Giáo viên là yếu tố quyết định
“Chương trình mới có hay như thế nào thì đội ngũ quyết định chất lượng thực hiện vẫn chính là đội ngũ giáo viên”,Đổimớitưduygiáoviêbxh h2 phap PGS. TS. Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non, Bộ GD&ĐT chia sẻ tại hội thảo “Phát triển chương trình Giáo dục Mầm non mới”.
Từ lý do này, trong gần 5 năm qua, tại ba tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum, VVOB - một tổ chức phi chính phủ đến từ Bỉ đã và đang triển khai dự án “Giảm thiểu rào cản đối với hoạt động học tập của trẻ mầm non tại các huyện khó khăn và có nhiều dân tộc thiểu số cùng sinh sống” (BAMI) nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực giảng dạy cho giáo viên mầm non.
Dự án đã áp dụng cách tiếp cận “Phát triển chuyên môn do trường chủ trì có hiệu quả, để nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý và giáo viên” theo các chủ đề như: quan sát trẻ theo quá trình; học thông qua chơi; dạy học có đáp ứng giới; tạo môi trường học tập giàu ngôn ngữ; và trường học an toàn.
Để công tác bồi dưỡng năng lực chuyên môn cho cán bộ quản lý và giáo viên hiệu quả, VVOB xác định bồi dưỡng chuyên môn thành công không chỉ là về nội dung mà còn cần chú ý tới cách thức triển khai và quan trọng là tạo dựng được môi trường học tập thuận lợi cho giáo viên.
Bà Bùi Thị Hoa - Chuyên viên Phòng GDĐT huyện Nam Giang, Quảng Nam cho biết, “Việc phát triển chuyên môn cho giáo viên không chỉ là triển khai các kế hoạch chuyên môn của nhà trường mà quan trọng là việc nắm bắt nhu cầu cần được bồi dưỡng của giáo viên, tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn đáp ứng nhu cầu của giáo viên và giáo viên cảm thấy thoải mái, được làm chủ trong các buổi sinh hoạt chuyên môn đó”.
Từ đó, VVOB cùng các Sở GD&ĐT đã thực hiện thành công nhiều hoạt động bồi dưỡng phát triển chuyên môn giáo viên. Các hình thức bồi dưỡng được kết hợp theo một lộ trình và thông qua nhiều hình thức khác nhau như: tập huấn, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và thu hoạch các thực hành tốt, tham quan học tập giữa các huyện dự án cũng như giữa các tỉnh dự án và tới các tỉnh bạn, khai vấn, sinh hoạt chuyên môn... Khi tham gia, cán bộ quản lý và giáo viên tham dự đều có cơ hội thảo luận và liên hệ với thực tế trong trường học, lớp học.
Các hoạt động bồi dưỡng phát triển chuyên môn giáo viên do VVOB tổ chức |
Những thay đổi tích cực
VVOB ghi nhận, các hình thức bồi dưỡng chuyên môn do các cán bộ Sở, phòng và cán bộ quản lý nhà trường tổ chức cũng đã có những thay đổi tích cực về hình thức trao đổi, chia sẻ nội dung chuyên môn.
“Các cán bộ quản lý đã mạnh dạn điều chỉnh các hình thức và phương pháp tổ chức các hoạt động phát triển chuyên môn, thay đổi tư duy về năng lực của giáo viên, tin tưởng giáo viên, động viên khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để giáo viên thử nghiệm các ý tưởng mới và chia sẻ thảo luận với nhau”, bà Nguyễn Thị Như Quỳnh - Phó Trưởng phòng GDMN-TH, Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum cho biết.
Một hoạt động bồi dưỡng phát triển chuyên môn tại một trường mầm non tỉnh Kon Tum |
Theo chia sẻ của bà Đỗ Thị Cẩm Nhung - Phó phòng GD&ĐT huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi: “Cán bộ quản lý đã có sự thay đổi hình thức sinh hoạt chuyên môn, giáo viên là người làm chủ nội dung thảo luận. Điều này đã giúp đáp ứng nhu cầu học tập, nâng cao năng lực chuyên môn của giáo viên”.
Từ những thay đổi trong hình thức bồi dưỡng, hiệu quả thấy rõ là giáo viên cũng tạo ra các thay đổi trong lớp học khi nỗ lực áp dụng những nội dung mới, phù hợp với lớp học, với trẻ mầm non. Đáng chú ý, giáo viên còn chủ động thay đổi việc sắp xếp môi trường lớp học, biết đặt các câu hỏi khơi gợi sự tư duy của trẻ, tạo cảm giác thoải mái, an toàn cho trẻ đặc biệt chú ý tới những trẻ có cảm giác thoải mái thấp...
VVOB là tổ chức phi lợi nhuận được thành lập vào năm 1982, tập trung vào lĩnh vực Giáo dục và bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 1992. Mục tiêu chính của VVOB là cải thiện chất lượng, hiệu suất và hiệu quả của giáo dục một cách bền vững tại các nước đang phát triển. Trong thời gian gần đây, VVOB triển khai 3 dự án và chương trình trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam: - Dự án giáo dục mầm non quan tâm đến giới (GENTLE) được triển khai bởi VVOB và CGFED tại 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi (kết thúc vào ngày 31/5/2021). - Chương trình “Giảm thiểu rào cản đối với hoạt động học tập của trẻ mầm non tại các huyện khó khăn và có nhiều dân tộc thiểu số cùng sinh sống (BAMI)” tại 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum. - Chương trình Lồng ghép các hoạt động học thông qua chơi cho học sinh Việt Nam (iPLAY) tại các tỉnh: Thái Nguyên, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, TP.HCM, Lai Châu, Hà Giang và Thanh Hóa. Bộ tài liệu “Hỗ trợ phát triển chuyên môn cho giáo viên” do các chuyên gia tại VVOB biên soạn: https://vietnam.vvob.org/vi/resources/boi-duong-phat-trien-chuyen-mon-cho-giao-vien-tai-lieu-tham-khao-danh-cho-nguoi-thuc-hien |
Nguyễn Thị Châu - Trần Tín Thành
(Cố vấn Tổ chức VVOB)