Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga phát biểu ý kiến. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 23,ầncôngbốcôngkhaicáchiệntượngthấtthoátlãngphíkqbd haka sáng 12/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017.
Phê bình các bộ, cơ quan, địa phương, tập đoàn, tổng công ty chưa có báo cáo
Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2017 do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, các cấp, ngành, chính quyền địa phương và nhân dân trong cả nước đã tích cực triển khai, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên tất cả các lĩnh vực theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội năm 2017 do Quốc hội đề ra.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế trong các lĩnh vực chậm được khắc phục như công tác quản lý thu ngân sách nhà nước ở một số địa bàn, lĩnh vực chưa quyết liệt, chưa theo sát tình hình thực tiễn, diễn biến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Việc phân bổ, sử dụng vốn vay cho đầu tư còn dàn trải, chậm tiến độ, hiệu quả chưa cao như: Dự án Tuyến đường sắt đô thị Hà Nội số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo; dự án Xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh-Hà Đông... một số dự án vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi, bảo lãnh Chính phủ phát sinh rủi ro không trả được nợ, phải thực hiện tái cơ cấu tài chính, chuyển sang hình thức Nhà nước đầu tư hoặc Quỹ Tích lũy phải ứng trả thay...
Chính phủ đánh giá những tồn tại, hạn chế này đã và đang gây ra sự lãng phí không nhỏ các nguồn lực của đất nước và trong sản xuất, đời sống của nhân dân.
Một số bộ, cơ quan, địa phương chưa thực hiện nghiêm công tác tổng kết đánh giá và chế độ báo cáo theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, làm giảm hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, như: Không báo cáo, chậm báo cáo hoặc báo cáo không đúng yêu cầu, quy định; không đánh giá, phân tích, không có số liệu về kết quả tiết kiệm, tình trạng lãng phí và những tồn tại, hạn chế trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại bộ, ngành, cơ quan, địa phương mình hoặc né tránh, không báo cáo rõ về những tổ chức, cá nhân yếu kém, có hành vi phạm, gây lãng phí đã được phát hiện...
Một số nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, hạn chế được chỉ ra do tình hình thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp; tác động tiêu cực từ tình hình thế giới đối với sản xuất kinh doanh trong nước; quy mô nền kinh tế nước ta còn nhỏ, khoa học công nghệ còn lạc hậu, năng lực nguồn nhân lực còn hạn chế, năng suất lao động xã hội thấp.
Bên cạnh đó, ý thức, trách nhiệm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của một bộ phận cán bộ, công chức, người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức, địa phương chưa tốt, chưa gương mẫu, quyết liệt trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nói không đi đôi với làm, nên kết quả còn hạn chế.
Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với nhiều nội dung thể hiện trong báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nêu băn khoăn, báo cáo của Chính phủ cần phải bám sát Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó phạm vi điều chỉnh của Luật nêu rõ về 3 lĩnh vực: Quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước; Quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên; Hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Tuy nhiên, kết cấu báo cáo của Chính phủ và cơ quan thẩm tra của Quốc hội lại không theo các lĩnh vực Luật quy định.
Những vấn đề báo cáo nêu như thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong xây dựng pháp luật, định mức, tiêu chuẩn, chế độ... không phải là không đúng, nhưng báo cáo cần tập trung làm rõ những lĩnh vực trọng tâm mà Luật đã xác định - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đánh giá.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải và nhiều ý kiến khác trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề cập tới tính kỷ luật trong xây dựng báo cáo này.
Theo phụ lục kèm báo cáo cho thấy rất nhiều bộ, ngành, địa phương chưa có báo cáo gửi về Chính phủ hoặc chưa có Chương trình hành động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Điều này đã ảnh hưởng tới chất lượng của Báo cáo.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đề nghị báo cáo cần cập nhật các số liệu và có số liệu so sánh giữa các năm để thấy được sự tiến bộ hay không tiến bộ trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Báo cáo cũng chưa đề cập được bộ, ngành, địa phương nào làm chưa tốt công tác này, cần phê bình xử lý trách nhiệm; những bộ, ngành, địa phương làm tốt cần được biểu dương...
Cơ bản đồng ý với các giải pháp, nhiệm vụ mà Chính phủ đề ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu, làm quyết liệt hơn, cương quyết hơn và xử lý nghiêm túc hơn; cần công bố công khai các hiện tượng thất thoát, lãng phí để dư luận lên án; đồng thời biểu dương các hành động thiết thực đã làm tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2017.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tuy còn những hạn chế, song đã có nhiều tiến bộ hơn với năm 2016. Việc chấp hành nghị quyết của Đảng, của Quốc hội đã thực hiện nghiêm túc hơn, có nhiều cố gắng, kể cả việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để tăng cường công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu ý kiến. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu: Năm qua, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đã được tăng cường, phát hiện nhiều vụ việc sai phạm để chấn chỉnh. Đặc biệt, biểu dương một số bộ, ngành có bước tiến hết sức tích cực và đi đầu trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí chưa được thực hiện nghiêm túc. Tình trạng lãng phí, thất thoát trong sử dụng tài sản công, tài chính công, trong sử dụng nguồn lực còn kém hiệu quả, vẫn còn lãng phí về thời gian, lao động diễn ra ở các mức độ khác nhau.
