Lốp xe là bộ phận cực kỳ quan trọng của ô tô bởi chúng là bộ phận duy nhất tiếp xúc trực tiếp với bề mặt đường,ỏraphútngóquanhlốpxesẽgiúpnhữngchuyếnđiantoànhơquả bóng da đồng thời phải chịu áp lực lớn bởi trọng tải của chiếc xe. Trên đường, những vấn đề về lốp thường xảy đến rất bất ngờ và khó lường. Với những chuyến đi xa mà chiếc xe gặp vấn đề về lốp sẽ khá phiền phức, mất thời gian.
Trên thực tế, nhiều vụ tai nạn nguy hiểm xảy ra có nguyên nhân đến từ lốp ô tô, có thể do lốp quá non hoặc quá căng; lốp bị mòn, lốp bị phồng rộp, rạn nứt dẫn tới nổ lốp. Do đó, trước mỗi chuyến đi xa, cần dành ra một chút thời gian để kiểm tra tình trạng lốp xe để chuyến đi được an toàn hơn.
Mất khoảng 1 phút kiểm tra lốp xe trước khi di chuyển sẽ giúp những chuyến đi xa an toàn hơn. (Ảnh: Hoàng Hiệp) |
Các chuyên gia khuyên rằng, các tài xế nên tập cho mình thói quen kiểm tra một vòng chiếc xe trước khi di chuyển. Trong đó, chỉ mất không quá 1 phút kiểm tra lốp là bạn sẽ phát hiện được các vấn đề (nếu có) và giảm thiểu tối đa rủi ro trên đường.
Quan sát bằng mắt thường, chúng ta có thể biết được tình trạng cơ bản của các lốp như: Lốp có bị quá non hơi hay không? Có đinh ghim vào không? Có bị rạn nứt nghiêm trọng không? Có những dấu hiệu phồng rộp không?... Từ đó có cách xử lý, khắc phục ngay trước khi ra đường trường.
Trong quá trình kiểm tra, nếu lốp xe xuất hiện những vết phồng, bong tróc hay nhiều vết cứa, chém sâu trên bề mặt, đó là những dấu hiệu có thể khiến lốp xe bị nổ đột ngột khi di chuyển với tốc độ cao hoặc đâm vào các chướng ngại vật. Tốt nhất, bạn nên thay lốp sớm để đảm bảo an toàn.
Một số xe đời mới hiện nay có chức năng cảnh báo và hiển thị áp suất lốp. Khi lên xe, bạn nên chú ý đến những cảnh báo này để duy trì lượng hơi tiêu chuẩn cho xe. Nếu lốp bị xuống hơi trong một thời gian ngắn thì cần kiểm tra ngay vì rất có thể lốp xe đó đã bị dính đinh.
Trên mỗi chiếc lốp đều có in các chỉ số chuẩn về độ mòn ở những rãnh chính, thông thường giới hạn cho phép về độ sâu nhỏ nhất để đảm bảo an toàn là 1,6mm. Nếu chúng bị mòn quá mức trên thì bạn nên tiến hành thay mới.
Kiểm tra tình trạng và đo độ dày lốp để đảm bảo an toàn |
Ngoài ra, các chuyên gia cũng đưa ra những lời khuyên cho việc chăm sóc lốp xe như sau:
Luôn bơm lốp đúng khuyến cáo của nhà sản xuất
Thông thường, thông tin về áp suất tiêu chuẩn của lốp xe được niêm yết bằng decal và dán trên xe. Tùy từng loại xe mà thông tin này được dán vào cửa kính, bậc lên xuống hay trong cốp phụ của xe.
Con số này thường được thể hiện bằng đơn vị là PSI, KPa hay Bar và thường là mức áp suất tối đa cho phép. Thông dụng nhất đối với các lái xe Việt là Bar (1 Bar = 1.000 kg/cm2 = 100 Kpa). Lốp xe con hiện nay thường được khuyến nghị bơm ở mức 2,1-2,5 kg/cm2 tùy loại xe và có thể có sự khác nhau giữa bánh trước và sau.
Các chuyên gia cũng cho rằng, mức áp suất lốp được nhà sản xuất khuyến nghị nói trên là trong điều kiện tiêu chuẩn, có nghĩa là xe đang “nguội”. Với thời tiết nắng nóng, bạn có thể bơm lốp non hơn một chút để đảm bảo an toàn.
