Vừa qua,ónhấtthiếtphảilênchùamùaVuLanmớilàbáohiếumẹdự đoán psg trong thông bạch tổ chức đại lễ Vu Lan - Báo hiếu năm 2024, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã nhấn mạnh việc không đốt vàng mã.
Chia sẻ với báo VietNamNet, Đại đức Thích Ngộ Trí Dũng, nghiên cứu sinh Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM, đã nói về thói quen đốt vàng mã vào những dịp như Vu Lan, hay lễ, Tết:
- Tập tục đốt vàng mã là một tín ngưỡng dân gian lâu đời của người dân - một cách thể hiện sự nhớ ơn và tưởng niệm những người đã khuất.
Điều này không xấu về bản chất, bởi tinh thần nhớ ơn và đền ơn là một phẩm hạnh cao quý của con người. Nhưng nếu quan sát kĩ hơn ở sự biểu hiện thì việc đốt vàng mã gây ô nhiễm môi trường và nhiều hệ quả không tốt khác.
Phật giáo luôn khuyến khích con người sống với tinh thần biết ơn, đền ơn một cách thiết thực và có trí tuệ.
Thay vì chúng ta sa đà quá nhiều vào thói quen đốt vàng mã trong các dịp lễ, tôi thường khuyến khích mọi người tu tập, làm từ thiện, phóng sinh… để hồi hướng công đức, phước lành về những người đã khuất. Đó là cách báo ơn thiết thực nhất.
Việc ta đốt tiền bạc ở cảnh giới này liệu có thể chuyển tiền bạc ấy đến tay của người ở cảnh giới khác và họ có sử dụng được không mới quan trọng.
Tôi mong mọi người hãy suy nghĩ và làm những điều thiết thực nhất để có thể đền ơn và báo ơn cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ, người thân đã khuất của mình.
Có nhất thiết phải lên chùa ngày Vu Lan mới là báo hiếu mẹ cha?
- Vu Lan mỗi năm chỉ có một ngày Rằm tháng 7. Nếu cho cả tháng 7 là tháng Vu Lan thì cũng chỉ có vỏn vẹn một tháng. Như vậy 11 tháng còn lại, không lẽ chúng ta không báo hiếu cho cha mẹ hay sao?
Với vai trò là một cư sĩ, một người đang sống tại gia đình với cha mẹ của mình thì việc báo hiếu thiết thực là cung phụng, chăm sóc cho cha mẹ về phương diện vật chất và tinh thần.
Việc đến chùa vào những thời điểm này là để giúp mọi người được gieo duyên với Tam Bảo, được lắng nghe những lời chỉ dạy từ phía tăng, ni để giúp cho việc báo hiếu có thể trọn vẹn hơn.
Song, nếu vì hoàn cảnh không thể đến chùa, các bạn cũng đừng buồn hay suy nghĩ tiêu cực, vì báo hiếu cho cha mẹ thiết thực nhất vẫn là luôn ở bên cạnh và dành những gì tốt nhất cho cha mẹ mà mình có thể làm được.
Theo Đại đức, người trẻ có thể báo hiếu bằng những cách nào?
- Không phải ai cũng may mắn còn cha mẹ ở bên cạnh, dù là những người trẻ. Có những bạn chỉ còn cha, có những bạn chỉ còn mẹ, có những bạn thì mồ côi cả cha và mẹ.
Nếu còn cha mẹ, các bạn hãy luôn ở bên cạnh, chăm sóc, cung phụng cha mẹ bằng tất cả những gì mình có thể làm được, đừng để cha mẹ rời xa mình rồi mới hối hận vì đã để khoảng thời gian mình còn sống với cha mẹ trôi qua vô ích.
Điều đáng quý hơn, đó là các bạn có thể noi gương Đức Phật, hướng dẫn cha mẹ học tập Phật pháp để có thể tự chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau của bản thân.
Còn với những ai không còn cha mẹ bên cạnh nữa, các bạn cũng đừng buồn, bởi các bạn vẫn có thể báo hiếu cho cha mẹ bằng cách sống lương thiện, giúp đỡ, thương yêu mọi người xung quanh.
Một điều quan trọng nữa, các bạn nhớ tưởng niệm, nhớ ngày giỗ của ba mẹ mình, thực hiện các tâm nguyện của ba mẹ, những kỳ vọng của cha mẹ vào bản thân mình. Tôi nghĩ đó cũng là cách các bạn có thể làm cho ba mẹ mỉm cười rồi.
Theo Đại đức, thực hành phóng sinh như thế nào cho đúng, có lợi lạc?
- Theo Phật giáo, từ bi nhưng phải có trí tuệ.
Phóng sinh không phải là đặt hàng 100 hay 1.000 hay 10.000 con chim, con cá để rồi đem thả ra và tính đếm công đức với Phật, Bồ-tát.
Nếu mọi người làm như vậy, vô tình tạo duyên cho những người hành nghề săn bắt chúng sinh để đem bán.
Quý vị hãy tưởng tượng cảnh một con chim đang tự do, bỗng bị bắt nhốt vào lồng, không những thế nó còn bị nhồi nhét cùng rất nhiều con chim khác; sau khi được bán để thả ra thì tiếp tục bị bắt lại và cứ thế, dần dần kiệt sức rồi ra đi.
Như vậy không phải là quá đáng thương hay sao?
Mọi người hãy nhớ, phóng sinh là việc làm giúp chúng ta thực tập, trưởng dưỡng từ tâm. Cho nên việc phóng sinh không phải nằm ở số lượng để chúng ta cân đo, đong đếm công đức.
“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, giá trị của phóng sinh nằm ở chỗ chúng ta làm đúng lúc, đúng thời điểm, đúng hoàn cảnh.
Chẳng hạn, khi đi chợ thấy một người sắp giết một con cá, mình dùng tiền mua lại và trả tự do cho con cá đó... Phóng sinh tùy duyên như vậy để cứu mạng các loài vật thì đáng quý biết bao.
Không chỉ các dịp lễ, bất cứ khi nào có cơ hội, chúng ta hãy cứu giúp mạng sống của các loài vật. Đó mới đúng tinh thần phóng sinh của một người con Phật.