Một công ty công nghệ làm thay đổi thế giới? Nhà sản xuất của những chiếc iPhone sang chảnh? Kẻ nắm giữ ngai vàng trong lĩnh vực phân phối ứng dụng di động?
Có rất nhiều đáp án được đưa ra, nhưng ngoài những thứ quen thuộc mà ai cũng biết, Apple còn có một biệt danh khác nổi tiếng trong ngành. Đó là "ông trùm chuỗi cung ứng"
Theo khái niệm phổ thông, chuỗi cung ứng là một hệ thống các tổ chức, con người, hoạt động, thông tin và các nguồn lực liên quan tới việc di chuyển sản phẩm hay dịch vụ, từ khi một công ty mua nguyên liệu thô đến khi giao hàng tới tay người dùng cuối.
Và nếu đánh giá về mức độ quản lý chuỗi cung ứng cũng như tầm ảnh hưởng của chuỗi cung ứng thì Apple từ lâu đã luôn ở top đầu trong ngành. Cụ thể hơn, xét tới khả năng kiểm soát chuỗi cung ứng của Apple, nó được thể hiện ở hai khía cạnh.
Đầu tiên, là việc kiểm soát hàng tồn kho. Apple từ lâu đã là hãng đi đầu trong ngành bằng cách áp dụng mô hình "Just In Time" (JIT). Mô hình JIT lần đầu tiên được Toyota thực hiện, cho phép công ty Nhật Bản tồn tại qua cuộc khủng hoảng năng lượng đầu tiên của thế kỷ trước.
Nói một cách đơn giản, JIT khác với mô hình trước đây là sản xuất trước rồi mới tìm đến người tiêu dùng. Thay vào đó, nó yêu cần việc mua vừa đủ nguyên liệu theo nhu cầu của người tiêu dùng, sau đó đảm bảo khâu hậu cần thông suốt, rồi mới giao hàng cho khách sau khi sản xuất hàng hóa. Nói chung, cần làm sao cho lượng hàng tồn trong kho càng ít càng tốt.
Theo quan điểm của chính CEO Tim Cook thì: "Chúng tôi muốn đưa sản phẩm trực tiếp từ quá trình sản xuất đến tay người tiêu dùng."
Xét cho cùng, việc tồn đọng hàng tồn kho có nghĩa là tiền không thể được xoay vòng nhanh chóng, làm tăng chi phí lưu kho... Trong những năm đầu thành lập của Apple, công ty Mỹ đã phải đối mặt với bài toán này và thậm chí đứng trên bờ vực phá sản do hàng tồn kho quá nhiều.
Và để khiến toàn bộ hàng tồn kho lưu chuyển nhanh hơn, Apple thậm chí là một trong số ít các nhà sản xuất cho phép vận chuyển các sản phẩm điện tử bằng máy bay. Để vắt kiệt không gian chứa của máy bay, ngoài việc làm cho bao bì nhỏ hơn (ví dụ như chính sách loại bỏ củ sạc gần đây), công ty thậm chí còn làm hộp đựng hình thang cho iMac để tiết kiệm không gian.
Trong thời kỳ đại dịch, để đảm bảo khâu hậu cần có thể lưu thông suôn sẻ, Apple cũng đã thuê hơn 200 máy bay phản lực tư nhân để vận chuyển hàng hóa. Mọi nỗ lực đã cho phép số ngày quay vòng hàng tồn kho của Apple được kiểm soát vào khoảng 7 ngày, có nghĩa là chỉ mất 7 ngày để một sản phẩm nhập kho của Apple và sau đó được bán đi.
Con số này vượt xa các đối thủ khác trong ngành, thường tốn cả tháng trời để quay vòng.
Và đằng sau thành công này, không thể không kể tới việc công ty Mỹ phải kiểm soát toàn bộ các mắt xích trong chuỗi cung ứng của mình một cách vô cùng chặt chẽ. Apple đã đầu tư vào hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP) tiên tiến nhất, được phát triển bởi công ty SAP của Đức, từ rất sớm. Và việc áp dụng hệ thống này đã mở ra thành công cho toàn bộ chuỗi cung ứng của Apple.
Cụ thể hơn, từ số lượng nguyên liệu thô đến các đơn đặt hàng của khách trên trang web chính thức, Apple nắm rõ tất cả mọi thứ. Và tập hợp của các hệ thống quản lý này gần như đã trở thành một ví dụ điển hình và kinh điển, thường được đem ra thảo luận trong các khóa học kinh doanh của nhiều trường đại học.
Ngoài việc theo đuổi tận cùng vòng quay hàng tồn kho, sức mạnh chuỗi cung ứng của Apple còn được phản ánh qua yếu tố thứ hai. Đó là sự ảnh hưởng của công ty đối với các nhà sản xuất nằm trong chuỗi cung ứng.
