Thời gian qua,ôngđoànKhucôngnghiệpViệtrận atalanta hôm nay Công đoàn Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) đã chủ động phối hợp với doanh nghiệp (DN) và các công đoàn cơ sở (CĐCS) phát động, vận động công nhân lao động (CNLĐ) thực hiện tốt phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo (LĐGLĐST)”.
Đoàn viên, CNLĐ Công ty TNHH Uchyama Việt Nam (VSIP 1) tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “LĐGLĐST” do Công đoàn VSIP phát động
Lan tỏa trong CNLĐ
Phong trào thi đua “LĐGLĐST” đã được các CĐCS trực thuộc tổ chức phát động với nhiều nội dung thiết thực và thu hút đông đảo đoàn viên, CNLĐ hưởng ứng tham gia hiệu quả. Trong năm 2021, qua phong trào thi đua “LĐGLĐST” đã làm lợi về giá trị kinh tế cho DN với tổng số tiền hơn 500 tỷ đồng.
Điển hình là sáng kiến, sáng tạo “Cải tiến máy cắt sợi cáp quang” của anh Đào Văn Phong, Trưởng nhóm bảo trì, bộ phận kỹ thuật nhà máy của Công ty TNHH Fujikura Fiber Opics Việt Nam (VSIP 1). Năm 2020 và 2021 là giai đoạn khó khăn chung của các DN do ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19. Ở Công ty TNHH Fujikura Fiber Opics Việt Nam, vấn đề bảo đảm an toàn vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì hoạt động sản xuất đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc đặt mua máy móc hay linh kiện. Từ những khó khăn này đã thôi thúc, tạo động lực để anh Phong cùng đồng nghiệp có những sáng kiến hay giúp công ty vượt qua khó khăn. Sáng kiến cải tiến “Máy cắt và quấn sợi cáp quang tự động” mang lại những lợi ích lớn trong sản xuất của DN.
Thời gian tới Công đoàn VSIP tiếp tục phát động các phong trào thi đua trong đoàn viên, CNLĐ góp phần hoàn thành mục tiêu sản xuất, kinh doanh của DN. Năm 2022, Công đoàn VSIP sẽ hưởng ứng chủ đề thi đua “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”, trọng tâm là phong trào thi đua “LĐGLĐST” với mục tiêu “Năng suất, chất lượng, hiệu quả, bảo đảm an toàn, vệ sinh, lao động”. (Bà Đặng Thị Kim Chi, Chủ tịch Công đoàn VSIP) |
Anh Đào Văn Phong chia sẻ: “Vào thời điểm dịch bệnh bùng phát, diễn biến khó lường và kéo dài, tuân thủ thông điệp “5K” của Bộ Y tế là việc tiên quyết, tất cả mọi vị trí làm việc trong nhà máy luôn thực hiện giữ khoảng cách an toàn nên việc tự động hóa công đoạn để giảm mật độ nhân công được Ban giám đốc công ty rất đồng tình và ủng hộ. Trước đây, công ty sử dụng máy cắt được mua từ Nhật Bản về, sẽ cuốn sợi cáp vào và xả ở đầu ra, đến độ dài được cài đặt thì sẽ tự động cắt. Nếu máy cắt 100m thì thành phẩm nhận được có thể sai lệch nhau 4m, sai số này cũng gây hao phí khá lớn. Máy cắt với tốc độ cũng rất chậm, tối đa là 800mm/giây, nên cần số lượng máy nhiều để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Thêm vào đó, để vận hành các máy cắt này thì cần 3 công nhân, 1 bạn vận hành máy và 2 bạn sẽ đứng ở đầu ra để thay phiên nhau quấn sản phẩm đã được cắt thành cuộn tròn với đường kính theo yêu cầu rồi xếp vào khay”.
