Trần Ngọc Tuệ - quan tham chức nhỏ nhưng tham nhũng cực “khủng” (ảnh: Secretchina) Tờ Thời báo Trung Hoa đưa tin, ngày 11.12, Trần Ngọc Tuệ - cựu Bí thư tiểu khu Trại Thượng, Tân Hải, Thiên Tân đã bị tòa án tuyên phạt 18 năm tù giam, cùng số tiền 1,4 triệu nhân dân tệ (khoảng 4,7 tỷ VNĐ), về các hành vi: Tham ô, nhận hối lộ nghiêm trọng, biển thủ công quỹ và lạm dụng chức quyền. Đây cũng là vụ án tham nhũng lớn nhất từ khi thành lập quận Tân Hải, Thiên Tân. Tờ Secretchina dẫn báo cáo của cơ quan điều tra cho hay, khi khám xét nhà của Trần Ngọc Tuệ, các nhân viên của tổ điều tra đã phát hiện và thu giữ hơn 300 đồ vật, tượng, trang sức bằng ngọc bích, ấm tử sa (ấm pha trà làm bằng nhiều loại đất đặc biệt, rất đắt tiền), tranh và bút tích thư pháp của những danh tác Trung Quốc. Ngoài ra, còn có hàng chục thùng rượu Mao Đài, rượu Ngũ Lương Dịch loại đắt tiền và một số lượng lớn tiền mặt. Tổng tài sản bị thu giữ tại nhà Trần Ngọc Tuệ là 317 triệu nhân dân tệ (khoảng 1,100 tỷ VNĐ). Ông ta thậm chí còn dùng tiền xếp thành tấm nệm dày để ngủ cho ngon giấc. Trần Ngọc Tuệ cũng rất khéo che mắt người khác. Để tránh bị dòm ngó, ông ta chỉ ở trong một căn nhà xập xệ, xây từ những năm 1990. Tuy nhiên, cơ quan điều tra cho hay, Trần Ngọc Tuệ đã dùng số tiền kiếm được từ việc nhận hối lộ để mua nhiều bất động sản, biệt thự và có nhiều tài khoản ngân hàng đứng tên người khác. Quan tham dùng tiền làm đệm nằm để ngủ cho ngon (ảnh từ phim về Trần Ngọc Tuệ) Nguồn tiền của Trần Ngọc Tuệ chủ yếu đến từ việc nhận hối lộ và tham nhũng. Hồi tháng 4.2019, cảnh sát Thiên Tân đã báo có 17 trường hợp quan chức cộm cám làm bảo kê cho xã hội đen, quan tham họ Trần là một trong số đó. Theo tờ Secretchina, Trần Ngọc Tuệ đã lợi dụng chức vụ, che chở cho một trùm giang hồ ở Tân Hải là Lưu Hồng Phi, thực hiện nhiều hành vi trái pháp luật. Cụ thể, Lưu Hồng Phi thành lập một băng nhóm chuyên phá dỡ các công trình, nhà dân bằng biện pháp cưỡng ép, dùng thuốc nổ trái quy định, núp bóng dưới hình thức công ty kỹ thuật. Trần Ngọc Tuệ cũng chiếm dụng 100 triệu nhân dân tệ tiền công quỹ để thành lập công ty cho Lưu Hồng Phi. Nhờ sự giúp sức của Trần Ngọc Tuệ, các dự án giải phóng mặt bằng ở khu Trại Thượng và quận Tân Hải, hầu như đều rơi vào tay nhóm giang hồ của Lưu Hồng Phi. Đám này cậy thế bảo kê, thường dọa nạt, dùng vũ lực cưỡng chế di dời, bị người dân gọi bằng biệt danh “ôn thần”. Để cảm tạ, ngoài tiền ăn chia và những “phong bao đỏ” trong các dịp lễ tết, Lưu Hồng Phi còn đặc biệt biếu Trần Ngọc Tuệ nhiều chai rượu vang thượng hạng, tranh vẽ, thư pháp danh gia, trang sức bằng ngọc và ấm chén tử sa. Từ năm 2005 đến 2016, Trần Ngọc Tuệ đã nhận hối lộ tổng số tiền 5,73 triệu nhân dân tệ, trong đó, có 4,45 triệu tệ đến từ giang hồ họ Lưu. Trần Ngọc Tuệ thông đồng với giang hồ, cưỡng ép phá dỡ nhà dân (ảnh minh họa) Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Lưu và quan tham họ Trần về sau cũng đến lúc “cơm không lành, canh chẳng ngọt”. Đến đầu năm 2016, sau khi đã “đủ lông đủ cánh”, Lưu Hồng Phi rời bỏ quan tham họ Trần, sau khi tố ông này là kẻ “quá tham lam, ăn bẩn và đáng ghê tởm, ở bên cạnh sớm muộn cũng mang họa”. Theo báo cáo của cơ quan điều tra, tháng 12.2013, lấy cớ hỗ trợ cho người dân tổ chức các lễ hội vào dịp tết, Trần Ngọc Tuệ đã xin cấp 1,3 triệu nhân dân tệ ngân sách, sau đó chiếm đoạt 20.000 tệ. Từ tháng 9. 