"Vị hậu sinh này,ệnPhiêuMiểkèo nhà cái tivi mau dậy đi, đã đến Trường An rồi!" Tiếng ồn ào đánh thức Nguyên Diệu khỏi giấc ngủ say trên đống cỏ xanh. Hắn bàng hoàng mở mắt, đột nhiên thấy một gương mặt tóc hạc da gà, răng hô môi hở đến sát mặt mình.
"Á á, yêu quái?!" Nguyên Diệu hốt hoảng, vội chui vào trong đống cỏ xanh, nức nở lên tiếng: "Yêu quái đại nhân, xin đừng ăn tiểu nhân! Tiểu nhân gầy lắm, ăn không ngon..."
Ông lão đánh xe không vui: "Giữa ban ngày ban mặt, làm gì có yêu quái?! Lão hủ đến Trường An để bán cỏ, hậu sinh ngươi nửa đường đi nhờ xe của lão, còn chưa nói cảm ơn một tiếng, vừa lên xe thì ngủ vùi, lúc dậy lại ồn ào nói có yêu quái này nọ! Đến cổng thành rồi, xuống đi!"
Nghe thế, Nguyên Diệu từ trong cỏ đứng dậy, xe ngựa vừa dừng ở trên đường phố nhộn nhịp, cách đó không xa hơn hai trăm mét, Cổng Khải Hạ hùng vĩ hiện lên trước mắt. Đây là cửa nam phía bên phải thành Trường An, ngày xưa là trấn của vua Vũ Hậu Quang ở thời Thịnh Đường. Phía Đông là Lạc Dương, phía Tây là Trường An, cả hai đều là những tòa thành hùng cường, thịnh thế, hào nhoáng nhất nước. Nhất là Trường An, nó từng được ví như đô thị lớn nhất phương Đông thời ấy, tương đương với La Mã của Đại Tần ở phương Tây, như hai viên ngọc châu lấp lánh của hai thế giới.
Các quý tộc của Đại Tần, Ba Tư, Lâu Lan, Thiên Trúc, Oa Quốc, Cao Lệ, những thương nhân, tăng lữ từ mọi miền đất nước đã gian khổ vạn dặm, hội tụ về Trường An, có người chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiệt xuất của Đại Đường, có người giao dịch những đồ báu quý hiếm, có người truyền bá tín ngưỡng và tôn giáo.
Nơi con người hội tụ, không thiếu những câu chuyện buồn vui, những mối tình đầy lãng mạn, những khao khát, dục vọng dâng trào, lòng sân si và tình yêu ma quái, những khao khát và lòng thèm khát quỷ mị. Trường An, là nơi nhiều ma quỷ, bách yêu tụ hội.
Nguyên Diệu nhảy xuống từ xe ngựa, vẫn không dám nhìn ông lão, thầm thở dài: "Đa tạ lão bá."
Ông lão nhếch môi, mỉm cười: "Thấy trên người ngươi toàn mùi chua, hẳn là sĩ tử đến kinh thành dự thi nhỉ?"
Nguyên Diệu cúi đầu: "Tiểu sinh đúng là tới Trường An để dự thi."
Ông lão hoài nghi: "Ngươi không mang đồ đạc, không có người hầu, lại vì nghèo khó nên phải đi nhờ xe lão hủ, có lẽ cũng chẳng có chi phí gì, khoa cử bắt đầu vào tháng giêng, chỉ còn ba tháng nữa, cả năm nay chẳng lẽ ngươi phải ngủ ngoài đường ư?"
Nguyên Diệu thì thầm: "Nhà nghèo, không có người hầu, khi ở Lạc Dương đã bị lừa hết. Nhưng tiểu sinh có họ hàng xa tại Trường An, lần này đến đây vừa để dự thi, vừa ở nhờ nhà người thân."
Ông lão nói: "Thế à, vậy hậu sinh nhớ bảo trọng. Thứ cho lão hủ nói thẳng, trán trên của ngươi hơi hẹp, vận mệnh mờ mịt, dễ dàng bị yêu quái lợi dụng! Nếu muốn hóa giải, trong vài ngày tới, cần phải cách xa nước!"
Nguyên Diệu nhìn ông lão, ngay lập tức cúi đầu nói: "Đa tạ lão bá chỉ bảo."
Ông lão khẽ vẫy tay: "Đi đi, hậu sinh."
