Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) Ngày thứ hai (29/3),ôngcáobáochísốKỳhọpthứQuốchộikhóbong y Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ tư tại Nhà Quốc hội, thủ đô Hà Nội. Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội dành thời gian cả ngày để thảo luận tại hội trường về các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ. Phiên họp được Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam tổ chức phát thanh, truyền hình trực tiếp. Trước đó, Quốc hội tiến hành mặc niệm đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Quang, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng. Trong quá trình thảo luận đã có 42 đại biểu Quốc hội phát biểu; trong đó, đa số ý kiến đại biểu nhất trí cao với nhiều nội dung của các Báo cáo. Về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ: Đa số ý kiến đại biểu tán thành cao với Báo cáo của Chính phủ, đánh giá cao những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cho rằng trong nhiệm kỳ mặc dù tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; tình hình trong nước, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành và giám sát chặt chẽ của Quốc hội và sự đổi mới, năng động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã góp phần vào thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã tập trung thảo luận cho ý kiến về các vấn đề: việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Chính phủ; hoạch định chính sách, xây dựng và hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật; việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đổi mới phương thức làm việc của các cơ quan hành chính Nhà nước gắn với xây dựng Chính phủ điện tử. Các đại biểu cũng thảo luận về việc thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội; phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội; quản lý tài nguyên, bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững trật tự, an toàn xã hội, góp phần ổn định chính trị-xã hội để phát triển đất nước; kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước theo hướng tinh gọn, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Ngoài ra, có ý kiến đại biểu đề nghị Chính phủ cần đánh giá sâu sắc hơn về những nguyên nhân, tồn tại, hạn chế trong từng lĩnh vực; cần làm rõ nét, sâu sắc hơn về các bài học kinh nghiệm, phương hướng, nhiệm vụ của Chính phủ trong nhiệm kỳ tới. Về Báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chủ tịch nước: Đa số ý kiến đại biểu tán thành với các nội dung của Báo cáo và đánh giá cao, trên các cương vị được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó, Chủ tịch nước đã thực hiện tốt, hiệu quả nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và các nhiệm vụ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư phân công, góp phần tích cực cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV. Có ý kiến đại biểu đề nghị, trong nhiệm kỳ tới Chủ tịch nước cần quan tâm hơn nữa đến công tác cải cách tư pháp. Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá phiên thảo luận đã diễn ra với không khí sôi nổi, tập trung với tinh thần thẳng thắn và ý thức trách nhiệm rất cao. Về báo cáo tổng kết của Chủ tịch nước, Chính phủ, nội dung các Báo cáo được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, đã đánh giá một cách toàn diện, sâu sắc về các mặt công tác của Chủ tịch nước, Chính phủ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật trong nhiệm kỳ 2016-2021. Ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đều ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực, trách nhiệm và những thành tựu, dấu ấn nổi bật của Chủ tịch nước, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong nhiệm kỳ 2016-2021. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát, tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội từ đầu năm 2020 đến nay, chúng ta đã thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” vừa chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, được nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Điều đó cũng được thể hiện qua sự cải thiện mạnh mẽ thứ tự xếp hạng quốc tế của Việt Nam trên nhiều chỉ số, lĩnh vực như về đổi mới sáng tạo, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh toàn cầu, về chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, phát triển con người của Việt Nam, xếp hạng về phát triển bền vững... Có thể nói, đây là một nhiệm kỳ thành công với nhiều dấu ấn trong lãnh đạo, chỉ đạo của Chủ tịch nước, lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Các vị đại biểu Quốc hội cũng ghi nhận và đánh giá cao việc các báo cáo đã thẳng thắn nhìn nhận về những tồn tại, hạn chế, chỉ rõ nguyên nhân, nhất là các nguyên nhân chủ quan và đề ra giải pháp khắc phục. Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cũng tán thành cao với các bài học kinh nghiệm, phương hướng, nhiệm vụ được đề ra trong các báo cáo, đặc biệt là trong việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; kiến nghị một số nội dung đề nghị Chủ tịch nước, Chính phủ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong nhiệm kỳ tới. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan xây dựng và hoàn thiện nội dung đánh giá về công tác của Chủ tịch nước, Chính phủ trong dự thảo Nghị quyết về tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2021 trình Quốc hội thông qua theo Chương trình kỳ họp. Vào cuối giờ chiều cùng ngày, Lãnh đạo Quốc hội đã tiến hành trao tặng Kỷ niệm chương hoạt động của Quốc hội cho các đại biểu Quốc hội. Thứ ba, ngày 30/3, buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao (phiên họp được Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam tổ chức phát thanh, truyền hình trực tiếp). Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia; Quốc hội thảo luận ở Đoàn về việc miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia. Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội kết quả thảo luận tại Đoàn và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia; Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia bằng hình thức bỏ phiếu kín; Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu. Quốc hội cũng thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia; Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia; thảo luận ở Đoàn về dự kiến nhân sự để bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia./. TheoTTXVN |