2014 đến tháng 3.2017, Trần Ngọc Tuệ cũng chiếm đoạt 49.000 tệ trong tổng số 1,7 triệu nhân dân tệ tiền trợ cấp cho các hộ dân bị phá dỡ nhà cửa. Theo tờ Thời báo Trung Hoa, Trần Ngọc Tuệ sinh tháng 4.1959, tại Thiên Tân. Xuất phát điểm của ông ta là Trưởng trấn Dương Gia Bạc, quận Hán Cô. Năm 2010, Trần Ngọc Tuệ giữ chức Phó Bí thư quận Hán Cô, Thiên Tân. Từ tháng 9.2014, ông ta ngồi ghế Bí thư khu Trại Thượng, quận Tân Hải, Thiên Tân. Con đường thăng tiến của Trần Ngọc Tuệ cũng rất ly kỳ. Báo cáo của cơ quan điều tra cho hay, để đưa sự nghiệp lên một “tầm cao mới”, Trần Ngọc Tuệ đã tìm đến sự giúp đỡ của một vị lãnh đạo giấu tên ở Thiên Tân. Buổi đầu gây dựng quan hệ, ông ta đã nhiều lần đưa tiền, thuốc lá xịn đến nhà nhưng đều bị lãnh đạo cự tuyệt. Sau khi tìm hiểu và nắm được sở thích của lãnh đạo, Trần Ngọc Tuệ đã đổi chiến thuật sang hối lộ bằng các bức thư pháp, tranh vẽ cổ và tiếp cận được vị này trên cơ sở “trao đổi kinh nghiệm, kiến thức nghệ thuật”. Ông ta cũng dày công bỏ sức nghiên cứu, trau dồi kiến thức hội họa, lịch sử, nghệ thuật… để có thể Vị lãnh đạo này cũng là người rất có “tâm hồn ăn uống”. Một lần trong câu chuyện, lãnh đạo có khen món thịt chó, ăn ở tỉnh Cát Lâm rất ngon, Trần Ngọc Tuệ không tiếc tiền bạc, công sức, nhờ người đặt vé máy bay trong ngày, để lãnh đạo đến Cát Lâm ăn thịt chó. Lại có lần khác, lãnh đạo “tâm sự” ở Thiên Tân rất hiếm có hải sản Quảng Tây nhập về, Trần Ngọc Tuệ lại vội vàng đặt vé máy bay hạng sang cho lãnh đạo bay đến Quảng Tây ăn hải sản trong ngày. Cảm động trước sự tận tình của Trần Ngọc Tuệ, vị lãnh đạo nọ cuối cùng cũng cho ông ta toại nguyện. Sau khi có chức có quyền, Trần Ngọc Tuệ thể hiện ra là một quan chức vô cùng ngạo mạn, không coi ai ra gì. Báo điện tử Soundofhope dẫn lời đồng nghiệp của Trần Ngọc Tuệ cho biết, ông ta nắm chức Bí thư nhưng kiến thức thì chẳng bằng ai, đặc biệt bị ảnh hưởng nặng bởi các “thói xấu nông thôn”. Khi tranh luận các vấn đề, Trần Ngọc Tuệ thường xuyên quát nạt, bỗ bã, thậm chí có lần còn đập phá đồ đạc trước mặt đồng nghiệp, cấp dưới. Là con thứ ba trong gia đình, nên ông ta thích được người khác gọi là “Tam ca”, nghe đậm chất giang hồ. Có lần, bị đồng nghiệp nhắc nhở về hành vi ứng xử, Trần Ngọc Tuệ không ngần ngại quát thẳng vào mặt: “Nếu tôi còn coi trọng ông thì ông là chiếc cốc, còn nếu ngược lại, ông chỉ là miếng sành vụn”. Đối với đồng nghiệp còn như vậy, đối với người dân, Trần Ngọc Tuệ càng chẳng thèm để mắt. Ông ta được cho là người chịu trách nhiệm chính trong việc phá dỡ nhà cửa của 13 ngôi làng ở Tân Hải. Cách làm việc của quan tham họ Trần cũng ngang ngược chẳng kém gì đám giang hồ. Trần Ngọc Tuệ ở nhà nhỏ, tiền chất thành đống lớn (ảnh từ phim về Trần Ngọc Tuệ) Một số người dân không đồng ý di dời, Trần Ngọc Tuệ đe dọa: “Nếu không chịu đi, tôi sẽ cho máy xúc húc thẳng vào nhà ông. Nhà nước trả lương cho tôi, chứ không phải các người”. Nhiều trường hợp ông ta phá nhà trước, sau đó mới ép buộc người dân ký tên vào biên bản tự nguyện di dời. Trần Ngọc Tuệ còn cậy chức quyền để can thiệp vào hoạt động đấu thấu, xây dựng khu tái định cư. Ông ta tuyên bố: “Tôi cho ai trúng thầu, người đó được, không thích cho ai thì có trúng rồi cũng phải bỏ”. Sau khi bị bắt, cơ quan điều tra đã nhận được 66 đơn thư tố cáo của người dân đối với Trần Ngọc Tuệ. Theo tờ Secretchina, quan tham họ Trần còn là kẻ cực kỳ mê tín. Ông ta thường xuyên đeo bên người một tấm bùa thỉnh từ Ngũ Đài Sơn, Sơn Tây, Trung Quốc. Mỗi khi sắp làm gì quan trọng, lại mời thầy bói đến nhà cầu cúng đảo điên suốt cả ngày. Tháng 6.2018, Trần Ngọc Tuệ bị điều tra về các hành vi phạm nghiêm trọng kỷ luật và pháp luật. Ủy ban kiểm tra kỷ luật quận Tân Hải, Thiên Tân sau đó thậm chí còn cho dựng vụ án của Trần Ngọc Tuệ thành phim để cảnh báo cán bộ đảng viên. Theo danviet.vn |