Theo tộc cổ ghi chép, ông Lý Xương Căn là hậu duệ đời thứ 31 của vua Lý Thái Tổ và hậu duệ đời thứ 26 của Hoàng tử Lý Long Tường - người đã cùng gia đình rời quê hương Đại Việt đến Cao Ly vào năm 1226.
Năm 1994, chỉ 2 năm sau khi Việt Nam - Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức, tại Đền Đô, Bắc Ninh, nơi thờ 8 vị Vua triều Lý đã chứng kiến một cuộc trở về lịch sử: cuộc trở về đất tổ sau gần 800 năm. Ông Lý Xương Căn đã đến trước bàn thờ tổ tiên triều Lý, dâng lên cuốn tộc cổ và truyền đạt lại tâm nguyện của ông tổ dòng họ Lý Hoa Sơn Hàn Quốc một lòng hướng về quê hương.
6 năm sau lần đầu tiên trở về Việt Nam, ông đưa ra quyết định trọng đại với bản thân và gia đình là chuyển hẳn về sinh sống tại Việt Nam. 10 năm sau đó, ông được nhập quốc tịch Việt Nam.
Sau 2 nhiệm kỳ ở vai trò Đại sứ Du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc 2017-2020 và 2021-2024, tháng 7 vừa qua, ông tiếp tục được bổ nhiệm vào vị trí này nhiệm kỳ 2024 - 2029.
Tham dự Hội thảo Quốc tế “Quan hệ bang giao Việt Nam - Hàn Quốc hướng tới hợp tác dài hạn trong bối cảnh Quốc tế từ góc nhìn lịch sử và văn hóa” diễn ra tại Đại học Văn Lang (TP.HCM) hôm 8/11, trong cuộc phỏng vấn với Tri Thức - Znews, ông bày tỏ niềm xúc động khi được đất tổ giang tay đón chào và tạo cơ hội để đóng góp vào sự hợp tác - phát triển của hai đất nước Việt Nam - Hàn Quốc.
Đại sứ Lý Xương Căn (phải) lật giở cuốn sổ lưu giữ những tài liệu ông sưu tầm viết về dòng họ Lý Hoa Sơn Hàn Quốc tại Hội thảo. Ảnh: BTC. |
- 30 năm trôi qua kể từ ngày ông lần đầu đặt chân về với Việt Nam. Nhìn lại chặng đường tìm về cố hương của mình, ông có cảm nghĩ gì?
- Mặc dù biết cội nguồn của mình ở Việt Nam, nhưng đã 800 năm trôi qua, lịch sử dường như đã an bài. Do đó, tôi rất bất ngờ và xúc động khi ngày trở về được cội nguồn giang tay chào đón - một tình cảm ấm áp vô cùng.
Tôi luôn nghĩ bản năng và ý thức tìm về cội nguồn của mình giống như đạo lý “uống nước nhớ nguồn” mà người Việt Nam khắc cốt ghi tâm. Đến nay tôi vẫn thấy vô cùng biết ơn vì đất nước đón tôi trở về, tạo điều kiện cho tôi thực hiện được tâm nguyện của bao thế hệ cha ông là trở về với cố hương. Hơn nữa, tôi rất vui vì được đứng ở vị trí Đại sứ Du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc, thắt chặt mối thâm tình giữa hai đất nước.
- Qua 3 thập kỷ, ông nhận thấy Việt Nam hôm nay đã đổi khác ra sao so với ngày ấy?
- 30 năm qua, Việt Nam đã phát triển ngoạn mục. Tiêu biểu nhất, TP.HCM và Hà Nội - hai trung tâm kinh tế của đất nước - đã trở những thành phố hiện đại, sôi động hơn xưa rất nhiều. Kinh tế, cơ sở hạ tầng, giao thông,… mọi mặt đều thấy Việt Nam đã thay da đổi thịt. Không chỉ vậy, nhiều tỉnh, thành tại Việt Nam thu hút được đầu tư lớn từ nước ngoài, tạo ra môi trường kinh tế nhộn nhịp, cạnh tranh, nhiều tiềm năng và cơ hội.
Nhìn riêng vào lĩnh vực giáo dục, hiện nay Việt Nam đã có nhiều cơ sở đào tạo đại học, viện nghiên cứu… khang trang, được đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất hiện đại. Trường đại học tôi đang đứng hôm nay cũng là một ví dụ minh chứng cho thấy đầu tư của các nguồn lực dành cho phát triển cho giáo dục - đào tạo.
- Ở vai trò Đại sứ Du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc, ông đánh giá ra sao về thành tựu và triển vọng phát triển của du lịch Việt Nam?
- Các năm qua, Việt Nam ngày càng được du khách quốc tế ưa chuộng. Đặc biệt, khách Hàn Quốc lựa chọn du lịch tại Việt Nam liên tục tăng trong nhiều năm.
