Đã 58 năm kể từ ngày máy bay Mỹ trút những quả bom cỡ lớn xuống mảnh đất Thụy Dân,ĩatrangvàlớphọcvĩnhhằngcủacôtròschalke đấu với hertha huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Trận bom ấy đã cướp đi sinh mạng của cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân và 30 học sinh của Trường Phổ thông cấp II Thụy Dân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
Lớp học bị vùi lấp sau trận mưa bom của giặc
Nhắc về sự kiện giặc Mỹ ném bom, ông Lê Văn Thắng (74 tuổi) trú tại xã Thụy Dân, một trong số những học sinh may mắn sống sót trong trận bom năm 1966, vẫn còn nhớ như in ký ức đau lòng.
Ông Thắng nhớ lại, năm 1966, ông Thắng học lớp 7, đây cũng là lớp 7 đầu tiên của Trường Phổ thông cấp II Thụy Dân, gồm 52 học sinh. Vào khoảng 10h30 ngày 21/10/1966, các học sinh đang nghe cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân giảng bài "Thà Đui" của Nguyễn Đình Chiểu, bất ngờ máy bay Mỹ xuất hiện trên bầu trời.
Khi nghe tiếng máy bay Mỹ và tiếng bom nổ phía trong làng, cô Xuân vội hô hào: "Có máy bay, các em xuống hết giao thông hào trú ẩn!". Cả lớp nháo nhác chạy ra giao thông hào để ẩn nấp. Ngay sau đó, ông Thắng nghe những tiếng nổ dữ dội, đất văng tung tóe rồi ngất lịm đi.
"Ðến loạt bom thứ hai, đất đá lại tung lên khiến phần ngực và đầu tôi nhô lên khỏi mặt đất. Mở mắt ra tôi thấy trường mình bị san phẳng, bàn ghế, sách vở bay tứ tung. Tôi cố gắng bò lên mặt đất rồi chạy được khoảng 100m thì bất tỉnh, khi tỉnh lại thì thấy mình đang ở trong bệnh viện", ông Thắng kể lại.
Khi tỉnh dậy, ông Thắng mới biết tin, trận bom kinh hoàng đã khiến cô Xuân và 30 người bạn học của ông bị bom vùi chết. Ông kể, lúc tìm thấy cô giáo Xuân, trong lòng cô vẫn đang ôm chặt hai học sinh, thời điểm hy sinh cô giáo đang mang thai được mấy tháng.
Ông Thắng xúc động: "Toàn bộ ngôi trường mới đó còn vang tiếng học bài đã bị san thành bình địa chỉ còn trơ lại một hố bom sâu hoắm. Những người bạn của tôi mới hôm qua còn nô đùa với nhau, đến hôm sau chỉ còn là những ngôi mộ dài sát bên nhau".
Sự kiện đau thương này đã gây chấn động dư luận trong nước và trên thế giới. Ngay khi sự việc xảy ra, Bộ Ngoại giao đã lên án giặc Mỹ ném bom xuống Trường Phổ thông cấp II Thụy Dân. Bộ Giáo dục, Hội phụ nữ đã ra tuyên bố tố cáo tội ác của giặc Mỹ…
Nghĩa trang đặc biệt 21/10 và lớp học vĩnh hằng
Sau trận bom ấy, để nhắc nhở mọi người luôn nhớ về cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân và 30 học sinh đã mãi mãi nằm lại, 31 cô trò được an táng trong một khuôn viên nghĩa trang riêng và đặt tên là nghĩa trang 21/10.
Nghĩa trang 21/10 được sắp xếp ngay ngắn như một lớp học. Mộ của cô giáo, liệt sỹ Bùi Thị Thanh Xuân trên cùng, ở giữa; 30 ngôi mộ của học sinh được đặt theo 4 hàng dọc và 7 hàng ngang như các học sinh đang ngồi nghe cô giáo giảng bài.
Đài tưởng niệm cũng được thiết kế như một ngòi bút ở giữa trang sách mở cao 14 bậc, trong nghĩa trang có 14 bồn để trồng cây và hoa cảnh, tượng trưng cho sự ra đi của các học sinh từ 13 đến 16 tuổi. Bên trên ngòi bút là một ngọn lửa giống hai vầng trăng khuyết. Ở đáy bút là một lư hương biểu tượng hình lọ mực, dưới cùng là một dải khăn quàng đỏ.
Trường Tiểu học - THCS Thụy Dân, đã dành riêng một căn phòng rộng hơn 30m2 làm phòng truyền thống lưu giữ lại kỷ vật của lớp học và là nơi thờ cô giáo, liệt sỹ Bùi Thị Thanh Xuân.
Tại đây, vô số kỷ vật, di vật, hình ảnh gắn liền với cuộc đời của cô giáo Xuân đã được nhà trường cẩn thận gìn giữ như chiếc hòm đựng sách vở, giáo án, cuốn nhật ký, bộ quần áo của cô Xuân… là những lát cắt tái hiện lại được ngày định mệnh 21/10/1966.
Trong cuốn sổ tay của cô giáo Xuân được lưu giữ lại, vẫn còn ghi rõ những dòng tâm sự: "…Ðể sánh vai với người chiến sĩ ở trận tuyến giết giặc cứu nước thì ở hậu phương, ở mái trường thân yêu này, đêm - ngày mình sẽ miệt mài bên trang giáo án, quyết tâm đóng góp công sức của mình làm cho sự nghiệp trồng người ngày càng thêm thay da, đổi thịt...".
Năm 2021, nghĩa trang 21/10 và khu tưởng niệm liệt sỹ, cô giáo và 30 học sinh Trường Phổ thông cấp II Thụy Dân đã được Bộ Văn hóa - Thể Thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân sinh ngày 4/10/1942, tại xã Thụy Hà, huyện Thụy Anh (nay là thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, Thái Bình). Từ nhỏ cô đã mồ côi cha, mẹ bị tật nguyền. Tuy nhà nghèo nhưng ngay từ bé cô Bùi Thị Thanh Xuân đã cùng người chị gái duy nhất của mình tảo tần thức khuya dậy sớm lao động để kiếm tiền ăn học.
Sau khi tốt nghiệp Trường sư phạm Thái Bình, cô về công tác tại Trường cấp II Thụy Phong (huyện Thái Thụy) được một thời gian thì cô chuyển về dạy tại Trường Phổ thông cấp II Thụy Dân.
Dù đã lập gia đình nhưng cô Xuân vẫn giảng dạy tại trường, chấp nhận xa chồng, xa con. Người con trai duy nhất của cô lúc đó được gửi về cho ông bà nội ở tỉnh Nam Hà chăm sóc. Ngày cô Xuân ngã xuống, trong túi áo của cô còn một bức thư chưa kịp gửi cho chồng.