- Nghe qua tưởng chừng “học tại nhà” là một hình thức học tập nhàn hạ,ẻcủaôngbốchoconhọctạinhàkết quả giải bundesliga thảnh thơi khi trẻ và phụ huynh không phải vật lộn, chạy đua với thành tích, áp lực học hành, chạy trường, chạy lớp… Thế nhưng, chỉ đến khi nghe những người trong cuộc chia sẻ mới thấy để con được học tại nhà, cha mẹ phải hi sinh không ít.
Cha mẹ cần dành nhiều thời gian cho con với "home-school". Ảnh minh họa |
Vợ chồng anh Đào Huy Quang (Đà Nẵng) là một trong số đó. Anh Quang hiện có 3 con nhỏ: 11 tuổi, 9 tuổi và 6 tuổi rưỡi. Hai bé 9 tuổi và 11 tuổi đã từng theo một chương trình học tại nhà của Mỹ được khoảng 2-3 năm. Trước đây, gia đình anh đã từng sinh sống ở Mỹ khoảng 1 năm và có cho cháu lớn đi học lớp 1 ở một trường bên đó. Về Việt Nam, anh chị quyết định cho các cháu học tại nhà “vì không muốn tuổi thơ các con phải chạy theo bệnh thành tích mà trước đây bố mẹ chúng cũng từng là nạn nhân”.
Anh Quang chia sẻ, vợ anh từng tốt nghiệp một trường đại học có tiếng trong nước, sau sang Mỹ học về Giáo dục đặc biệt. Bản thân anh hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc. Trước kia cũng từng tham gia nhiều cuộc thi trong nước, quốc tế, từng đoạt giải. Thế nên anh thấm thía cái cảnh chạy đua vì thành tích ở mỗi cấp học.
Ban đầu, khi quyết định cho con học tại nhà, anh vấp phải sự phản đối và can ngăn của nhiều người. “Thậm chí, người ta còn bảo mình dở hơi!” – anh tâm sự.
“Ở Tây, 99 đứa đi giày, 1 đứa đi dép thì người ta vỗ tay khen ngợi sự khác biệt. Còn ở ta thì hoàn toàn khác… Tất nhiên, sự khác biệt có thể dẫn đến tốt lên hay xấu đi…”
Vì là một hình thức hoàn toàn mới lạ ở Việt Nam nên những bậc cha mẹ như anh Quang có thể nói là những người đi tiên phong, chứ không như ở Mỹ, họ có cả một cộng đồng, có thể học cùng nhau, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau – ông bố này chia sẻ. “Khi quyết định cho con theo phương pháp học này, khó khăn có, lo sợ có. Mình lo không biết có phải đang cho con làm “chuột bạch” hay không”.
Nói về những khó khăn, ông bố này cho rằng khó nhất vẫn là việc sắp xếp thời gian học cùng con. “Home-school không đơn giản, phải đầu tư rất nhiều thời gian cho các cháu, 2 vợ chồng phải có người ở nhà toàn thời gian để làm việc với các cháu và phải luôn cập nhật kiến thức” – anh nói.
Đó cũng chính là lý do sau vài năm home-school, năm ngoái anh Quang đã phải cho hai cháu lớn quay trở lại trường học cùng các bạn. Năm nay, anh đang có ý định tiếp tục cho cháu học tại nhà, còn cháu nhỏ nhất 6 tuổi rưỡi anh muốn cho cháu đến trường. “Nếu thành công thì tôi nghĩ phương pháp này rất tốt, song, con mình là thứ mình yêu quý nhất nên bằng mọi cách để nó không thất bại”.
Trước đó, vợ anh là người hỗ trợ 2 con hằng ngày. Anh cho rằng một khi đã quyết định cho con học tại nhà thì việc một trong hai người, bố hoặc mẹ phải ở nhà học cùng con là một điều kiện tất yếu.