Qua trìm hiểu, nghiên cứu nắm được nguyên lý hoạt động, ưu và nhược điểm của máy, cộng với nhu cầu đơn hàng tăng cao và hạn chế tối đa số người đứng gần nhau trong thời điểm dịch bệnh, anh Phong đã nâng cấp thành công máy cắt, giúp tăng năng suất vượt trội mà chỉ cần 1 công nhân vận hành. Anh chỉ giữ lại cơ cấu lưỡi dao cắt của máy cũ, sau đó làm lại toàn bộ hệ thống điện, hệ thống dẫn động, cải tiến thêm bộ điều hòa cáp đầu vào, thiết kế thêm hệ thống dẫn hướng đầu ra và hệ thống tự quấn sản phẩm sau khi cắt xong với đường kính có thể điều chỉnh được.
Sau khi máy được cải tiến có thể chạy được tốc độ 3m/giây, gấp 3,75 lần máy cũ. Máy cắt chính xác hơn, khi cắt 100m thì sai lệch chỉ còn 0,3m. Bên cạnh đó, máy cũng đã được thiết kế thêm cơ cấu để tự quấn sản phẩm lại sau khi cắt xong, kết quả là máy cắt mới này sẽ cắt và quấn tự động. Máy mới đã góp phần giúp công ty vượt qua giai đoạn khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19, tăng năng suất, góp phần giúp công ty đáp ứng được đơn hàng, giảm sai số sản phẩm, từ đó làm giảm được lãng phí lớn do sai lệch chiều dài gây ra. Giờ đây, chỉ 1 công nhân là có thể vận hành được máy, bảo đảm được an toàn khoảng cách trong thời điểm Covid-19. Ngoài ra, với những cải tiến nâng cấp mới cho máy mà nhiều loại sản phẩm vốn không thể cắt được bằng máy cũ thì đã có thể sử dụng máy mới để cắt. Sáng kiến này đã làm lợi về kinh tế cho DN hơn 2,3 tỷ đồng/năm, đồng thời so với máy cũ giảm được nhân công, hạn chế lãng phí vật tư.
Trong thời gian làm việc tại Công ty Fujikura Fiber Optics Việt Nam, anh Phong đã có nhiều sáng kiến, giải pháp kỹ thuật phục vụ cho thiết kế chế tạo máy móc mới và được triển khai thành công như: Máy tự động tách vỏ sợi cáp quang, máy tự động gắp, rửa và chuyển sản phẩm đi đến công đoạn tiếp theo; máy tự động gắp sản phẩm và bơm keo, máy dán nhãn tự động, hệ thống điều khiển máy lạnh thông qua IoT và một số dự án khác.
Thi đua “1 triệu sáng kiến”
Bà Đặng Thị Kim Chi, Chủ tịch Công đoàn VSIP, cho biết nâng cao chất lượng hoạt động CĐCS được Công đoàn VSIP gắn với các phong trào thi đua nhằm phát huy trí tuệ, cổ vũ, động viên cán bộ, đoàn viên hiến kế, đề xuất các sáng kiến, giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DN. Từ đó, nâng cao hiệu quả hoạt động, vị trí của tổ chức CĐCS trong DN.
Đặc biệt, trong năm 2021, hưởng ứng Chương trình “75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển” do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam phát động và LĐLĐ tỉnh triển khai, Công đoàn VSIP đã tổ chức triển khai và phát động đến tất các các CĐCS trực thuộc, thu hút đông đảo đoàn viên, CNLĐ hưởng ứng tham gia hiệu quả. Qua chương trình đã có 326 sáng kiến trực tiếp từ cơ sở cập nhật vào phần mềm của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Trong đó, sáng kiến của anh Đoàn Văn Phong đã được Tổng LĐLĐ Việt Nam khen thưởng là một trong “75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển”; đồng thời có hàng trăm tập thể và cá nhân được Tổng LĐLĐ Việt Nam, LĐLĐ tỉnh, Công đoàn VSIP khen thưởng.
ĐỖ TRỌNG - THẢO NGUYÊN