kết quả cho thấy vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất DVB-T2 tại 5 TP và một số địa bàn các tỉnh lân cận đã bao phủ và lớn hơn vùng phủ analog trước đây. Chất lượng hình ảnh, âm thanh các kênh của VTV và kênh địa phương tốt hơn nhiều. Người dân đã thu xem được 26-70 kênh truyền hình, trong đó có 5-7 kênh HD. Các hộ nghèo, cận nghèo đủ điều kiện đã được hỗ trợ đầu thu DVB-T2 với tình trạng hoạt động và chất lượng thu tín hiệu tốt. Còn theo Cục Tần số VTĐ - Văn phòng BCĐ thì tình hình lưu thông thiết bị STB trên thị trường tốt, nguồn hàng dồi dào, đa số đều có tem hợp quy và biểu trưng số hóa. Tổng đài hỗ trợ hoạt động tốt, số lượng cuộc gọi hỏi thông tin chỉ tăng trong 4 ngày và trở lại bình thường ngay sau đó, chủ yếu hỏi về kỹ thuật chứ không có ý kiến trái chiều. "Sau khi làm xong, dân yên tâm, không nghe phàn nàn, thắc mắc hay khiếu nại. Các địa phương lúc đầu lo, nhưng về sau đều yên tâm", Bộ trưởng nêu rõ điểm thành công nhất của giai đoạn 1. Không chỉ trong nước, mà một số quốc gia khác trong khu vực ASEAN cũng đánh giá rất cao kết quả triển khai giai đoạn 1 Đề án của Việt Nam (Đà Nẵng chính là thành phố đầu tiên của ASEAN tắt sóng analog). Không theo đuổi tiến độ bằng mọi giá Theo lộ trình dự kiến của giai đoạn 2, sẽ có 25 tỉnh, thành phố tắt sóng vào thời điểm 31/12/2016, tức là chỉ còn hơn 2 tháng nữa. So với giai đoạn 1, giai đoạn 2 cũng có những khó khăn đặc thù như phạm vi rộng hơn, đối tượng người dân khác biệt, nhiều hộ nghèo cần phải hỗ trợ hơn. Khối lượng công việc cần phải triển khai rất nhiều, từ đảm bảo vùng phủ, chất lượng phủ sóng, thông tin tuyên truyền tới người dân, hỗ trợ đầu thu cho các hộ nghèo, cận nghèo... trong khi thời gian còn lại rất ít, Bộ trưởng phân tích. Để đảm bảo việc triển khai giai đoạn 2 được hiệu quả, Cục Tần số cho rằng cần tránh thay đổi thời hạn tắt sóng nhiều lần vì điều này sẽ ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền, dễ gây nhầm lẫn cho người dân. Các đơn vị TDPS cần đảm bảo vùng phủ, chất lượng tín hiệu trước thời điểm ngừng phát sóng 6 tháng; các địa phương cần xác định đúng vùng hỗ trợ và đúng đối tượng hỗ trợ để công tác hỗ trợ đầu thu tiến hành kịp thời, đảm bảo thống nhất, đồng bộ giữa Trung ương với địa phương. Cơ quan này cũng khuyến nghị sớm ban hành định mức kinh tế, kỹ thuật TDPS kênh chương trình trên hạ tầng TDPS của doanh nghiệp. Riêng về thuế suất nhập khẩu đối với mặt hàng đầu thu STB, hiện mức thuế đang được áp dụng lên tới 35%. Cục Tần số cho rằng mức thuế cao này sẽ gây khó khăn cho triển khai đề án, do đó đề nghị Bộ TT&TT, Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh cho phù hợp. Cho ý kiến chỉ đạo về lộ trình điều chỉnh, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cơ bản nhất trí với việc 7 tỉnh sẽ tắt trước vào ngày 31/12/2016, xong xem xét thêm trường hợp Hà Nam, nếu đủ điều kiện và địa phương sẵn sàng thì có thể tắt luôn trong đợt này. Với 17 