Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. (Ảnh: TTXVN)
Ngày 12/8/2021,ểhiệntráchnhiệmtrongviệcchămlongườiViệtNamởnướcngoàbxh sẻia Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 12-KL/TW về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới (Kết luận 12).
Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trả lời phỏng vấn các cơ quan báo chí về nội dung và ý nghĩa của Kết luận này.
- Xin Bộ trưởng cho biết ý nghĩa của việc Bộ Chính trị ban hành Kết luận về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới?
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn: Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời và là nguồn lực quan trọng của cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Với việc thực hiện chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đến nay, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với khoảng 5,3 triệu người ở trên 130 nước và vùng lãnh thổ có cuộc sống ngày càng ổn định, hòa nhập và phát triển, gắn bó với quê hương, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đại hội Đảng XIII đề ra nhiệm vụ “Triển khai toàn diện và mạnh mẽ hơn công tác người Việt Nam ở nước ngoài,” hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài củng cố địa vị pháp lý vững chắc, phát triển và hòa nhập xã hội sở tại, đồng thời đóng góp tích cực vào thực hiện tầm nhìn, mục tiêu phát triển đất nước.
Do đó, trên cơ sở đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị khóa XI về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị khóa IX về công tác người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Chính trị vừa ban hành Kết luận 12 ngày 12/8/2021 về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.
Việc Bộ Chính trị ban hành Kết luận này tiếp tục khẳng định chủ trương, chính sách nhất quán và đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta về củng cố vững chắc đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam; tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân ở trong nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài nhằm phát huy mạnh mẽ sức mạnh toàn dân tộc cho phát triển đất nước.
Cùng với đó, thúc đẩy thực hiện công tác người Việt Nam ở nước ngoài toàn diện và mạnh mẽ hơn theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII, Nghị quyết 36 và Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị; trong đó tập trung hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài có địa vị pháp lý vững chắc, phát triển và hòa nhập xã hội nước sở tại, giúp kiều bào tiếp tục nâng cao tự hào, tự tôn dân tộc và hướng về cội nguồn, đồng thời có chính sách phù hợp để đồng bào đóng góp hiệu quả vào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Việc ban hành Kết luận 12 tiếp tục thể hiện rõ tình cảm, trách nhiệm của Đảng và Nhà nước trong việc chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; đáp ứng nguyện vọng chính đáng, từ đó động viên, khích lệ đồng bào tiếp tục nỗ lực vươn lên, khơi dậy tiềm năng, phát huy nguồn lực to lớn và hướng về quê hương, đất nước.
- Xin Bộ trưởng cho biết những nội dung chính trong Kết luận của Bộ Chính trị?
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn: Để tiếp tục thực hiện tốt và hiệu quả hơn Nghị quyết 36 và Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài, Kết luận 12 đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.
Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong thực hiện chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào Việt Nam ở nước ngoài.
Đồng thời, đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, linh hoạt trong vận động người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là thế hệ trẻ, gắn bó với quê hương, đóng góp tích cực vào phát triển ở nước sở tại, trở thành cầu nối và góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước.
Đối với những đồng bào còn có định kiến, ta kiên trì vận động, củng cố niềm tin để họ hướng về Tổ quốc, nhận thức và hành động phù hợp với lợi ích quốc gia-dân tộc.
Cô, trò lớp học tiếng Việt tại Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia. (Ảnh: Hằng Linh/Vietnam+)
Hai là, triển khai biện pháp tổng thể chăm lo, hỗ trợ đồng bào ta, nhất là ở những địa bàn khó khăn, có địa vị pháp lý vững chắc, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế và hòa nhập thuận lợi vào xã hội sở tại; tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác bảo hộ công dân, quản lý lao động, du học sinh trong bối cảnh nước ta hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.
Ba là, khuyến khích và tạo điều kiện hơn nữa để đồng bào Việt Nam ở nước ngoài đóng góp tích cực cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tiếp tục hoàn thiện pháp luật, cải cách thủ tục hành chính và triển khai đồng bộ các chính sách liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài về nước làm việc, thường trú, đầu tư, sản xuất, kinh doanh…
Cùng với đó, khuyến khích và phát huy hiệu quả các sáng kiến, đóng góp của trí thức, chuyên gia và doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài; giải quyết nhu cầu chính đáng của kiều bào ta liên quan đến quốc tịch phù hợp với Hiến pháp, pháp luật và Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị.
