Việc thực hiện chủ trương Văn phòng Chính phủ không giấy tờ được đánh giá đã bước đầu tạo hiệu ứng lan tỏa đến các bộ, ngành (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet) Cũng trong báo cáo tình hình và kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính năm 2018 của Văn phòng Chính phủ, cơ quan này cho biết, với công tác kiểm soát, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), trong năm 2018, Văn phòng đã thẩm tra hơn 60 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật quy định 394 TTHC, trong đó đề nghị không quy định 23 thủ tục, sửa đổi 308 thủ tục, chiếm 84% tổng số TTHC quy định tại các dự thảo văn bản. Đồng thời,đã chủ trì thẩm tra, trình Chính phủ ban hành 2 Nghị quyết đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, nâng tổng số Nghị định đã ban hành lên 19 văn bản, theo đó số TTHC, giấy tờ công dân dự kiến đơn giản hóa là 1.097 thủ tục quy định tại 332 văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung. Đặc biệt, Văn phòng Chính đã chủ trì, tham mưu, xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 để các bộ, ngành, địa phương thực hiện trong năm 2018-2019; Kế hoạch triển khai Nghị định 61/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Việc tiếp nhận và giải quyết TTHC tại Trung tâm hành chính công đã ngày càng được cải thiện, số hồ sơ quá hạn giảm đáng kể; trên địa bàn cả nước có 35 địa phương tổ chức tiếp nhận tập trung, trong đó có 33 địa phương tổ chức Trung tâm hành chính công. Ngoài ra, Văn phòng Chính phủ cũng đã chủ động tham mưu, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những giải pháp thúc đẩy cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh và đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ, giải pháp; chủ trì soạn thảo và trình Thủ tướng Chính phủ văn bản yêu cầu các bộ, cơ quan thực hiện cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh một cách thực chất, toàn diện, hiệu quả, bảo đảm đạt được mục tiêu đề ra tại các Nghị quyết của Chính phủ và Chỉ thị 20 ngày 13/7/2018 về tăng cường cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh. Cũng theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, đối với công tác xây dựng Chính phủ điện tử, trong năm qua, Văn phòng đã chủ trì tham mưu, xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử và Quy chế hoạt động của Ủy ban; xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số nhiệm vụ giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến 2025. “Văn phòng đã tổ chức hơn 160 cuộc họp, hội thảo, buổi làm việc với các chuyên gia trong nước và quốc tế, trong đó có 20 cuộc họp với các tổ chức quốc tế, sứ quán các nước (Úc, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, WB, AFD…) để huy động nguồn lực, 60 các cuộc họp với các chuyên gia trong nước và quốc tế để đánh giá việc triển khai Chính phủ điện tử tại Việt Nam và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình để thúc đẩy việc thực hiện”, báo cáo nêu.