Cảnh báo áp suất lốp trên đồng hồ tap-lô của một mẫu xe đời mới. |
Kiểm tra áp suất lốp ít nhất 1 tháng/lần và đảm bảo lốp xe luôn đủ hơi. Nếu một chiếc lốp nào đó bị non hơi, có thể chiếc lốp này đã bị dính đinh hoặc rò rỉ hơi qua van bơm, rò rỉ qua vành. Bạn cần đi kiểm tra và xử lý ngay tại các trung tâm về lốp có uy tín.
Nhiều xe đời mới hiện nay có bộ phận báo áp suất lốp và cảnh báo mỗi khi áp suất này xuống thấp hơn 90% so với áp suất được khuyến nghị. Những xe khác cũng có thể lắp thêm thiết bị cảm biến áp suất lốp này khá dễ dàng với giá bán từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng.
Đừng tiếc tiền thay lốp
Lốp xe sau một thời gian sử dụng sẽ bị mòn, xuống cấp,… do vậy, đừng tiếc tiền để thay lốp đúng hạn cho chiếc xe của bạn. Thông thường, đối với ô tô con sẽ phải thay khi đi được khoảng 50.000-60.000 km.
Tùy vào chất lượng lốp, điều kiện đường sá và môi trường sử dụng xe mà thời gian thay lốp có thể thay đổi. Ví dụ như chiếc xe của bạn thường di chuyển trên những đoạn đường xấu, nhiều sỏi đá hoặc hay dính đinh thì phải thay sớm hơn.
Ngoài ra, các chuyên gia khuyên rằng, đối với những chiếc xe ít dùng thì cũng không cần phải đợi đủ số km mới thay mà phải thay sau khoảng 5-6 năm sử dụng và tối đa là 10 năm từ ngày sản xuất bởi lẽ cao su của lốp là vật liệu bị xuống cấp, ô-xi hoá theo thời gian.
Thông tin về thời gian sản xuất được in trên mỗi lốp xe. |
Khi thay lốp, chúng ta cũng nên để ý thay lốp mới sản xuất, tránh thay phải “hàng tồn”. Trên lốp có rất nhiều thông số, trong đó có 4 chữ số liền nhau thể hiện tuần và năm sản xuất. Ví dụ như 2118 có nghĩa là chiếc lốp này được sản xuất vào tuần thứ 21 của năm 2018.
Các chuyên gia cũng khuyên rằng, trước những chuyến đi dài ngày như các dịp cuối năm, lễ Tết, nếu các lốp xe của bạn chuẩn bị đến thời gian phải thay thì cũng không nên “đi cố” mà hãy thay luôn để đảm bảo an toàn cho chuyến đi xa.
Lốp xe cần thay định kỳ mỗi 50-60 nghìn km hoặc 5-6 năm sử dụng. |
Chăm sóc lốp, giữ lốp luôn khô ráo, sạch sẽ
Nhiều ý kiến cho rằng, lốp xe chẳng có gì để chăm sóc. Tuy nhiên, quan niệm này là sai. Các chuyên gia cho rằng, lốp xe cũng như các bộ phận khác trên xe rất cần được quan tâm để có thể kéo dài tuổi thọ, hạn chế xuống cấp.
Lốp xe nên được giữ khô ráo, sạch sẽ bởi lốp xe làm bằng cao su, rất dễ lão hóa nếu ẩm ướt, dính nhiều bùn đất. Do vậy, sau mỗi chuyến đi, chủ xe nên rửa và đánh sạch lốp ngay. Việc giữ lốp khô sạch còn giúp lốp xe luôn bóng đẹp, đảm bảo tính thẩm mỹ cho cả chiếc xe.
Các chuyên gia khuyên trước những chuyến đi xa, chủ xe nên kiểm tra xem các bộ phận kích, thay lốp, lốp dự phòng và đảm bảo chúng vẫn có thể hoạt động tốt. Nên trang bị bộ bơm lốp mini trên xe để chủ động bổ sung trong trường hợp bị xịt lốp, non hơi hay dính đinh trên đường.
Hoàng Hiệp
Bạn có góc nhìn nào về vấn đề trên? Hãy gửi ý kiến dưới phần bình luận của bài viết. Mọi câu hỏi tư vấn về sử dụng, mua bán xe xin gửi tới Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!
Gặp ổ gà trên đường, SUV sang tiền tỷ cũng nổ lốp như chơi
Ô tô bị nổ lốp khi gặp các ổ gà trên đường không chỉ gây hỏng hóc, phiền phức, mất thời gian và tiền bạc mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn tới tai nạn giao thông.