Cụ thể hơn, Apple sẽ yêu cầu được tham gia vào quá trình R&D của các linh kiện, cũng như trong quá trình sản xuất và chế tạo các sản phẩm. Công ty Mỹ không cho phép sự tồn tại của cái gọi là "hộp đen", nơi mà một liên kết nào đó bị che đậy hoặc bỏ qua.
Theo chia sẻ của nhân sự từng quản lý các công ty trong chuỗi cung ứng, đôi khi các xưởng đúc của họ không thể sản xuất những thứ Apple muốn. Và Apple đưa ra cách giải quyết đơn giản bằng cách trực tiếp mua các loại máy công cụ CNC và gửi chúng đến xưởng đúc. Theo số liệu của một báo cáo trên China Business News, trong mỗi dây chuyền sản xuất Apple của Foxconn, 20% đến 50% thiết bị là do Apple cung cấp.
Ngoài ra, Apple cũng rất nghiêm ngặt về các chi tiết của công nghệ và kiểm soát chất lượng.
AAC Technologies, công ty đã cung cấp linh kiện âm thanh cho Apple, tiết lộ rằng trên dây chuyền sản xuất của mình, toàn bộ phần mềm, máy tính và hệ thống ERP đều do công ty Mỹ đưa tới. Và nếu có một lỗi nhỏ phát sinh, ở bất kỳ một nơi nào đó, Apple sẽ gửi email tới ngay lập tức. Nhưng, công ty này phải đợi Apple mở quyền thì mới được xem. Ngoài ra, có hơn 20 kỹ sư của Apple luôn thay phiên nhau túc trực để hỗ trợ họ giải quyết các vấn đề phát sinh.
Một ví dụ khác là Corning, đơn vị phát triển kính cường lực Gorilla Glass cho smartphone. Apple từ lâu đã cùng phát triển sản phẩm riêng dành cho iPhone trên hệ thống dây chuyền của Corning. Loại kính bảo vệ siêu từ tính được sử dụng trên series iPhone 12 vào năm ngoái được cho là mạnh gấp 4 lần so với kính thông thường. Và tất nhiên, sản phẩm này hiện thuộc sở hữu độc quyền của Apple và các nhà sản xuất khác không thể mua nó.
Cũng bởi sự quản lý và đào tạo nghiêm ngặt của Apple, nhiều nhà sản xuất từng hợp tác với công ty Mỹ sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ. Các công ty đối tác thường khoe khoang việc họ là thành viên trong chuỗi cung ứng của Apple để phô diễn thế mạnh của bản thân.
Ngành công nghiệp cũng sẽ đánh giá cao các nhà sản xuất này, bởi nó phần nào đã nhận được cái gật đầu đảm bảo của gã khổng lồ công nghệ Mỹ. Nhiều người còn ví việc được tham gia chuỗi cung ứng của nhà sản xuất iPhone không khác gì một "cô bé nhà nghèo được gả vào gia đình giàu có".
Ví dụ, Luxshare Precision, công ty Trung Quốc đã tham gia vào chuỗi cung ứng của Apple năm 2012. Bắt đầu từ việc sản xuất các bộ kết nối dữ liệu, doanh thu công ty đã tăng hơn 90 lần trong một thập kỷ vừa qua. Luxshare Precision hiện cũng chịu trách nhiệm sản xuất của các tấm nền mới của Apple Watch trong năm nay.
Giống như Luxshare Precision, có 45 công ty thuộc chuỗi cung ứng của Apple đã lên sàn chứng khoán Trung Quốc trong những năm qua và trở thành cổ phiếu hạng A trong mắt những nhà đầu tư. Bên cạnh đó, các công ty này cũng góp phần không nhỏ vào sự thịnh vượng chung của thị trường điện thoại di động Trung Quốc ở một mức độ nào đó, khi dần trở thành thành viên quan trọng trong chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất khác.
Được tham gia chuỗi cung ứng không có nghĩa là một công ty nhỏ sau đó có thể hoàn toàn yên tâm. Bởi, Apple thường xuyên thay thế các nhà cung cấp không đáp ứng yêu cầu. Năm ngoái, Apple đã loại bỏ 34 nhà cung cấp toàn cầu, trong đó tiêu biểu nhất là công ty OFILM của Trung Quốc.
OFILM ban đầu cung cấp các mô-đun ống kính cho Apple và 30% doanh thu của công ty đến từ các đơn đặt hàng của hãng. Sau khi bị loại khỏi chuỗi cung ứng, lợi nhuận ròng của toàn bộ công ty trong năm đó đã giảm tới 93%, so với một năm trước đó.
Nhìn vào biểu đồ giá cổ phiếu của OFILM dưới đây, bạn có thể đoán được điều gì đã xảy ra với nó trong vòng một năm sau khi rời chuỗi cung ứng.
