Bài 2: Thủ Dầu Một: Không khí cách mạng sôi sục,áchmạngThángTámMởrakỷnguyênmớichodântộcViệhull city đấu với west brom khẩn trương
Tỉnh Thủ Dầu Một là một trong những nơi có phong trào cách mạng phát triển từ rất sớm. Cùng với cả nước, công tác chuẩn bị cho cuộc Cách mạng Tháng Tám được tiến hành khẩn trương, chu đáo để tập hợp quần chúng vùng lên giành chính quyền, lật đổ chế độ thống trị tàn bạo của thực dân, phong kiến, cùng xây dựng nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, mở đầu kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội.
Đình Tân An (nay thuộc phường Tân An, TP.Thủ Dầu Một), 73 năm trước đây là nơi tập võ thuật, tập quân sự, tự võ trang tầm vông vạt nhọn, gươm dao, mã tấu chuẩn bị khởi nghĩa của lực lượng TNTP. Ảnh: T.THẢO
Những “địa chỉ đỏ”
73 năm trôi qua, dấu tích vật chất về sự kiện còn lưu lại không nhiều và những nhân chứng sống cho một thời oanh liệt đó giờ đã về với lòng đất mẹ gần hết. Người còn sống thì lúc nhớ lúc quên. Nhưng những minh chứng và tinh thần cách mạng trong mùa thu tháng Tám năm 1945 trên vùng đất Thủ Dầu Một - Bình Dương vẫn còn sống mãi.
“Cây đa, bến nước, sân đình/ Đi xa ta nhớ nghĩa mình mình ơi”. Trong những ngày tháng tám lịch sử này, chúng tôi trở lại thăm Đình Tân An (hay còn gọi là Đình Bến Thế). Đây chính là cái nôi cách mạng trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ. Giờ đây, Đình Tân An đã trở thành một “địa chỉ đỏ” của địa phương. Trong những ngày lễ trọng đại của đất nước, Đình Tân An thường là nơi để tổ chức nói chuyện truyền thống, qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.
Theo lời kể của những vị cao niên trong vùng thì trước Cách mạng Tháng Tám, cùng với khí thế chuẩn bị khởi nghĩa diễn ra sôi nổi ở tỉnh Thủ Dầu Một, tại xã Tân An, hàng trăm thanh niên ở các ấp trong xã đã hăng hái tham gia lực lượng Thanh niên Tiền phong (TNTP). Hàng đêm, họ kéo về Đình Tân An để tập võ thuật, tập quân sự, tự võ trang tầm vông vạt nhọn, gươm dao, mã tấu chuẩn bị khởi nghĩa. Và chỉ sau một thời gian ngắn, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh, nhân dân Tân An đã sát cánh cùng nhân dân toàn tỉnh đứng lên cướp chính quyền từ tay phát xít Nhật, lật đổ bộ máy chính quyền cũ, lập nên chính quyền mới, chính quyền của giai cấp công - nông.
Còn tại khu phố 9, phường Phú Hòa hôm nay vẫn còn dấu vết của vườn Quãng Thủ, địa danh từ thời Pháp thuộc. Đây chính là văn phòng của Tây, sau đó bị ta đánh chiếm. Theo lời kể của những vị cao niên, vườn Quãng Thủ có diện tích khoảng 1 ha, vườn có một cây mít nài to. Mỗi buổi chiều, ngay tại vườn Quãng Thủ này tập hợp khoảng mấy chục thanh niên, phụ nữ. Mỗi người một khúc tầm vông tập luyện võ công… chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám.
Các đơn vị tự vệ, thanh niên cứu quốc, TNTP chính là lực lượng vũ trang nòng cốt trong cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Tuy chưa được trang bị kiến thức quân sự, thiếu kinh nghiệm chiến đấu, vũ khí ít ỏi, thô sơ, chủ yếu là tầm vông, giáo mác nhưng cán bộ, chiến sĩ trong các lực lượng này hừng hực ý chí chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì nền độc lập dân tộc. Thời kỳ đó, các đơn vị tự vệ, thanh niên cứu quốc, TNTP trong các làng của tỉnh Thủ Dầu Một tích cực luyện tập võ thuật, hoạt động tuyên truyền, cổ động biểu dương lực lượng. Đội tự vệ Lò Chén Phú Cường, TNTP Chánh Hiệp, Phú Hòa, Phú Mỹ, Định Hòa… hoạt động rất mạnh mẽ. Có nơi có từ 50 - 100 đội viên. Các đội TNTP tự trang bị vũ khí thô sơ như gươm, mã tấu, gậy tầm vông. Đặc biệt, ở Phú Hòa, lực lượng TNTP được trang bị hơn 10 súng lấy được của Nhật.
Hừng hực khí thế
Theo tài liệu lịch sử, ngày 27-3-1943, tại đồn điền cao su Dầu Tiếng, hội nghị tái lập tỉnh Thủ Dầu Một được bí mật tiến hành. Đồng chí Văn Công Khai được cử làm Bí thư Tỉnh ủy lâm thời, mở ra thời kỳ khôi phục, củng cố tổ chức Đảng trong toàn tỉnh. Và từ khi tỉnh Thủ Dầu Một được tái lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhiều thanh niên được giác ngộ lý tưởng, phát triển thành những cơ sở nòng cốt cho phong trào cách mạng.