Đồng tình với việc này, anh Bùi Huy Kiên – ông bố có con trai học tại nhà hoàn toàn trong 6 năm nay – chia sẻ, cũng có một số người quan tâm tới cách học này nhưng sau khi tìm hiểu thì họ thấy không thể theo được “vì tốn thời gian của bố mẹ quá”. “Việc phải hi sinh ít nhất một người không đi làm, ở nhà học cùng con cũng khá xa xỉ”.
Tuy nhiên, anh Kiên cũng cho biết thêm, nếu có thể tổ chức được thành một nhóm khoảng 5-10 trẻ học cùng nhau giống như ở nước ngoài thì rất tốt. Thứ nhất là tiết kiệm được chi phí vì các con có thể học chung sách, video. Thứ hai là tiết kiệm được thời gian cho bố mẹ nếu như mỗi ngày các con tập trung lại để học ở một nhà. Mỗi bố mẹ sẽ lần lượt luân phiên học cùng con, như vậy trong vòng 1-2 tuần, mỗi phụ huynh sẽ chỉ phải học cùng con một buổi (một nửa ngày). Hiện tại, cả anh Quang và anh Kiên đều là những người làm việc tại nhà nên có thể đảm bảo được điều đó nhưng với những ông bố bà mẹ khác vẫn phải đến cơ quan mỗi ngày thì việc học cùng con là một điều khó khăn.
Anh Kiên cho biết chi phí cho chương trình mà con anh đang theo học gồm sách, video và phí vận chuyển bài tập, test… 6 tuần/ lần sang cho trường là khoảng 1000 USD/ năm, tuy nhiên cũng có những chương trình rẻ hơn nhiều như chương trình của con anh Quang – chỉ có 300 USD/ năm. “Không có chương trình chuẩn chung cho tất cả các trường. Mỗi trường tự chọn cho mình một chương trình phù hợp để giảng dạy”.
Ngôn ngữ cũng là một điều kiện cần để phụ huynh có thể hỗ trợ con trong học tập. Tuy nhiên, theo anh Quang, việc cho rằng bố mẹ phải thật giỏi tiếng Anh mới có thể kèm cặp được con là không đúng. “Quan trọng là phương pháp. Tất nhiên bố mẹ thành thạo tiếng Anh là một lợi thế, nhưng vấn đề đó không quá khó khăn như mình nghĩ. Bản thân mình vốn tiếng Anh cũng chỉ ở mức bình thường”.
Giao tiếp và hòa nhập xã hội là một trong những vấn đề mà phụ huynh có con học tại nhà lo lắng. Ảnh minh họa |
Ngoài ra, một trong những nỗi lo lớn nhất của phụ huynh khi cho con học tại nhà là thiếu môi trường học tập. “Đó cũng là vấn đề mà vợ chồng tôi lo nhất” – anh Quang chia sẻ. Nếu như những đứa trẻ khác đến trường, gặp gỡ, giao tiếp với bạn bè, thầy cô, được tham gia các hoạt động ngoại khoá… thì trẻ học tại nhà - ít nhất là ở Việt Nam - vẫn thiếu thốn điều đó. Cơ hội được giao tiếp với mọi người và được tham gia các hoạt động khác cũng ít hơn. Chính vì thế, lúc này trẻ lại cần sự hỗ trợ từ bố mẹ. Cha mẹ phải là người tạo ra sân chơi cho trẻ, khuyến khích và tạo điều kiện để trẻ được tham gia vào các hoạt động của cộng đồng nhiều hơn.
Cuối cùng, quan trọng nhất theo anh Quang là tư tưởng của các bậc phụ huynh khi quyết định cho con học tại nhà. Cha mẹ phải dẹp bỏ hoàn toàn quan niệm phải tốt nghiệp đại học, có bằng nọ, cấp kia mới là người có ích. Một khi đã chọn hướng đi này, bố mẹ phải xác định mục tiêu là kiến thức thực, kỹ năng thực. “Điều quan trọng nhất tôi muốn dạy cho các con là phải biết sống tử tế, biết yêu thương mọi người” – anh Quang tâm sự.
- Nguyễn Thảo