Nói cách khác, bởi vì vầng hào quang của Apple là quá chói lọi, đồng nghĩa với việc các công ty trong chuỗi cung ứng sẽ trở nên phụ thuộc quá nhiều vào Apple. Và áp lực mà họ phải chịu sẽ là rất lớn. Đó là khi "trái ngọt" có thể biến thành "trái đắng", và chỉ một quyết định nhỏ của Apple cũng thay đổi vận mệnh của rất nhiều công ty nhỏ phía sau.
Ví dụ cuối năm 2013, nhà sản xuất màn hình sapphire siêu bền có tên GT Advanced Technologies đã được tham gia chuỗi cung ứng để chế tạo màn hình dùng trong một số sản phẩm của Apple. Sau khi thông tin được tung ra, giá cổ phiếu của công ty đã trực tiếp tăng gấp đôi trong năm đó. Công ty cũng ngay lập tức đi vay tiền để xây dựng thêm nhà máy.
Nhưng, không ai có thể ngờ rằng do tỷ lệ sản lượng không đáp ứng được yêu cầu, Apple đã nhanh chóng thay đổi quyết định, thay thế màn hình sapphire trên sản phẩm của mình bằng màn hình kính. Giá cổ phiếu của GT Advanced Technology đã giảm tới 90% trong vòng một ngày. Chưa đầy một năm sau "thời khắc huy hoàng", công ty này đã phải nộp đơn bảo hộ phá sản.
Cũng vì việc nâng cấp sản phẩm của Apple, nhà sản xuất màn hình cảm ứng Shenghua Technology của Đài Loan cũng gặp phải câu chuyện tương tự. Là đơn vị cung cấp màn hình cảm ứng lớn nhất cho iPhone 4, Shenghua Technology tin rằng đơn hàng iPhone 5 chắc chắn cũng sẽ thuộc về mình.
Kết quả là Apple đã thay đổi công nghệ mới trên dòng iPhone kế tiếp, đồng thời chia tay Shenghua Technology. Do đứt gãy vòng xoay vốn, công ty này cuối cùng đã bị phá sản và sau đó được Lens Technology mua lại. Lens Technology hiện lại là công ty chuyên cung cấp linh kiện cho Apple.
Chính vì có những bài học kinh nghiệm này, nhiều công ty đang nằm trong chuỗi cung ứng của Apple đang chuyển mình và muốn mở rộng lĩnh vực kinh doanh. Ví dụ, Luxshare Precision, công ty có 70% doanh thu từ Apple, đã bắt đầu tham gia sản xuất ô tô trong hai năm qua. Lens Technology cũng đang tăng cường tích lũy công nghệ của mình trong lĩnh vực sản xuất kính chắn gió ô tô.
Rốt cuộc, không ai muốn được gọi là "OFILM tiếp theo" hay "Shenghua Technology kế tiếp".
Nhìn chung, với tư cách là ông trùm trong lĩnh vực chuỗi cung ứng, khả năng quản lý của Apple đáng để tất cả các công ty khác kể cả đối thủ trong ngành quan tâm và học hỏi. Việc quản lý chặt chẽ và yêu cầu cao đối với các nhà sản xuất trong chuỗi cung ứng cũng đã thúc đẩy sự phát triển của một số lượng lớn các ông lớn trong ngành công nghiệp.
Nhưng, phải thừa nhận một điều rằng chính vì sự ảnh hưởng quá lớn của Apple mà các công ty nhỏ phải đặc biệt cẩn thận trong mối quan hệ phụ thuộc vào Apple. Cần phải vừa đảm bảo việc mở rộng quy mô sản xuất để đáp ứng nhu cầu không ngừng tăng cao của đối tác, đồng thời cũng phải mở rộng lĩnh vực kinh doanh để chuẩn bị tinh thần đối phó với một tương lai "không có Apple kề bên". Điều may mắn ở đây là một khi được hợp tác với gã khổng lồ Mỹ, bạn sẽ có trong tay cả nguồn vốn lẫn danh vọng để thực hiện mọi thứ cùng một lúc.
Rõ ràng, cơ hội luôn đi kèm với thách thức và rủi ro. Quả táo ngọt ngào cũng có thể nhanh chóng biến thành trái táo độc. Apple cũng như CEO Tim Cook sẽ không vì tương lai của một công ty nhỏ mà đánh đổi kết quả kinh doanh của cả tập đoàn. Điều đó cũng đồng nghĩa với sự tồn tại của các quyết sách mạnh tay và lạnh lùng để thay đổi chiến lược một cách nhanh chóng.
Hãy luôn cẩn trọng, nếu muốn tránh cái kết không mong muốn giống với Shenghua và OFILM. Đừng để thành công tại Apple, mà thất bại cũng bởi Apple.
(Theo Trí Thức Trẻ, iFeng)
Các thương hiệu truyền cảm hứng nói về con người, không phải sản phẩm.
(责任编辑:Cúp C2)