Nguyên Diệu bày tỏ lòng biết ơn rồi quay người về phía cổng Khải Hạ. Dọc đường, quán trà đơn sơ, khách thương quán rôm rả cười đùa.
Ông lão lúc nãy nói vào bán cỏ, nhưng lại chẳng vào Trường An, quay đầu ngay tại chỗ, chở một xe cỏ xanh dọc theo con đường cũ trở về.
Nghe tiếng bánh xe từ phía sau xa dần, Nguyên Diệu mới quay đầu lại, nhìn thấy bóng lưng ông lão đánh xe. Ông lão mặc bộ áo ngắn màu xám, tóc bạc búi cao, thay vì hai tai thông thường, thì mọc đôi tai thỏ dài.
Ông lão bỗng nhiên quay đầu lại, nhìn Nguyên Diệu từ xa, nở nụ cười, môi hé ra để lộ hàng răng, là một gương mặt thỏ.
Nguyên Diệu sợ đến nỗi vội vàng xoay người, tiếp tục đi về phía cửa thành.
Xe ngựa chậm rãi đi trên dịch đạo*, khách nghỉ chân trong quán trà, người bước trên đường mặc kệ, chẳng nhận ra người cầm đống xe là một lão nhân với đầu thỏ.
* Dịch đạo, còn gọi là cổ dịch đạo, là những con đường lớn nơi đặt các trạm dịch trong thời cổ đại Trung Quốc. Đây là các tuyến đường giao thông chính trên đất liền thời cổ đại, đồng thời cũng là một trong những cơ sở quân sự quan trọng. Chúng chủ yếu được sử dụng để vận chuyển lương thảo, vật tư quân dụng và truyền đạt mệnh lệnh, tin tức quân sự.
Ông lão nói không sai, Nguyên Diệu thực sự vận mệnh bát tự gặp sát, số mệnh gắn liền với yêu duyên quỷ phận. Từ bé, hắn đã có thể nhìn thấy những thứ mà người khác không nhìn thấy: nữ tử khóc lóc che mặt dưới cây, khách trong quán trà mặt thú đuôi lông, yêu quái ở đầu ngõ...
Nguyên Diệu nhút nhát, nhưng lại luôn gặp phải yêu ma. Sáng nay hắn đi trên đường núi, chẳng may gặp thỏ yêu mang cỏ vào Trường An buôn bán. Lúc đó mặt trời vừa lặn, hắn quyết tâm đi nhờ xe thỏ. Dọc đường đi, hắn cảnh giác đề phòng, không dám nhìn thỏ, không dám nói nhiều, cuối cùng đã đến được Trường An.
Gần hoàng hôn, ngày đêm mơ hồ phân chia biên giới, một thế giới khác từ từ trở nên rõ ràng.
Nguyên Diệu bước vào cổng Khải Hạ, trong lòng suy nghĩ vì sao thỏ yêu vất vả chở cỏ đến rồi mà lại không vào thành. Bỗng nghe thấy tiếng ai mới đó ngủ dậy, thì thầm: "Úc Lũy, hai trăm năm qua, con thỏ xám hàng ngày mang cỏ đến, khi hoàng hôn lại vòng qua cửa thành, quay trở về trên con đường cũ. Hắn không chán chứ ta nhìn thôi cũng thấy mệt."
Một giọng nói khác vang lên: "Thần Đồ, ta cũng thấy thế? Nhưng mà, ai lại không biết trời cao đất rộng, muốn trộm bảo vật Phiêu Miểu Các thế? Nữ nhân kia thật đáng sợ, mãi mãi không được bước vào Trường An là phạt nhẹ rồi đó. Con thỏ này không dám vào thành, nhưng lại không từ bỏ, đành phải ngày ngày ra vào trước cửa thành... Hai, yêu và con người thực ra đều có sự si chấp như nhau cả!"
Thần Đồ (*) lên tiếng: "Nữ nhân kia? Phiêu Miểu Các, Bạch..."
Úc Lũy (*) nhắc nhở: "Im lặng, tên nàng ta là cấm kỵ."
* Chú thích: (1) Thần Đồ Úc Lũy: Trong Sơn Hải Kinh, hai vị thần có thể trừ ác, đời sau gọi là môn thần, vóc dáng xấu xí và hung ác.