Từ tháng 3-1943, tổ chức Đảng và phong trào cách mạng của tỉnh dần khôi phục. Đầu năm 1944, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một họp hội nghị bàn biện pháp thực hiện nghị quyết của Xứ ủy Nam kỳ và triển khai chủ trương đẩy mạnh tổ chức Hội Cứu quốc trong các tầng lớp nhân dân, phụ nữ… Phong trào quần chúng thời kỳ này nổi bật là các hoạt động tuyên truyền yêu nước thông qua hoạt động của các hội cứu quốc. Từ giữa năm 1944, nhiều làng, xã ở tỉnh Thủ Dầu Một đã dấy lên các hoạt động nghiệp đoàn, phong trào văn hóa, thể dục thể thao, truyền bá quốc ngữ. Có thể nói, giai đoạn này, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào cách mạng của nhân dân tỉnh Thủ Dầu Một phát triển rất mạnh mẽ.
Trong giai đoạn này, tình hình thế giới và trong nước có nhiều chuyển biến. Ở Thủ Dầu Một, ngay trong đêm Nhật đảo chính (9-3-1945), 200 quân Pháp đóng tại thành Săng Đá chống cự yếu ớt và nhanh chóng đầu hàng. Bộ máy cai trị của thực dân Pháp tan rã và được thay thế bằng bộ máy cai trị của phát xít Nhật. Quân Nhật vẫn giữ nguyên tổ chức hành chính cũ của Pháp, đồng thời tăng cường bộ máy đàn áp, siết chặt chính sách cai trị, tăng thêm lực lượng mật thám kìm kẹp quần chúng và phá hoại các tổ chức cách mạng. Đối với nhân dân, chúng thi hành chính sách sưu cao, thuế nặng, ra sức vơ vét, bóc lột phục vụ nhu cầu chiến tranh, đẩy các tầng lớp nhân dân lao động, nhất là nông dân và công nhân vào cuộc sống ngày càng đói khổ, cùng cực, làm cho họ ngày càng căm thù.
Cuối tháng 5-1945, thực hiện chủ trương của Xứ ủy Nam kỳ, phong trào TNTP nhanh chóng lan ra các địa phương trong tỉnh. Nhiệm vụ của đội TNTP là chuẩn bị sẵn sàng làm lực lượng nòng cốt cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở địa phương. Công tác vận động quần chúng trong thời gian này được Tỉnh ủy Thủ Dầu Một chỉ đạo sát sao.
Đầu tháng 8-1945, trước sự phát triển của phong trào quần chúng, bộ máy tề ở nhiều làng tại Thủ Dầu Một dần mất tác dụng. Tổ chức TNTP ở nhiều làng từng bước thay thế Ban tề làng, thực hiện chức năng quản lý trật tự, an ninh xóm ấp và tích cực chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa. Thiếu vũ khí là một trong những khó khăn của lực lượng cách mạng thời kỳ này. Để giải quyết tức thời vấn đề này, với lòng quyết tâm, sáng tạo, mưu trí, lực lượng của ta đã vận động nhân dân thu gom các loại vật dụng bằng sắt để rèn dao găm, rựa, mã tấu… Có gia đình đã quyên góp cả công cụ lao động bằng sắt như lưỡi cày, lưỡi cuốc…
Trong khi đó, chiến tranh thế giới thứ 2 đang đi đến hồi kết khi Mỹ ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản và Đội quân Quan Đông của Nhật Bản bị Hồng quân Liên Xô đánh tan, phát xít Nhật bị thất trận. Điều này đã mở ra thời cơ thuận lợi cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân ta. Nắm bắt nhanh chóng thời cơ, ngày 13-8- 1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng được tổ chức ở Tân Trào (Tuyên Quang), kịp thời đưa ra chủ trương lãnh đạo toàn dân Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời hiệu triệu đồng bào và chiến sĩ cả nước đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ra mà tự giải phóng cho ta.. .”.
Hòa chung khí thế cùng cả nước, tại tỉnh Thủ Dầu Một, khí thế cách mạng cũng hừng hực. Từ ngày 19 đến 23-8- 1945, trên các địa bàn quan trọng vẫn còn đan xen giữa ta và địch. Tuy nhiên, thế và lực của cách mạng ngày càng dâng cao. Quân Nhật thể hiện sự hoang mang cao độ. Tình thế xoay chuyển, tổ chức ngụy quân, ngụy quyền dần tan rã. Tỉnh ủy chỉ đạo cho cán bộ, đảng viên đẩy mạnh công tác binh vận trong cảnh sát và cộng hòa vệ binh. Công tác tuyên truyền giáo dục cổ động toàn dân khởi nghĩa cũng được thực hiện song song với các khẩu hiệu như: “Việt Nam hoàn toàn độc lập”, “Chính phủ cộng hòa dân chủ”, “Chính quyền về tay Việt Minh”… Ở các sở cao su, chủ sở Pháp và tay sai ác ôn tuy vẫn còn quản lý, điều hành nhưng thái độ không còn như trước. Các sở cao su đều có đội tự vệ công nhân canh gác các cuộc mit tinh, tổ chức, vận động đồng bào dân tộc và anh chị em công nhân tham gia công tác chuẩn bị khởi nghĩa. Và giờ “G” đã đến… (còn tiếp)
THU THẢO