Cán bộ công chức tại bộ phận “một cửa” TX.Dĩ An thân thiện,ánbộlàcáigốccủamọicôngviệkqbd nhat ban tận tình hướng dẫn, giải quyết thủ tục cho người dân. Ảnh: N.THANH
Chú trọng công tác cán bộ
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Cán bộ và công tác cán bộ là nhân tố đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Nhận thức sâu sắc lời căn dặn của Bác, trong tiến trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn chú trọng công tác cán bộ, xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ có đức, có tài, xứng đáng là người lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành của nhân dân.
Thời gian qua, trên cơ sở quy định chung của Trung ương, Bình Dương đã ban hành nhiều quy định có liên quan đến cán bộ và công tác cán bộ: Quy định phân cấp quản lý cán bộ; quy định về tiêu chuẩn chức danh, đánh giá cán bộ; luân chuyển cán bộ; lấy phiếu tín nhiệm cán bộ...; xây dựng các nghị quyết, chương trình, đề án để tập trung lãnh đạo, xây dựng đội ngũ cán bộ từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của tỉnh trong tình hình mới. Cụ thể như Chương trình hành động số 20-CTr/TU ngày 20-7-2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011-2015” và một số đề án về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của tỉnh như đề án “Đào tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn”, đề án “Tuyển chọn, đào tạo cán bộ nguồn từ học sinh, sinh viên xuất sắc trong tỉnh”, Nghị quyết 176- NQ/TU ngày 27-12-2013 “Về công tác cán bộ đến năm 2020 và những năm tiếp theo”.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, quán triệt, chỉ đạo các Đảng bộ trực thuộc, các ngành, các cấp, cán đơn vị thực hiện nghiêm túc quy định về phân cấp quản lý cán bộ của tỉnh; cấp ủy, các đơn vị trực thuộc căn cứ vào quy định của tỉnh, đã chủ động xây dựng và ban hành quy định phân cấp quản lý cán bộ của cấp mình, triển khai thực hiện, từng bước đưa công tác quản lý cán bộ trong toàn tỉnh đi vào nề nếp, hiệu quả. Ban Thường vụ Tỉnh ủy còn phân công, phân cấp cho các cấp ủy Đảng, Đảng đoàn, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo của các cơ quan đơn vị quản lý cán bộ, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể quyết định, đi đôi với thực hiện đầy đủ trách nhiệm cá nhân, thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành trong công tác cán bộ.
Cấp ủy các cấp đã nghiêm túc thực hiện tốt quy chế bổ nhiệm cán bộ, giới thiệu cán bộ ứng cử theo quy định của Trung ương và của tỉnh. Việc bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử đều xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương; bảo đảm các tiêu chuẩn về chính trị, tiêu chuẩn chức danh cần bổ nhiệm và phẩm chất, đạo đức, năng lực, sở trường và kinh nghiệm công tác của cán bộ; bảo đảm sự ổn định, kế thừa và phát triển của đội ngũ cán bộ trên tinh thần phát huy dân chủ, công khai, minh bạch trong đánh giá, lựa chọn, giới thiệu và quyết định bổ nhiệm cán bộ.
Luân chuyển để rèn luyện, cọ xát
Công tác luân chuyển cán bộ là một chủ trương và cũng là một giải pháp quan trọng nhằm thực hiện tốt hơn công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ, tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, có triển vọng được rèn luyện trong thực tiễn, kết hợp tăng cường cán bộ cho các lĩnh vực, địa bàn cần thiết, khắc phục được tình trạng cục bộ khép kín trong mỗi địa phương, đơn vị. Để cụ thể hóa chủ trương trên, Tỉnh ủy đã ban hành Quy định số 05-QĐ/TU ngày 23- 4-2018 về luân chuyển cán bộ, trong đó quy định rõ tiêu chuẩn, điều kiện, phạm vi, đối tượng và thẩm quyền trách nhiệm đối với việc luân chuyển cán bộ. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch điều động, luân chuyển cán bộ cho từng giai đoạn cụ thể, đồng thời triển khai kế hoạch luân chuyển cán bộ theo định hướng, về cơ bản đã tạo được sự thống nhất về nhận thức và hành động trong quá trình tổ chức thực hiện.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các cấp ủy đã thực hiện điều động, luân chuyển 90 lượt cán bộ. Một trong những yếu tố thuận lợi cơ bản là qua thực tiễn lãnh đạo quản lý điều hành, kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, phát triển công nghiệp, đô thị, hạ tầng, thu hút đầu tư, xây dựng nông thôn mới, xây dựng hệ thống chính trị... của tỉnh trong thời gian qua đã tạo điều kiện cho cán bộ được luân chuyển rèn luyện, cọ xát nhiều vấn đề mang tính thực tế, sâu sát với nhiệm vụ, với công việc hơn, từ đó phát huy được trình độ, năng lực, tính nhạy bén năng động trong quản lý, điều hành. Nâng cao nhận thức cho các cấp ủy, tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên về luân chuyển cán bộ, góp phần khắc phục tư tưởng cục bộ, tránh tình trạng khép kín về công tác cán bộ trong từng đơn vị, địa phương. Luân chuyển là biện pháp tích cực, hiệu quả để đổi mới công tác cán bộ, đào tạo cán bộ và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.