Nguyên Diệu nhìn lên, phát hiện hai bức tượng quỷ hung ác nằm úp sấp trên hai cánh cửa thành, một bên trái một bên phải. Quỷ Thần Đồ kia có đôi mắt đỏ như chuông đồng, lưỡi dài như rắn độc.
Má ơi! Nguyên Diệu kinh hãi đến mức tái mặt, ngã xuống đất.
Bên ngoài cửa thành, binh lính phòng vệ không biết đã xảy ra chuyện gì, bèn chạy đến hỏi: "Vị thư sinh này ngồi dưới đất làm chi thế?!"
Nguyên Diệu chỉ vào cửa thành, run rẩy nói: "Trên cửa thành có, có lệ quỷ!"
Hai tên lính ngẩng đầu, tường đá thành vàng ố, cửa thành sơn son dày, đinh đồng màu sắc âm u, có thấy lệ quỷ gì đâu?! Họ lập tức quát mắng Nguyên Diệu: "Nơi Kinh đô trọng địa, thư sinh đừng có ăn nói bừa bãi! Cẩn trọng lời nói, đừng có nhiễu loạn lòng dân!"
Nguyên Diệu ngẩng đầu lại, Thần Đồ Úc Lũy vẫn ghé vào cửa thành, thè lưỡi rắn ra, cười tà mị.
Nguyên Diệu hoảng sợ, đứng dậy chạy lẹ vào thành, không dám quay đầu lại.
"Tên điên!" Hai binh lính mắng một tiếng, quay về nơi phòng thủ.
Thần Đồ ghé vào cửa thành bất mãn nói: "Thư sinh này thật thiếu lễ nghĩa, dám coi chúng ta là lệ quỷ. Chúng ta là thần trấn thủ quỷ môn, mặc dù vị trí hơi thấp, tướng mạo hơi xấu."
Úc Lũy mấp máy cánh mũi, cười nói: "Thư sinh này rất thú vị, trong linh hồn hắn, có mùi nước."
Nguyên Diệu từ cổng Khải Hạ tiến vào Trường An, đi qua Phường An Đức, Phường An Nghĩa, đến đường cái cổng Chu Tước rộng lớn. Đường được lát đá xanh phẳng, cực kỳ rộng, có thể đi song song tám người. Hai bên đường nhà cửa san sát nối tiếp nhau, người dân sống trong phồn hoa cường thịnh.
Lúc Nguyên Diệu đi tới cổng Chu Tước thì trời đã tối, xe người qua lại cũng dần dần ít đi. Sắp đến giờ giới nghiêm. Luật lệ Đại Đường sau giới nghiêm, dân chúng không thể đi trên đường. Người vi phạm giới nghiêm sẽ bị trừng phạt theo pháp luật, nhẹ có thể bị đánh ba mươi roi, nặng thì bay đầu.
Nguyên Diệu suy nghĩ, hôm nay chỉ có thể tìm một nơi để nghỉ chân, ngày mai sẽ đi tìm người thân. Hắn ngẩng đầu nhìn xung quanh, thấy ở phường Bảo Ninh có một quán trọ tên là "Cát Tường", trước cửa treo đèn lồng đỏ tỏa ra ánh sáng màu cam, rất ấm áp.
Nguyên Diệu sờ vào ngọc bội song ngư đeo bên hông, rồi bước vào nhà trọ Cát Tường. Sau khi bị lừa hết hành lý và tiền bạc, hắn chỉ còn lại miếng ngọc bội song ngư này để cầm cố lấy vài quan tiền.
Nguyên Diệu bước vào nhà trọ và thuê một phòng. Có người đưa cơm tối vào phòng, Nguyên Diệu bèn kéo lại hỏi: "Xin hỏi, ngươi có biết phủ đệ của Vi đại nhân - Lễ bộ Thượng thư đương triều ở đâu không?"
Tiểu nhị quán trọ liếc nhìn Nguyên Diệu một cái, thấy hắn có dáng người cao ráo, mặc một chiếc áo dài Nho sinh đã hơi cũ, khí chất ôn hòa, nhã nhặn. Khuôn mặt rất bình thường, nhưng lại có đôi mắt đen sáng ngời, trong trẻo không vương chút bụi trần, tựa như bầu trời xanh.
Tiểu nhị đặt đồ ăn lên bàn, hỏi: "Khách quan là hỏi húy Đức Huyền Vi đại nhân chăng?"