LỜI TÒA SOẠN: Có những người bệnh khi biết mình bị suy tim,ăntrởcủabácsĩvềbệnhnhânchờghéptạngmongngàyđổivậlink trực tiếp ngoại hạng anh suy thận, suy gan..., cả thế giới như sụp đổ. Dẫu luôn khao khát mãnh liệt được sống tiếp nhưng không phải ai cũng có đủ điều kiện để chữa trị. Và khi một bệnh nhân được chẩn đoán không còn cơ hội đi tiếp nhưng có khả năng hồi sinh tính mạng của những người đang ở bên bờ vực cái chết, thì vẫn có thể sống theo một cách khác. Báo VietNamNet giới thiệu đến bạn đọc tuyến bài "Hiến tạng: Nước mắt và tiếng cười của những người cho - nhận". |
“Việt Nam không còn thua kém về kỹ thuật ghép tạng”
Từ 7 năm trước, trong đợt đi thực tập tại Trung tâm Phẫu thuật gan mật tụy và ghép gan của Bệnh viện Hautepierre (thành phố Strasbourg, Cộng hoà Pháp), sinh viên Trần Đình Dũng (Trường Đại học Y Hà Nội) khá ngỡ ngàng khi chứng kiến sự hồi phục kỳ diệu của một bệnh nhân 16 tuổi bị suy gan tối cấp do ngộ độc thuốc.
Người bệnh nhập viện trong tình trạng hôn mê, được đưa vào danh sách tối cấp cứu và ghép gan chỉ sau 2 ngày từ khi nhập viện. Khoảng 2 tuần sau, người bệnh hồi phục tốt.
Ấn tượng về thành tựu của họ, Dũng bắt đầu ươm mầm ước mơ có thể triển khai, mở rộng chương trình ghép tạng tại Việt Nam, giúp bệnh nhân nặng có cơ hội sống.
Sau 3 tháng thực tập, cậu sinh viên trở về Việt Nam, bắt đầu chương trình học bác sỹ nội trú tại bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Anh tích cực học hỏi và tham gia vào các ê kíp của Trung tâm Ghép tạng.
Tháng 11/2022, cậu sinh viên năm xưa - nay là ThS. BS. Trần Đình Dũng - một lần nữa quay lại Pháp để tu nghiệp. Trong hơn 1 năm đó, anh đã làm việc tại 4 trung tâm ghép tạng hàng đầu nước Pháp.
Năm 2024, bác sĩ Dũng tham gia tất cả các ca ghép tạng tại Bệnh viện Việt Đức. Có thời điểm, anh và các đồng nghiệp trải qua gần 2 ngày đêm xuyên suốt để lấy tạng và ghép tạng. Anh kể có những ca ghép lấy nguồn tạng từ người hiến chết não để lại rất nhiều cảm xúc.
“Hôm ấy, sau cả ngày mổ ghép tạng từ sáng đến nửa đêm, chúng tôi chỉ kịp nghỉ ngơi khoảng 1,5 giờ rồi tiếp tục lên đường vào Nghệ An, lấy tạng từ người hiến chết não về ghép cho người bệnh.
Toàn bộ quá trình diễn ra liên tục, suôn sẻ khiến tôi nhớ lại thời gian làm việc ở Pháp. Tôi thấy khoảng cách của Việt Nam và các nước phương Tây không còn xa nữa” - bác sĩ Dũng chia sẻ.
Hiện tại, Việt Nam vẫn rất khiêm tốn về nguồn tạng từ người hiến chết, chỉ chiếm khoảng 5% trong tổng số ca ghép. Bác sĩ Dũng mong mỏi trong thời gian tới, với sự tham gia của các bệnh viện, lực lượng y tế cũng như các ban ngành khác, người dân sẽ được tiếp cận nhiều hơn với những thông tin về hiến tạng - ghép tạng.
