Ông Nguyễn Văn Thuyết
“Người ta có tiền thì sắm nhà lầu xe hơi nhưng con cái hư hỏng thì đi xe sang trọng có sướng ích gì. Tôi bỏ tiền xây trường học là chuyện bình thường mà. Đó là tôi đang đầu tư cho chính con cháu của mình sau này” - lão nông bình thản nói!
Chuyện từ một lần gặp Hồ Chủ tịch
Chúng tôi đến thị trấn Chơn Thành (huyện Chơn Thành,hiếnkèo nhà cái 188 Bình Phước) vào một ngày cuối năm tiết trời ấm áp. Hỏi nhà ông Nguyễn Văn Thuyết thì ai cũng biết. Bởi ông vừa làm một việc mà ai cũng khâm phục: bỏ tiền túi ra xây dựng trường học!
Hỏi người con gái ông thì được biết, ông cụ không có ở nhà. Ông đang dọn dẹp và kiêm luôn nhiệm vụ bảo vệ cho ngôi trường mầm non Sao Mai mà ông bỏ tiền ra xây dựng cách nhà khoảng 1km.
Ở cái tuổi 79, ông Thuyết trông còn rất khỏe và minh mẫn. Đầu tóc trắng nhưng đôi mắt vẫn còn đen và long lanh khi ông kể về cuộc đời, về ước nguyện của mình.
Ông Thuyết sinh ra ở Hà Nội. 16 tuổi cha mất, gia đình loạn lạc vì chiến tranh, ông lưu lạc về Hòa Bình. Tại đây, ông xin vào làm tạp vụ, phục vụ trà nước, dọn phòng họp cho Ban lãnh đạo mỏ than.
Trong một lần phục vụ trà nước cho công ty đón tiếp một phái đoàn đến thăm, chàng thanh niên tạp vụ 16 tuổi khi ấy được một ông cụ già, tóc bạc, mắt sáng ngời… trong đoàn hỏi chuyện.
Ông kể: “Ông cụ hỏi tôi rằng làm ở đây có vất vả không? Ông khuyên tôi khi làm bất cứ việc gì cũng phải cố gắng làm tốt. Rồi ông hỏi tôi, sau này cháu có muốn làm cái gì đó để lại cho đời không? Mấy ngày sau, lãnh đạo mỏ than hỏi tôi có biết ông cụ có chòm râu trắng là ai không. Tôi lắc đầu. Lãnh đạo bảo, đó là Hồ Chủ tịch”.
Ông Thuyết trầm ngâm một hồi rồi kể tiếp: “Tôi bất ngờ quá. Thật hạnh phúc khi được gặp Bác. Bác gần gũi, giản dị. Lời nói của Bác cứ văng vẳng trong tôi”.
“Thuở ấy, tôi nghĩ làm thầy giáo thì sẽ giúp cho đời một cách thiết thực nhất. Thế nhưng, tôi chỉ mới học lớp 1 trường làng thì chữ nghĩa đâu mà dạy. Không có kiến thức thì giúp gì cho đời được đây? Ghi tạc lời dặn của Người, tôi không có kiến thức để làm thầy thì cũng tự hứa sẽ cố gắng làm lụng để có tiền cất một ngôi trường cho các cháu học tập” - ông Thuyết kể.
Ngôi trường là “tâm nguyện” cả một đời lão nông
Sau một thời gian làm tạp vụ ở mỏ than, cuộc sống đẩy đưa, ông Thuyết vào làm công nhân cho nông trại cao su Bình Long (Bình Phước). Chiến tranh chia cắt 2 miền, ông cũng bặt vô âm tín về người thân. Từ đó, một thân giữa bạt ngàn cao su Bình Phước, ông sánh duyên với người con gái địa phương và có với nhau đến 11 mặt con.
Hàng ngày, cả đại gia đình đi phát quang nương rẫy trồng cao su, hoa màu để kiếm sống. Khó khăn là thế nhưng vợ chồng ông không để con cái thất học. Hiện 10/11 người con của ông bà đã lập gia đình và có cuộc sống ổn định.
Ngôi trường mầm non mà gia đình ông bỏ ra 2,4 tỷ đồng xây dựng.