tỉnh còn lại, Bộ trưởng nêu quan điểm nhóm tỉnh nào chuẩn bị tốt, nếu tắt được sớm hơn mốc 1/7/2017 thì vẫn nên tắt. "Chỉ nên coi 1/7/2017 là thời hạn chót, còn tinh thần vẫn là tắt sớm nhất có thể", ông nêu rõ. Tuy vậy, người đứng đầu ngành TT&TT lưu ý các đơn vị cần đặt quyền lợi người dân lên cao nhất khi triển khai tắt sóng. "Chúng ta thực hiện theo đúng tiến độ đã được Thủ tướng chỉ đạo, nhưng không nên lấy tiến độ làm tiêu chí chủ yếu để đánh giá. Nói cách khác, không nên tắt đúng tiến độ bằng mọi giá. Ta cần phải tránh ảnh hưởng đến người dân, hoặc làm sao mức độ ảnh hưởng đến người dân là ít nhất có thể, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng lõm", ông yêu cầu. Bộ trưởng cũng chỉ đạo công tác thông tin tuyên truyền giai đoạn 2 cần triển khai luôn từ thời điểm hiện tại, song cần ngắn gọn, dễ hiểu, hướng trực tiếp đến đối tượng đang xem truyền hình analog tại các địa phương tắt sóng đợt này; đẩy mạnh tuyên truyền cơ sở... Cục PTTH & TTĐT hướng dẫn các doanh nghiệp TDPS sắp xếp dung lượng truyền dẫn các kênh thiết yếu hợp lý, đáp ứng nhu cầu thông tin chính đáng của người dân. Các giải pháp về đảm bảo vùng phủ sóng DVB-T2, hỗ trợ đầu thu, định mức TDPS cũng được Bộ trưởng chỉ đạo giải pháp khả thi, trên cơ sở họp bàn thống nhất giữa các bên, tránh tình trạng nước đến chân mới nhảy và hài hòa lợi ích giữa các bên. "Ban chỉ đạo cần lưu tâm, giải quyết các khuyến nghị của địa phương, đơn vị kịp thời, tránh ảnh hưởng đến người dân khi tắt analog", Bộ trưởng kết luận. Ông giao Thứ trưởng Phan Tâm thành lập các đoàn kiểm tra trước, trong và sau khi tắt sóng giai đoạn 2 (bắt đầu từ tháng 11) để kịp thời nắm tình hình, báo cáo Ban chỉ đạo. Liên quan đến kế hoạch triển khai đề án giai đoạn 2, hiện mới chỉ có 10 tỉnh được phủ sóng số toàn bộ địa bàn, song nhiều tỉnh miền núi chưa được phủ sóng, việc hỗ trợ đầu thu cũng cần thời gian lập dự án đầu tư, đấu thầu mua sắm. Vì vậy, Tiểu ban giúp việc đề xuất BCĐ điều chỉnh thời điểm ngừng phát sóng theo hướng: các địa phương đã hoàn thành phủ sóng toàn bộ địa bàn và hỗ trợ xong các hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn cũ sẽ vẫn tắt sóng đúng ngày 31/12/2016. Các tỉnh này bao gồm Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Bình Dương, Vĩnh Long, Hậu Giang. Đối với những địa phương còn lại (chưa được phủ sóng toàn bộ hoặc chưa hỗ trợ xong đầu thu) sẽ ngừng phát sóng analog từ ngày 1/7/2017. Nhóm tỉnh này bao gồm Quảng Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ, Ninh Bình, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang. Riêng Ninh Thuận, Khánh Hòa và các địa bàn phủ sóng bởi các trạm phát lại analog tại Quảng Ninh, Thái Nguyên, Ninh Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Bình Thuận, Đồng Nai, Bà rịa Vũng Tàu sẽ phải ngừng phát sóng analog sau giai đoạn 2. Nếu triển khai theo hướng này, công tác hỗ trợ đầu thu sẽ triển khai theo hai giai đoạn tương ứng. T.C