Trăn trở của nữ tiến sĩ – bác sĩ tận tâm với người bệnh suy tạng
Tròn 10 năm Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người của Bệnh viện Chợ Rẫy được thành lập (2014-2024), Trưởng đơn vị - TS. BS. Dư Thị Ngọc Thu – đánh giá đã có thay đổi tích cực trong hoạt động hiến và ghép tạng.
Danh sách người đăng ký hiến tạng hiện tăng lên nhanh chóng. Từ việc đơn vị chỉ có một nhân viên phụ trách tiếp nhận tại chỗ thì nay đã tăng lên 3 người, nhưng nhiều khi vẫn không kịp công việc.
“Hiện tại, tôi thấy suy nghĩ của mọi người đã cởi mở hơn rất nhiều, đặc biệt là các bạn trẻ. Có những bạn đếm từng ngày đến sinh nhật thứ 18 để đăng ký hiến tạng” - bác sĩ Thu cho biết.
Dù vậy, nữ bác sĩ vẫn còn nhiều điều trăn trở. Chị nói rằng trong thực tế có nhiều người bị suy tạng, suy mô nhưng không biết, do không có điều kiện đi khám, chữa bệnh. Hoặc cũng có khi bác sĩ điều trị chưa tư vấn cho người bệnh về phương pháp điều trị khác là chờ ghép. Bởi vậy, bác sĩ Thu hy vọng người bệnh có thể biết đến và đăng ký tham gia danh sách chờ ghép tạng.
"Trong nhiều năm làm việc, tôi chứng kiến rất nhiều người chỉ đến bệnh viện khám lúc đã nặng, phát hiện khi bệnh ở giai đoạn muộn. Vì sợ tốn tiền nên họ lần lữa, thậm chí không mua nổi 1 tấm thẻ bảo hiểm y tế để dự phòng. Có những bệnh nhân khó khăn quá phải xin về vì không lo nổi viện phí" - bác sĩ Thu chia sẻ.
Trong không ít trường hợp ở người bệnh bị suy tạng, nếu được phát hiện sớm và điều trị thì cơ hội sống còn kéo dài. Vì vậy, vị bác sĩ này khuyên tất cả mọi người cố gắng mua bảo hiểm y tế và đi khám sức khỏe định kỳ hằng năm.
"Hy vọng trong tương lai gần, Việt Nam sẽ có chế độ bảo hiểm y tế 100% cho tất cả người bệnh. Đồng thời, người bệnh suy tạng được tạo điều kiện về công việc để có thu nhập trang trải cuộc sống lẫn chữa bệnh" - bác sĩ Thu bày tỏ.
Bên cạnh đó, nữ bác sĩ cũng mong mỏi sớm có quy trình hoàn chỉnh trong việc tiếp nhận, tuyển chọn và điều phối tạng.
"Hiện tại, Bộ Y tế vẫn đang trên đà hoàn thiện quy trình làm việc thống nhất giữa tất cả các trung tâm điều phối, ghép tạng trên cả nước, tiến tới quản lý tuyển chọn, điều phối tạng một cách tự động. Tôi mong rằng việc này sớm được triển khai".
Tính tới đầu năm 2024, Việt Nam có hơn 8.300 ca ghép tạng được thực hiện, trong đó trên 7.500 ca ghép thận, hơn 500 trường hợp ghép gan, 75 ca ghép tim... Bộ Y tế cũng cấp phép cho 25 trung tâm, đơn vị thực hiện kỹ thuật ghép tạng. Tuy nhiên, hầu hết các ca ghép mô, tạng được lấy từ người hiến sống (chiếm khoảng 95%), còn số ca ghép tạng từ người hiến chết não và người hiến chết do tim ngừng đập rất khiêm tốn (chỉ khoảng 5%). Năm 2023, lĩnh vực ghép tạng của Việt Nam đã được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện khoa học - công nghệ tiêu biểu, với những dấu ấn về việc ghép đa tạng, ghép tạng từ người hiến chết não và ghép tạng xuyên Việt. |