Nhưng trong thâm tâm, ông Thuyết vẫn còn một điều trăn trở: “Không biết khi nào có tiền để xây dựng trường cho các cháu học đây!”. Ông kể: “Lúc mới quen bà nhà, tôi cũng từng nói với cha vợ rằng, con muốn xây một cái trường học để đóng góp một phần cho giáo dục. Khi có sui gia, tôi cũng hay tâm sự với họ về ý nguyện này”.
Đến năm 2006, mảnh đất 4ha ở xã Thành Tâm mà vợ chồng, con cái gia đình ông cùng khai hoang, trồng cao su bị giải tỏa để làm khu công nghiệp. Số tiền đền bù được hơn 3,8 tỷ đồng.
Sau khi trả nợ nần, ông đã trích ra 2,4 tỷ để thực hiện cái tâm nguyện của mình. Nói là làm. Ông đề đạt với chính quyền địa phương, Phòng giáo dục và được UBND huyện Chơn Thành cấp đất ngay trong khu hành chính.
Ngày 3-4-2009, công trình xây dựng Trường mầm non Sao Mai chính thức khởi công. Cũng từ ngày đó đến nay, ông Thuyết vừa là chủ đầu tư, vừa là người giám sát thi công, bảo vệ công trình… Cũng từ ngày đó đến nay, không đêm nào ông ngủ ở nhà.
Ông làm lán trại ngủ tại công trình giữ vật liệu xây dựng để công trình không bị “rút ruột”… Đến nay, từ một bãi đất trũng, ngôi trường mầm non Sao Mai với 2 dãy nhà (8 phòng) đã hoàn thành, khang trang và được bàn giao cho Phòng Giáo dục huyện nhà.
Tôi hỏi: “Ông có tiếc khi bỏ ra số tiền lớn như vậy không?”, ông Thuyết trả lời ngay rằng: “Không. Đóng góp vào sự nghiệp học đường thì không bao giờ hết của cả. Đây là công trình đầu tư phi lợi nhuận. Nhà trường sẽ đi vào hoạt động, tôi không thu bất cứ loại phí nào”.
“Thế 11 người con của ông cũng không khá giả gì, sao ông không để số tiền đó làm của hồi môn cho các con?”. Ông cười: “Xã hội này thiếu gì người giàu. Tôi thì không giàu nhưng nếu tôi đem tiền để rượu chè, cờ bạc, làm chuyện sai trái thì mới lo. Đằng này, tôi đem tiền đi làm từ thiện thì cả nhà vui vẻ”.
Khi tôi đến thăm nhà ông Thuyết, vợ ông là bà Phạm Thị Ngọc, 61 tuổi, đang ngồi phía sau nhà lựa trái chùm ruột làm mứt. Vì trái chùm ruột ít nên mỗi tuần bà chỉ làm được khoảng 5kg mứt. Làm xong, bà lại đội thúng ra chợ bán 50.000 đồng/kg. Cộng với việc bán đồ chua, cóc, ổi… mỗi tuần bà thu nhập vỏn vẹn chỉ có 300.000 đồng để lo cơm, mắm cho cả đại gia đình.
“Có người hỏi, sao nhà giàu, đem tiền tỷ xây trường mà tôi phải buôn bán kiếm từng đồng, từng cắc cực khổ vậy. Tôi chỉ biết cười chứ thanh minh sao bây giờ. Con cái đã lớn, có nghề nghiệp, gia đình ổn định, không quậy phá, lêu lổng là mừng rồi. Việc bỏ tiền xây trường là theo ý nguyện của ông từ lâu rồi nên cũng phải ủng hộ ổng chứ!” - người vợ cả một đời cần mẫn tâm sự.
Ông Thuyết tâm sự: “Phải làm cái gì đó cho đời trước khi nhắm mắt. Giờ tôi chỉ mong chờ ngày nhìn thấy các cháu cắp sách đến trường là tôi toại nguyện rồi”.
Với thành tích cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nước nhà, Ngày 20-11-2009 vừa qua, ông Nguyễn Văn Thuyết đã được Hội khuyến học Việt Nam mời ra Hà Nội tặng bằng ghi công. Tại đây, ông Thuyết đã gặp gỡ Phó Thủ tướng - Bộ Trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thiện Nhân và nguyên Phó Thủ tướng - Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm.
Theo Dân Trí