Liệu AI có thể làm tất cả công việc của con người? Đó là câu hỏi mà GS.TS công nghệ Fujimoto nhận được trong các buổi diễn thuyết của mình. Ứng dụng của AI xuất hiện trong đời sống của chúng ta ngày càng nhiều, nhưng những gì đa số biết về nó thì lại rất ít. Chính điều này đã thúc đẩy GS.TS Fujimoto Koji và TS Shibahara Kazutomo viết nên cuốn sách Năng lực thực sự của AI. Ông Fujimoto là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Nông nghiệp và Công nghệ Tokyo, đồng thời cũng là Giám đốc điều hành Công ty Tensor Consulting chuyên nghiên cứu về AI và tư vấn việc áp dụng AI cho các doanh nghiệp. Nhân dịp đến Việt Nam, GS Fujimoto đã có dịp trò chuyện cùng độc giả Việt Nam tại Đường sách Nguyễn Văn Bình vào chiều 5/11. Nội dung của buổi nói chuyện xoanh quanh chủ đề AI có thể làm gì và không thể làm gì? Chúng ta cần chuẩn bị gì để không bị thay thế trong một tương lai khi mà những ứng dụng của AI ngày càng phổ biến.
Trí tuệ là năng lực để con người sinh tồnGS Fujimoto cho rằng trong tương lai, việc AI sẽ dần thay thế con người là một kết quả tất nhiên. Tuy nhiên, AI vẫn có những hạn chế và con người không thể hoàn toàn tin tưởng vào AI. Trong những công việc quan trọng, con người vẫn cần chú ý quản lý, giám sát và khắc phục những lỗi sai của AI. “Có lẽ mọi người nghĩ AI là một kỹ thuật gì đó rất cao siêu. Nhưng tôi mong mọi người hiểu được rằng AI cao siêu ở chỗ nó có thể thực hiện được tốt công việc dù không hiểu được ý nghĩa trong việc đó. AI vẫn có những lỗi sai và thường khó phát hiện, đó là điều mà mọi người nên chú ý”, GS Fujimoto chia sẻ. Trong sách Năng lực thực sự của AI, hai tác giả thống nhất rằng có ba yếu tố ở con người mà AI còn hạn chế, đó là “Động cơ: năng lực xác định nhiệm vụ cần giải quyết”, “Thiết lập mục tiêu: năng lực xác định điều gì là đúng” và “Tập trung tư duy: năng lực nắm bắt những điều cần cân nhắc”.
Như vậy, để không bị AI giành mất công việc, GS Fujimoto cho rằng điều quan trọng là con người và AI phải bổ trợ cho nhau ở những chỗ còn khiếm khuyết. Điều đó có nghĩa là trong khi AI giúp con người thực hiện những công việc máy móc, con người sẽ có thêm nhiều thời gian hơn để phát huy khả năng sáng tạo. GS Fujimoto nói: “AI không hề chiếm mất công việc của con người, nó chỉ thúc đẩy chúng ta chuyển từ công việc máy móc sang các công việc đòi hỏi trí tuệ cao hơn, sáng tạo hơn”. Bên cạnh đó, nó cũng tạo ra nhiều công việc mới như quản lý dữ liệu, điều hành, giám sát và nâng cấp AI, hoặc ứng dụng AI vào việc kinh doanh để tạo thêm thu nhập. Một khán giả đã đặt câu hỏi rằng nhiều ứng dụng AI hiện nay đã có thể tạo ra những tác phẩm nghệ thuật như tranh vẽ, liệu AI có thể thay thế con người cả trong những công việc sáng tạo? Trả lời cho câu hỏi này, GS Fujimoto khẳng định: “Sự phát triển của AI rất quan trọng, đem lại nhiều tiện lợi cho công việc của chúng ta. Tuy nhiên tôi mong mọi người nhớ rằng, cho dù AI có thông minh đến đâu thì nó vẫn là sự bắt chước, là sự thông minh không có trí tuệ”. GS Fujimoto cho rằng việc nghiên cứu phát triển AI là không có giới hạn, do đó trong tương lai AI chắc chắn sẽ đem lại nhiều bất ngờ nữa cho chúng ta. Vấn đề quan trọng là chúng ta ứng dụng nó như thế nào, sử dụng nó ra sao để phát triển tối đa năng lực trí tuệ của loài người. “Việc con người trở thành nô lệ cho một thứ không có trí tuệ là điều không thể, trừ khi chính con người muốn trở thành nô lệ”, ông nhấn mạnh. Doanh nghiệp cần hiểu AI trước khi ứng dụngVới kinh nghiệm điều hành một công ty chuyên nghiên cứu và tư vấn các dịch vụ của AI, ông Fujimoto cho biết hiện nay, nhiều công ty lớn với lượng dữ liệu khổng lồ tìm đến AI như một công cụ hỗ trợ quản lý hữu ích và tạo thêm lợi nhuận.
Đối với các công ty nhỏ, vẫn có những chương trình AI phù hợp. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc hiểu AI là gì, năng lực thực sự của nó ra sao để từ đó tìm ra cách ứng dụng phù hợp. Ông cho biết bản thân từng chứng kiến nhiều công ty thất bại trong quá trình ứng dụng. Ví dụ, từng có công ty tìm đến ông để được tư vấn về ứng dụng AI cho doanh nghiệp, nhưng chỉ một tháng sau đã phải dừng lại vì phát hiện công ty không lưu dữ liệu một cách hiệu quả. Trong nhiều trường hợp khác, nhiều công ty chịu cảnh thua lỗ khi ứng dụng AI do nguồn dữ liệu ít cộng với chi phí vận hành chương trình AI khá cao dẫn đến việc không bù nổi chi phí. Từ những ví dụ này có thể thấy, các doanh nghiệp cần tận dụng những lợi thế của AI để tạo lợi thế cạnh tranh, tuy nhiên để ứng dụng AI cho hiệu quả thì cần có sự chuẩn bị từ trước, chẳng hạn việc lưu trữ dữ liệu của công ty. GS Fujimoto đưa ra lời khuyên: “Cần có một cái nhìn từ từ về AI, bởi nếu doanh nghiệp đột ngột áp dụng AI trong khi không biết cần áp dụng AI như thế nào, cho lĩnh vực nào, thì chắc chắn sẽ thất bại”. Ông cũng nhấn mạnh Việt Nam là một nước có dân số trẻ và năng động, vì vậy có nhiều cơ hội để học hỏi, thử nghiệm với các ứng dụng của AI. Cách sử dụng AI an toàn chính là hiểu về bản chất của nó và cách nó hoạt động, đồng thời phát triển những khả năng trí tuệ của con người - điều mà AI hiện chưa làm được. “Đến một lúc nào đó, con người và AI có thể đạt đến sự tin tưởng lẫn nhau. AI có thể trở thành người bạn thân thiện của con người, tuy nhiên phải nhắc lại, ngay cả con người chúng ta còn không thể hoàn toàn tin tưởng được, vì vậy đừng tin tưởng 100% vào AI”, GS Fujimoto kết luận.
友情链接 |