“Việc tổ chức thực hiện còn chậm, ý thức trách nhiệm của một số ngành chưa cao, xử lý một số vụ việc chưa kịp thời và chưa thực sự nghiêm túc. Đề nghị làm rõ địa chỉ trách nhiệm,” Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị, Chính phủ, Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội điều chỉnh lại số liệu để sát, đúng với tình hình năm 2017, không lấy số liệu năm 2016; hoàn chỉnh các báo cáo đầy đủ, nghiêm túc.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê bình các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương, tập đoàn, tổng công ty chưa có báo cáo. “Đây cũng là giám sát của Quốc hội về việc chấp hành luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Cho nên, không có báo cáo có nghĩa chưa chấp hành nghiêm”- Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ.
Thành lập thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa-Vũng Tàu) và thị trấn Phước Cát (Lâm Đồng)
Thời gian còn lại của phiên làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc thành lập thị xã Phú Mỹ và các phường thuộc thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; thị trấn Phước Cát thuộc huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng.
Phương án theo Tờ trình Chính phủ về thành lập thị xã Phú Mỹ và các phường thuộc thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cụ thể là thành lập thị xã Phú Mỹ trên cơ sở toàn bộ 333,84km2 diện tích tự nhiên và 175.872 người của huyện Tân Thành.
Về thành lập các phường thuộc thị xã Phú Mỹ, cụ thể là: Thành lập phường Phú Mỹ trên cơ sở toàn bộ 31,87 km2 diện tích tự nhiên và 29.738 người của thị trấn Phú Mỹ. Thành lập phường Hắc Dịch trên cơ sở toàn bộ 32 km2 diện tích tự nhiên và 16.565 người của xã Hắc Dịch.
Thành lập phường Mỹ Xuân trên cơ sở toàn bộ 38,93 km2 diện tích tự nhiên và 32.345 người của xã Mỹ Xuân.
Thành lập phường Phước Hòa trên cơ sở toàn bộ 54,68 km2 diện tích tự nhiên và 16.126 người của xã Phước Hòa. Thành lập phường Tân Phước trên cơ sở toàn bộ 29,75 km2 diện tích tự nhiên và 15.182 người của xã Tân Phước.
Kết quả sau khi thành lập thị xã và các phường thuộc thị xã là: Thị xã Phú Mỹ có 333,84km2 diện tích tự nhiên và 175.872 người, 10 đơn vị hành chính cấp xã gồm 5 phường (Phú Mỹ, Hắc Dịch, Mỹ Xuân, Phước Hòa, Tân Phước) và 5 xã (Châu Pha, Sông Xoài, Tân Hải, Tân Hòa, Tóc Tiên).
Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giữ nguyên số lượng đơn vị hành chính cấp huyện (8 đơn vị) và cấp xã (82 đơn vị) nhưng có chuyển 1 huyện thành 1 thị xã (từ 2 thành phố và 6 huyện thành 2 thành phố, 1 thị xã và 5 huyện) và chuyển 1 thị trấn, 4 xã thành 5 phường (từ 24 phường, 7 thị trấn và 51 xã thành 29 phường, 6 thị trấn và 47 xã).
Theo Tờ trình của Chính phủ về việc thành lập thị trấn Phước Cát thuộc huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng xác định phương án: Thành lập thị trấn trên cơ sở nguyên trạng xã Phước Cát 1 nhưng lại lấy tên gọi thị trấn Phước Cát, vì “Phước Cát” là địa danh nguyên thủy trước khi điều chỉnh chia tách thành 2 xã (Phước Cát 1 và Phước Cát 2), hơn nữa địa danh Phước Cát đã được biết đến là nơi giao thương, trao đổi hàng hóa của nhân dân các vùng lân cận như chợ Phước Cát, Hợp tác xã nông nghiệp Phước Cát và chùa Phước Cát có tên trong lịch sử từ lâu đời, đã đi vào tiềm thức của nhân dân trong vùng. Vì vậy, việc đặt tên thị trấn Phước Cát là phù hợp và đã được 99,98% cử tri dự họp tán thành.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo thẩm tra. (Ảnh: Dương Giang - TTXVN)
Quy mô thành lập thị trấn Phước Cát trên cơ sở toàn bộ 16,97 km2 diện tích tự nhiên và 7.204 người của xã Phước Cát 1. Sau khi thành lập thị trấn Phước Cát, tỉnh Lâm Đồng và huyện Cát Tiên không thay đổi về diện tích tự nhiên, dân số và số đơn vị hành chính trực thuộc.
Tuy nhiên, huyện Cát Tiên có tăng 1 thị trấn và giảm 1 xã (từ 10 xã và 1 thị trấn thành 9 xã và 2 thị trấn). Địa giới hành chính thị trấn Phước Cát: Đông giáp xã Đức Phổ, huyện Cát Tiên; Tây giáp xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước; Nam giáp xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước; Bắc giáp xã Phước Cát 2, xã Gia Viễn, huyện Cát Tiên.
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với nội dung Tờ trình của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về việc thành lập thị xã Phú Mỹ và các phường thuộc thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; thị trấn Phước Cát thuộc huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết thành lập thị xã Phú Mỹ và các phường thuộc thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nghị quyết thành lập thị trấn Phước Cát thuộc huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng với 100% ý kiến tán thành.
Theo chương trình, chiều 12/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Quản lý phát triển đô thị./.
Theo TTXVN