Sáng ngày 17/4,ọcsinhLàoCaichếtạomáyATMphátgạomiễnphíchongườinghèođợtdịvdqg phap cô giáo Phạm Thị Tuyết Thanh, Hiệu trưởng Trường THPT số 1 TP Lào Cai đang hối hả cùng giáo viên, học sinh nhà trường hướng dẫn người dân thực hiện giãn cách khi xếp hàng nhận gạo.
Cô Thanh cho biết, từ ngày 16/4, cây ATM phát gạo miễn phí cho người có hoàn cảnh khó khăn vì dịch bệnh Covid-19 do các học sinh của trường sáng chế đã chính thức đi vào hoạt động. Ngày hôm qua, máy “ATM gạo” đã phát cho những người khó khăn tổng cộng 1,7 tấn gạo. Sáng nay, do trời mưa nên việc nhận gạo bị ngắt quãng và cuối buổi tổng kết phát được 7,5 tạ.
Cây ATM phát gạo miễn phí đầu tiên tại tỉnh Lào Cai xuất phát từ ý tưởng của của nhóm học sinh trong Câu lạc bộ Nghiên cứu khoa học của Trường THPT số 1 thành phố Lào Cai.
Người dân có hoàn cảnh khó khăn đến nhận gạo tại cây ATM gạo của Trường THPT số 1 TP Lào Cai.
Em Lê Hoàng Quốc, học sinh lớp 12D1, trưởng nhóm chế tạo “Máy ATM gạo” chia sẻ: “Dịch Covid-19 kéo dài khiến rất nhiều người chịu cảnh mất việc hoặc không thể tìm được việc làm. Chính vì vậy, chúng em nghĩ đến việc làm một chiếc máy ATM phát gạo miễn phí, để giúp người nghèo vượt qua được giai đoạn khó khăn, mà trước mắt đơn giản có thể giúp họ duy trì sự sống”.
Nghĩ là làm, Quốc và nhóm nghiên cứu đề xuất với cô Phạm Thị Tuyết Thanh. Ngay lập tức ý tưởng của cả nhóm được Ban giám hiệu nhà trường và tập thể giáo viên đồng ý. Nhà trường còn động viên các em bằng việc cùng huy động sự chung tay, góp gạo của các thầy cô, phụ huynh và nhà hảo tâm.
Theo yêu cầu của trường, mô hình phát gạo văn minh, tiện lợi, nhưng phải đảm bảo an toàn dịch tễ, hạn chế tiếp xúc đông người, tránh lây lan dịch bệnh. Theo đó, các học sinh đã lập trình tính toán thời gian đóng mở van gạo tự động sao cho mỗi lần máy xuất ra được đúng 3kg gạo - tương ứng với lượt nhận của một người.
Quốc cho biết, nhóm nghiên cứu phải tính toán từ khâu chọn ống nước đủ rộng để lưu lượng gạo chảy với tốc độ vừa phải, thiết kế chế tạo thử nghiệm và gia công van điện đóng mở để không bị rơi gạo. Bên cạnh đó, việc gia công đóng hộp, đi dây các thiết bị đảm bảo an toàn điện và vệ sinh cũng là một khâu được nhóm tính kỹ.
May mắn hơn, các em nhận được sự cố vấn và chung tay hỗ trợ của em Vũ Hoàng Long (từng là học sinh duy nhất của đoàn Việt Nam đạt giải 3 trong Hội thi Khoa học kỹ thuật tại Mỹ năm 2019, cựu học sinh của trường và hiện là sinh viên Trường ĐH Công nghệ - ĐHQG Hà Nội) trong khâu lập trình.
Em Lê Hoàng Quốc và Vũ Hoàng Long trong quá trình chế tạo máy ATM phát gạo
Sau nhiều ngày nghiên cứu và thử nghiệm, ngày 14/4, nhóm học sinh của Trường THPT số 1 TP Lào Cai đã chế tạo thành công “Máy ATM gạo” với động cơ servo Mg996r, điện áp hoạt động 4.8 -7.2v, có nút bấm lấy gạo tự động và còi cũng như đèn led báo hiệu.
“Máy gồm bồn đựng gạo, gạo chạy theo đường ống xuống, giữa có một bộ điều khiển bằng van tự động và nút bấm mini. Mỗi lần nhấn nút, gạo sẽ nhả đúng số lượng 3kg/lần mà mình lập trình sẵn", em Hoàng Quốc chia sẻ về nguyên lý hoạt động.
Cô Phạm Thị Tuyết Thanh đánh giá đây là ý tưởng hay, có ý nghĩa nhân văn và tính giáo dục cao, nhà trường quyết tâm thực hiện và hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ của các nhà hảo tâm chung tay cùng các học sinh của trường.
Hiện, “Máy ATM gạo” đã được lắp đặt tại số 250, đường Hoàng Liên TP Lào Cai. Người dân có thể đến nhận gạo đến 30/4, trong thời gian từ 8h đến 11h (buổi sáng) và 14h đến 17h (buổi chiều). Trước khi nhận gạo, người dân được hướng dẫn rửa tay sát khuẩn, lấy thông tin cá nhân.
Dự án đã và đang nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các nhà hảo tâm, cùng giáo viên, phụ huynh, học sinh, các tổ chức trong và ngoài nhà trường. “Thậm chí, khi vừa có thông tin, có phụ huynh đã chở ngay đến hàng tạ gạo để ủng hộ cho hoạt động của nhà trường”, cô Hà Thùy Linh, Bí thư Đoàn trường nói. Với khẩu hiệu “Nếu bạn cần, hãy đến lấy, nếu bạn ổn, hãy nhường người khác, nếu bạn có, hãy đóng góp thêm”, sau hơn 2 ngày phát động, “cây ATM gạo” đã nhận được sự ủng hộ trên 45,6 triệu đồng và hơn 4,3 tấn gạo...
Người dân trên địa bàn TP Lào Cai ủng hộ gạo cho cây ATM của trường giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.
Cô Phạm Thị Tuyết Thanh cho biết nhà trường sẽ quản lý hoạt động của máy đến hết tháng 4 và sau đó sẽ chuyển giao cho các đơn vị phù hợp hơn vận hành. Tuy nhiên, nhà trường vẫn sẽ kêu gọi là huy động ủng hộ nguồn gạo.
Người dân xếp hàng giãn cách để nhận gạo từ “máy ATM phát gạo” miễn phí.
Điều cô Thanh mừng nhất là qua đây có thể khơi dạy niềm đam mê nghiên cứu khoa học, giúp học sinh mang được kiến thức lý thuyết chế tạo ra các máy hữu ích phục vụ cộng đồng. Cùng đó là bài học về sự sẻ chia, biết cho đi trước khi nhận lại.
“Đây cũng là bài học về tinh thần hỗ trợ, đoàn kết, biết sẻ chia với những người khó khăn, yếu thế hơn trong xã hội ngay khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông”, cô Thanh nói.
Trước đó, để chung tay phòng chống Covid-19, thầy trò nhà trường còn tổ chức nhiều hoạt động như tự pha chế nước rửa tay khô, may khẩu trang vải tặng miễn phí các đơn vị phòng chống dịch; tổ chức thăm và tặng quà các chốt biên phòng chống dịch...
Thanh Hùng - Ảnh: NVCC
Giảng viên xắn tay giúp sinh viên, người nghèo vượt Covid-19
Trong những ngày giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19, tại nhiều trường đại học vẫn có những sinh viên vì các lý do khác nhau mà ở lại KTX, không về quê.