Những yếu tố về môi trường tự nhiên khiến Việt Nam có lợi thế của một điểm đến thu hút khách du lịch. Hầu khắp tỉnh thành đều có danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử - văn hóa. Thời tiết ở Việt Nam, đặc biệt là miền Nam với khí hậu ấm áp quanh năm, cũng rất phù hợp để đón du khách vào hầu hết mọi thời điểm.
Ẩm thực Việt Nam, và các loại thực vật, cây trái của khí hậu nhiệt đới cũng là một điểm hấp dẫn nữa. Ngoài ra, Việt Nam là một đất nước rất hiếu khách, người dân thân thiện chào đón những người bạn nước ngoài, dẫu khác biệt ngôn ngữ, văn hóa.
Ngày càng nhiều sao Hàn chuộng du lịch Việt Nam. Trong ảnh là nam diễn viên Jung Il Woo (trái) chụp cùng Hoa hậu Việt Nam 2018 Trần Tiểu Vy. Ảnh: Jung Il Woo. |
- Trong nhiệm kỳ Đại sứ Du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc 2024 - 2029 sắp tới, ông có kế hoạch triển khai những hoạt động gì và kỳ vọng ra sao ở du lịch Việt Nam?
- Người Hàn Quốc hiện nay rất ưa chuộng những kỳ nghỉ thanh toán không tiền mặt, giao dịch hoàn toàn qua các nền tảng online. Đặc biệt, mô hình du lịch thông minh, du lịch sinh thái cũng ngày càng được quan tâm.
Theo tôi được biết, đây cũng là xu hướng chung của du lịch trên thế giới. Do đó, tôi nghĩ chuyển đổi kép, bao gồm chuyển đổi số và chuyển đổi xanh sẽ giúp cho ngành du lịch của Việt Nam phát huy được hết tiềm năng của mình và tiến xa hơn nữa trên trường quốc tế.
Du lịch Việt Nam hiện vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển. Tôi kỳ vọng trong nhiệm kỳ sắp tới có thể tiếp tục đóng góp cho kinh tế và văn hoá - du lịch Việt Nam, góp phần gắn kết hơn nữa mối quan hệ hai nước Việt Nam - Hàn Quốc.
- Hàn Quốc luôn có niềm tự hào kỳ tích sông Hàn - giai đoạn phát triển thần tốc đưa đất nước cất cánh về kinh tế. Ông có nhìn thấy tiềm năng Việt Nam cũng sẽ đạt được thành tựu đó?
- Dĩ nhiên rồi. Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với Hàn Quốc và hơn nữa, Việt Nam có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và nguồn nhân lực dồi dào. Người Việt Nam thông minh, cần cù, chịu khó, ý chí kiên trường. Những phẩm chất ấy đã và đang giúp Việt Nam tận dụng được những nguồn lực sẵn có tiến bước trên con đường phát triển. Tôi tin rằng nhiều thành tựu vẫn còn chờ đón chúng ta trong tương lai.
- Làn sóng Hallyu (Hàn lưu) lan rộng trên toàn cầu, đưa văn hóa trên nhiều phương diện từ điện ảnh, âm nhạc đến văn chương, ngôn ngữ… Hàn Quốc đến gần hơn với thế giới. Nhìn từ kinh nghiệm của Hàn Quốc, ông nghĩ Việt Nam có thể làm gì để quảng bá văn hóa đất nước?
- Người Việt Nam rất tôn trọng và giữ gìn bản sắc, truyền thống dân tộc. Nét đẹp văn hóa là sức mạnh mềm tạo nên những giá trị của đất nước và con người Việt Nam.
Đến tham dự hội thảo hôm nay, tôi rất cảm kích với triết lý của Trường Đại học Văn Lang - ngôi trường mang tên nhà nước đầu tiên của Việt Nam: Luôn lấy văn hóa truyền thống của dân tộc làm nền tảng, cố gắng giữ gìn và phát huy giá trị đó, trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội. Văn hóa có thể đóng góp quan trọng và bổ trợ cho phát triển kinh tế nói chung và ngành du lịch nói riêng.
Tuy nhiên, tôi cảm nhận rằng Việt Nam vẫn chưa tận dụng tối đa tiềm lực văn hoá của mình. Trong kỷ nguyên vươn mình mới của đất nước, tôi kỳ vọng được thấy những tinh hoa văn hóa của Việt Nam được bạn bè quốc tế nhìn thấy nhiều hơn nữa.
- Ông có điều gì muốn nhắn nhủ đến thế hệ trẻ, các bạn sinh viên Việt Nam?
- Thanh niên là những chủ nhân tương lai đất nước. Tôi kỳ vọng các bạn hãy luôn hướng về cội nguồn. Việt Nam có một nền văn hóa lâu đời, đậm đà bản sắc. Đó là một niềm tự hào và cũng sẽ là một nguồn lực lớn để chúng ta cất cánh bay cao.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: [email protected]. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.