Bộ TT&TT đã yêu cầu ngăn chặn,ộTTTTsẽyêucầuFacebookgỡbỏcáctrangmạodanhlãnhđạoĐảngNhànướkq net 9 gỡ bỏ hơn 2.200 clip xấu, độc trên YoutubeCác giải pháp để ngăn chặn thông tin xấu, độc trên mạng xã hội; việc xử lý hành vi lập trang Facebook mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước là một trong những vấn đề được các đại biểu Quốc hội tập trung chất vấn người đứng đầu Bộ TT&TT trong phiên họp chiều ngày 18/4/2017 của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Trong thông tin trả lời các đại biểu về vấn đề nêu trên, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã ví mạng xã hội như con đường, trên đường đi có người tốt người xấu và người xấu dùng mạng xã hội để làm điều ác. Theo Bộ trưởng, thông tin trên mạng lan truyền với tốc độ chóng mặt đến mọi ngõ ngách của đời sống xã hội. Tin tốt trên mạng xã hội đưa lại hiệu quả tích cực, tin xấu sẽ gây ra những hậu quả khôn lường cho xã hội. Nhiều đối tượng xấu lợi dụng mạng xã hội để tung tin, bôi nhọ, nói xấu người khác. “Thế giới rất "đau đầu" về vấn đề này. Việt Nam không ngoại lệ, cũng đang phải đối mặt với những mặt trái của mạng xã hội”, Bộ trưởng nhận định. Đề cập đến thực trạng hoạt động cung cấp thông tin trên mạng, Bộ trưởng cho biết, nội dung thông tin trên mạng hiện nay được cung cấp bởi 2 nguồn. Nguồn thứ nhất là thông tin từ các cơ quan báo chí chính thống gồm báo chí in, báo chí điện tử và phát thanh, truyền hình; và nguồn thứ hai là truyền thông xã hội (các trang thông tin điện tử và mạng xã hội do tổ chức, cá nhân (không phải là cơ quan báo chí) đăng tải). Với 2 nguồn cung cấp trên, tác động của từng nguồn đối với xã hội cũng khác nhau. Bộ trưởng nhấn mạnh, việc thông tin trên mạng trong thời gian qua xuất hiện một số vấn đề nổi cộm gây bức xúc trong dư luận xã hội như hành vi tung tin giả, phát tán tin xấu, độc; nhiều phát ngôn, bình luận thiếu chuẩn mực, thậm chí vi phạm pháp luật như nói xấu, kích động hằn thù, vu khống, bôi nhọ, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, uy tín của cá nhân và tổ chức mà chủ yếu xuất phát từ nguồn truyền thông xã hội, đặc biệt là từ các mạng xã hội do tổ chức nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam. Qua theo dõi hoạt động cung cấp nội dung thông tin trên mạng, Bộ TT&TT đã nhận thấy, các trang thông tin điện tử, mạng xã hội do tổ chức, cá nhân trong nước, đặc biệt là các trang đã được cấp phép hoạt động phần lớn đều tuân thủ đúng quy định của pháp luật hiện hành. Một số ít trường hợp để xảy ra sai phạm và nội dung vi phạm chủ yếu là do cho phép thành viên chia sẻ nội dung vi phạm về thuần phong mỹ tục, dung tục, phản cảm, thông tin sai sự thật. Đối với các trang mạng xã hội do tổ chức, cá nhân tại nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam, các trang này đang được người dùng Việt Nam lựa chọn sử dụng nhiều, điển hình là nước ta có 45 triệu người sử dụng Facebook, là một trong 10 nước có lượng người sử dụng Youtube cao nhất thế giới. "Điều này cho thấy, thông tin trên trang mạng xã hội của nước ngoài đang ngày càng có tác động lớn đến người sử dụng tại Việt Nam; trong khi đó, những thông tin tiêu cực như thông tin xuyên tạc, nói xấu, kêu gọi kích động bạo lực, chống phá Đảng, Nhà nước… chủ yếu tồn tại trên mạng xã hội nước ngoài, do nhận thức của người sử dụng cho rằng mạng xã hội này có nguồn gốc từ nước ngoài, là môi trường ảo nên có thể tự do phát ngôn mà không phải chịu trách nhiệm", Bộ trưởng phân tích. Thừa nhận trong giai đoạn trước đây việc kiểm soát các trang mạng xã hội nước ngoài cung cấp dịch vụ tại Việt Nam như Google, Facebook là khó, Bộ trưởng cũng cho biết, thời gian gần đây, chúng ta đã phải điều chỉnh các quy định của pháp luật Việt Nam. “Vấn đề đặt ra ở đây là chúng ta có đủ biện pháp để điều chỉnh hành vi của người sử dụng tại Việt Nam nhưng “con đường” thì được điều chỉnh bởi luật lệ nước ngoài. Cho nên, hành vi của người sử dụng mạng xã hội nước ngoài cung cấp thông tin vào Việt Nam cũng không kiểm soát được. Tuy nhiên, Bộ TT&TT đã có Thông tư 38 ngày 26/12/2016 quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới và bước đầu đã có cơ sở pháp lý để yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp thông tin qua biên giới phải có trách nhiệm phối hợp gỡ bỏ thông tin vi phạm theo quy định của pháp luật Việt Nam”, Bộ trưởng nêu rõ. Thông tin với các đại biểu Quốc hội về các giải pháp để ngăn chặn thông tin xấu, độc trên mạng, nhấn mạnh giải pháp truyền thông và hành lang pháp lý, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng, để đối phó hiệu quả với tin giả, tin xấu trên mạng xã hội, cần thiết phải có thông tin chính xác, kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng chính thống. Khi thông tin báo chí chính thống không đầy đủ hoặc chậm, người dân sẽ tìm đọc trên mạng xã hội. Phải nhìn nhận thực tế là, số đông người dân vẫn tin vào tin tức trên báo chí chính thống, bằng chứng là lượng người đọc trên báo điện tử vẫn nổi trội, áp đảo. Chính vì vậy, việc quy hoạch báo chí, làm trong sạch đội ngũ những người làm báo, chấn chỉnh những tiêu cực, đảm bảo sự minh bạch trong tiếp cận thông tin là giải pháp căn bản nhất để áp đảo những thông tin xuyên tạc, thông tin sai trái trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, Bộ TT&TT đã rà soát lại hành lang pháp lý và sẽ kiến nghị bổ sung cho phù hợp với luật pháp Việt Nam và thông lệ quốc tế đối với lĩnh vực này. Bộ trưởng cho hay, với những trường hợp vi phạm xác định được nhân thân của người vi phạm, Bộ TT&TT áp dụng các quy định của pháp luật hiện hành để xử lý; và luật pháp nước ta có đủ điều kiện để điều chỉnh các hành vi sai phạm đó. Trong thực tế, năm 2015 đã xử phạt hành chính 11 trường hợp. Năm 2016, đã xử phạt 4 trường hợp và tiến hành 2 đợt thanh tra. Chỉ tính từ đầu năm 2017 đến ngày 12/4 vừa qua, Bộ TT&TT đã tiến hành xử phạt 10 trường hợp. |