Ông Võ Văn Thưởng,êngiáopháthuysứcmạnhtậpthểtrongphongtràothiđkq j1 Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Đại hội. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Sáng 12/11, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Đại hội thi đua yêu nước và phát động thi đua giai đoạn 2020-2025.Phát biểu tại Đại hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng biểu dương phong trào thi đua yêu nước với nhiều khởi sắc của ngành Tuyên giáo nói chung và Ban Tuyên giáo Trung ương nói riêng những năm qua, đã góp phần hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao trên tất cả các lĩnh vực công tác.
Trong 5 năm qua, đã có nhiều cá nhân, tập thể của Ban được Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương tặng nhiều phần thưởng cao quý. Đó là sự ghi nhận xứng đáng dành cho những nỗ lực, cố gắng của mỗi tập thể, cá nhân nói riêng, cũng như của Ban Tuyên giáo nói chung, ông Võ Văn Thưởng khẳng định.
Chỉ rõ vai trò, trách nhiệm của những chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa trước những yêu cầu, thách thức ngày càng cao trên chặng đường sắp tới, ông Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, tập thể cũng như mỗi cá nhân trong ngành Tuyên giáo cần thực sự cầu thị, thẳng thắn nhận rõ những hạn chế, khuyết điểm cần khắc phục trong phong trào thi đua yêu nước, để phát huy sức sáng tạo cá nhân và sức mạnh tập thể, thể hiện đúng vai trò, vị thế của ngành Tuyên giáo và Ban Tuyên giáo Trung ương, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Các cán bộ ngành tuyên giáo chuẩn bị hành trang, xác định tâm thế, hành động sao cho xứng đáng với vai trò tiên phong trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa và đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức.
Đó chính là những vấn đề then chốt đòi hỏi phong trào thi đua yêu nước của ngành Tuyên giáo thời gian tới và mỗi cá nhân cần nghiêm túc suy ngẫm sâu sắc, Trưởng ban Tuyên giáo Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.
Theo Ban Tuyên giáo Trung ương, phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng của cơ quan này trong 5 năm qua (2015-2020) có sự đổi mới mạnh mẽ cả về nội dung và hình thức tổ chức thực hiện.
Các phong trào thi đua đã bám sát nhiệm vụ chính trị, tình hình thực tiễn của cơ quan, gắn kết chặt chẽ với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và với phong trào thi đua chung của cả nước, mang lại hiệu quả thiết thực.
Công tác khen thưởng được thực hiện nghiêm túc, dân chủ, công khai, đúng quy định, chú trọng phát hiện và khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua và trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ban theo hướng "khen đúng người, đúng việc," kiên quyết khắc phục tình trạng "cào bằng," "nể nang" trong biểu dương, khen thưởng.
Các điển hình tiên tiến được quan tâm, biểu dương, nhân rộng nên đã có tác dụng thúc đẩy phong trào thi đua ngày càng phát triển.
Nổi bật là giai đoạn 2015-2020, nhiều cá nhân tập thể, cá nhân của Ban Tuyên giáo Trung ương đã được Đảng, Nhà nước khen thưởng như Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Ba cho một cá nhân; Huân chương Lao động hạng Nhất cho một tập thể và một cá nhân; Huân chương Lao động hạng Nhì cho một tập thể và hai cá nhân; Huân chương Lao động hạng Ba cho một tập thể và năm cá nhân.
Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho Ban Tuyên giáo Trung ương vì đã có thành tích trong công tác năm 2019, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tặng Cờ thi đua cho mười tập thể, đơn vị; tặng Bằng khen cho 72 lượt tập thể đơn vụ, đơn vị và 134 lượt cá nhân...
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong 5 năm qua, phong trào thi đua và công tác khen thưởng của Ban Tuyên giáo Trung ương cũng còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục.
Nổi lên là một số vụ, đơn vị của cơ quan này không có sáng kiến hoặc sáng kiến chưa được áp dụng có hiệu quả; việc tuyên truyền, tổ chức phát động phong trào thi đua có lúc, có nơi còn mang tính hình thức; nội dung chỉ tiêu thi đua đề ra còn chung chung, chưa sát với tình hình thực tế của đơn vị; chưa quan tâm đúng mức đến công tác phát hiện, phổ biến, nhân rộng điển hình tiên tiến và thông qua phong trào thi đua để đề xuất khen thưởng.
Việc lựa chọn, đề xuất phong tặng danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng ở một số vụ, đơn vị của Ban Tuyên giáo Trung ương còn có biểu hiện "nể nang," "dễ dãi," "cào bằng," chưa thực chất; các danh hiệu thi đua cá nhân vẫn tập trung vào cấp lãnh đạo vụ, đơn vị, ít có chuyên viên, người lao động trực tiếp.
Việc đề xuất khen thưởng cấp Nhà nước còn ít, chủ yếu là khen thưởng quá trình cống hiến...
Theo Ban Tuyên giáo Trung ương, giai đoạn 2021-2025, công tác thi đua khen thưởng của Ban sẽ tập trung vào một số mục tiêu cụ thể như tích cực nghiên cứu, tham mưu, hoàn thành tốt, toàn diện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị; xây dựng Đảng bộ, cơ quan Ban Tuyên giáo Trung ương trong sạch, vững mạnh.
Hàng năm, tất cả các vụ, đơn vị, cá nhân trong Ban Tuyên giáo Trung ương có đăng ký thi đua và 90% cá nhân trở lên đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến," 15% trong tổng số cá nhân “Lao động tiên tiến” đạt danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở."
Phấn đấu có khoảng 20% tổ chức đảng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên tổng số tổ chức đảng được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ…
Để hoàn thành những mục tiêu trên, theo Ban Tuyên giáo Trung ương, một trong những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm của cơ quan này giai đoạn 2021-2025 là tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức tổ chức phong trào thi đua và công tác khen thưởng.
Xác định đúng chủ đề thi đua; duy trì việc phát động và đẩy mạnh phong trào thi đua chuyên đề.
Ban Tuyên giáo Trung ương đề ra các biện pháp, giải pháp để khơi dậy tinh thần tự giác, phát huy tính sáng tạo, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, qua đó góp phần nâng cao chất lượng công tác tham mưu, hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Nội dung thi đua phải cụ thể, thiết thực, rõ ràng và sát thực tế.
Đại hội cũng đã thông qua danh sách đoàn đại biểu của Ban Tuyên giáo Trung ương đi dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X với 5 đại biểu./.
Theo TTXVN