Bốn là, tăng cường hỗ trợ đồng bào Việt Nam ở nước ngoài học và giữ gìn tiếng Việt, phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nhất là đối với thế hệ trẻ; đổi mới và nâng cao hiệu quả, phương thức dạy và học tiếng Việt; tăng cường hợp tác với nước sở tại thúc đẩy đưa tiếng Việt vào chương trình giảng dạy ở các cơ sở giáo dục, đồng thời nghiên cứu đầu tư, xây dựng các trung tâm văn hóa của người Việt tại các địa bàn có đông người Việt Nam sinh sống.
Năm là, đổi mới tư duy, nội dung và phương thức tuyên truyền, thông tin đối ngoại để kịp thời thông tin về tình hình đất nước và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Cùng với đó, phát huy hiệu quả các phương tiện truyền thông đa dạng của cộng đồng để đưa hình ảnh đất nước đến với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Sáu là, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các lực lượng tham gia công tác người Việt Nam ở nước ngoài; kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác người Việt Nam ở nước ngoài; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện đội ngũ cán bộ làm công tác người Việt Nam ở nước ngoài; trong đó, chú trọng các bộ phận làm việc trực tiếp ở nước sở tại theo hướng sâu sát, thực chất, hiệu quả, kịp thời đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Các nhiệm vụ, giải pháp trong Kết luận 12 cùng với Nghị quyết 36 và Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị rất tổng thể và toàn diện. Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành, đoàn thể và địa phương sớm tổ chức quán triệt, triển khai và đưa Kết luận 12 đi vào cuộc sống.
- Xin Bộ trưởng cho biết những đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua?
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn: Ngay từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên thế giới từ đầu năm 2020 đến nay, mặc dù trong nước còn nhiều khó khăn, nhưng Đảng và Nhà nước ta vẫn rất quan tâm đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Chính phủ đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều chính sách, biện pháp bảo hộ công dân, thiết thực hỗ trợ và động viên kiều bào ta tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch của nước sở tại, tương thân tương ái cùng nhau vượt qua khó khăn của đại dịch.
Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã tích cực vận động chính quyền nước sở tại quan tâm, hỗ trợ và tạo điều kiện cho cộng đồng ổn định cuộc sống, giảm thiểu tác động của đại dịch.
Đến nay, đã có hơn 540 chuyến bay được thực hiện để đưa khoảng 136.000 công dân về nước an toàn.
Thay mặt Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia, Đại sứ Trần Việt Thái cùng các tham tán tiếp nhận tiền ủng hộ Quỹ vaccine từ Hội phụ nữ Việt Nam tại Malaysia. (Ảnh: Hằng Linh/Vietnam+)
Dù còn nhiều khó khăn trước diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch COVID-19, nhưng hưởng ứng lời kêu gọi của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc, phát huy truyền thống đoàn kết và tương thân tương ái, đồng bào ta ở nước ngoài đã đồng lòng, sát cánh và chia sẻ với đồng bào trong nước, đóng góp rất thiết thực và hiệu quả vào phòng, chống dịch COVID-19.
Đến nay, kiều bào đã quyên góp hơn 50 tỷ đồng cùng nhiều trang thiết bị, vật phẩm y tế ủng hộ cho Quỹ vaccine và công tác phòng, chống dịch ở trong nước.
Nhiều kiều bào đã tích cực hợp tác chuyển giao công nghệ nghiên cứu, thử nghiệm vaccine, chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống dịch với trong nước, thậm chí dành cả cơ sở vật chất của mình ở Việt Nam phục vụ phòng, chống dịch.
Kiều bào ở nhiều nước đã tích cực phối hợp với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài triển khai ngoại giao vaccine, vận động sở tại hỗ trợ vaccine, vật phẩm y tế cho Việt Nam.
Có thể nói, thông qua phát huy lòng yêu nước và truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong phòng, chống dịch COVID-19, đồng bào ta ở nước ngoài đã góp phần tích cực củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao hình ảnh, uy tín đất nước và vị thế của cộng đồng người Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế.
Đảng, Nhà nước và đồng bào trong nước luôn trân trọng tình cảm, nghĩa cử, sự ủng hộ và chia sẻ quý báu của đồng bào xa quê hương đối với đất nước.
Cuộc chiến chống dịch COVID-19 còn nhiều khó khăn phía trước. Mong đồng bào ta ở nước ngoài tiếp tục hưởng ứng các chủ trương, chính sách và lời kêu gọi của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc, sát cánh cùng nhân dân trong nước đẩy lùi dịch COVID-19, thực hiện khát vọng phát triển đất nước vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
-Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng./.
Theo TTXVN
(责任编辑:World Cup)