Xây dựng nội dung, tiêu chí đánh giá
Công tác đánh giá cán bộ là nhiệm vụ có tầm quan trọng đặc biệt trong công tác tổ chức xây dựng Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai tổ chức quán triệt nghiêm túc cho cán bộ chủ chốt của tỉnh và chỉ đạo các Đảng bộ trực thuộc tổ chức quán triệt đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức các quyết định, nghị định quy định của Trung ương về đánh giá cán bộ, công chức, lấy phiếu tín nhiệm... Việc xây dựng các nội dung, tiêu chí đánh giá cán bộ luôn bám sát quy định của Trung ương, được cụ thể hóa cho phù hợp tình hình từng cấp, từng ngành trong tỉnh.
Qua công tác đánh giá cán bộ, vấn đề chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, các biểu hiện tiêu cực được nhấn mạnh và tập trung làm rõ hơn. Trình tự, thủ tục nhận xét, đánh giá cán bộ được thực hiện chặt chẽ hơn, bảo đảm thực hiện đầy đủ việc lấy ý kiến cấp ủy nơi công tác và nơi cư trú, lấy ý kiến của các tổ chức đoàn thể và quần chúng nơi công tác. Công tác kiểm điểm đánh giá, phân loại tổ chức Đảng, đảng viên và nhận xét đánh giá cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện nghiêm túc, đúng nguyên tắc, đúng quy trình, theo quy định và hướng dẫn cấp trên; đã hạn chế và cơ bản từng bước khắc phục những biểu hiện ngại va chạm, nể nang, né tránh.
Trong quá trình kiểm điểm các đồng chí là Ủy viên Thường vụ phụ trách địa bàn, phụ trách khối dự để chỉ đạo hội nghị kiểm điểm, đã gợi ý những vấn đề cần tập trung thảo luận góp ý, chỉ ra được những thiếu sót, những vấn đề tập thể lãnh đạo cần quan tâm chỉ đạo khắc phục, từ đó công tác kiểm điểm đi vào trọng tâm làm rõ được ưu điểm, cũng như khuyết điểm để có giải pháp chấn chỉnh trong thời gian tới. Lấy kết quả nhận xét, đánh giá cán bộ hàng năm làm cơ sở cho công tác rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch cán bộ, xây dựng kế hoạch đào tạo cán bộ trong mỗi nhiệm kỳ và thực hiện các khâu khác của công tác cán bộ. Qua kết quả công tác đánh giá cán bộ trong những năm qua, tỷ lệ cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ luôn đạt từ 80% trở lên, chất lượng cán bộ ngày càng được nâng lên, nhất là 2 nhiệm kỳ 2010-2015 và nhiệm kỳ 2015-2020, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và trong thời gian tới.
Những kết quả trên đã góp phần tích cực thực hiện có hiệu quả chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung và thực hiện nghị quyết của Đảng bộ tỉnh nói riêng, tạo tiền đề để Bình Dương tiếp tục thực hiện việc sắp xếp, đổi mới bộ máy tổ chức của hệ thống chính trị, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành trên tất cả các lĩnh vực vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ trong thời gian qua luôn được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện và xem đây là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng trong công tác tổ chức xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức cách mạng trong sáng, có kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, có tư duy đổi mới với tầm nhìn xa và có khả năng đoàn kết tập hợp lực lượng nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết của địa phương.