Chị Phạm Thị Lan (33 tuổi,ợngườiquenpháthiệnkhiđikhámtâmthầnhận định bong đa đã đổi tên) chần chừ đứng trước cổng Bệnh viện TP Thủ Đức (TP.HCM) dù đã đến giờ khám bệnh theo lịch hẹn. Chị vẫn sợ có người quen nhìn thấy mình đi khám rối loạn tâm thần.
Gần 5 tháng qua, chị rơi vào trạng thái bất ổn về cảm xúc và tâm trạng đến mức mất kiểm soát, mất ngủ, dễ kích động. Ban đầu, chị Lan cho rằng áp lực công việc khiến chị mệt mỏi, chán chường. Tuy nhiên, càng ngày, cuộc sống gia đình và công việc càng khiến tâm lý của chị bị ảnh hưởng nặng nề.
Chị mất rất nhiều thời gian để hoàn thành những việc đơn giản nên cảm thấy vô dụng hơn. Chồng con nhận về sự giận dữ vô cớ. Cơ thể chị kiệt sức dù không phải làm việc nặng. Chị ăn uống liên tục để cảm thấy bớt... trống trải.
Bản thân chị Lan từng nghi ngờ mình có dấu hiệu trầm cảm. Tuy nhiên, từ trước đến nay trong mắt gia đình và đồng nghiệp, chị Lan vốn là người vui vẻ, nhiều năng lượng. Chị không muốn bạn bè nghĩ mình yếu đuối hoặc bàn luận sau lưng nên trì hoãn kiểm tra sức khỏe.
Chỉ đến khi cô con gái khóc thét vì mẹ bất ngờ ném vỡ chén ăn cơm trong cơn tức giận vô lý, chị mới nhận ra mình không kiểm soát được tình hình.
“Lần đầu tiên chồng tôi động viên tôi đi khám bệnh sau một thời gian dài chứng kiến những bất ổn. Tôi đến Bệnh viện Tâm thần TP.HCM đăng ký khám nhưng nhìn xung quanh cứ sợ người quen phát hiện nên tôi lại bỏ về. Tôi muốn tìm nơi kín đáo hơn”, chị Lan kể lại.
Sau khi đặt lịch hẹn qua điện thoại, chị đến Khoa Tâm thể, Bệnh viện TP Thủ Đức. Phòng khám chỉ một bệnh nhân và bác sĩ trò chuyện. Bác sĩ đặt nhiều câu hỏi để chị mô tả vấn đề đang gặp phải trong khoảng 20 phút. Kết quả cho thấy, chị Lan bị trầm cảm, cần phải điều trị bằng thuốc và trị liệu tâm lý.
Tuy nhiên, không phải ai cũng vượt qua được cảm giác ngại ngần, sợ kỳ thị để được bác sĩ đánh giá tình trạng rối loạn tâm thần. Chị Trần Thị Thục (45 tuổi, Đồng Nai) tâm sự, do kết hôn muộn nên chị sinh 2 con cách nhau chỉ 2 năm. Cuộc sống gia đình không êm ấm, hầu như chị phải chăm con một mình.
Ngay khi sinh con, người mẹ đã phải đầu bù tóc rối, tay này dỗ đứa lớn, tay kia chăm đứa bé. Thức đêm liên miên khiến chị kiệt sức. Chị Thục từng “điên cuồng” đánh vào mông con đến rát bàn tay mới giật mình nhận ra con đang khóc lặng.
“Giai đoạn đó rất khủng khiếp, tôi nghĩ mình bị trầm cảm sau sinh mà không biết. Giả dụ có biết chăng nữa, tôi cũng chỉ có thể chịu đựng vậy thôi, nếu nói mình bị trầm cảm chắc không ai tin, cũng không biết tìm ai tư vấn. Tôi không nhớ mình đã vượt qua như thế nào, hay vì không còn lựa chọn nào khác nên phải vượt qua”, chị Thục nói.
Chị cũng khẳng định, không ít bạn bè xung quanh đều có những bất ổn về tâm lý sau sinh con. Tuy nhiên, mọi người sẽ đều e ngại và từ chối nếu phải đi khám ở chuyên khoa tâm thần.
Theo Tiến sĩ Cao Hưng Thái, Phó cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, đa số người dân coi rối loạn tâm thần chỉ là tâm thần phân liệt, mà không biết rằng bao gồm cả các vấn đề như trầm cảm, lo âu, rối loạn tâm thần do rượu...
Việc kỳ thị người bệnh mắc rối loạn tâm thần, không chấp nhận các chẩn đoán rối loạn tâm thần dẫn đến chậm trễ trong quá trình chẩn đoán, điều trị, thậm chí tìm đến các phương pháp điều trị cực đoan.
Trong khi đó, hầu hết người dân chưa được nhận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần do dịch vụ này chủ yếu có ở cơ sở chuyên khoa tuyến trung ương và tỉnh. Tuyến cơ sở chủ yếu tập trung quản lý, điều trị tâm thần phân liệt và động kinh. Thống kê cho thấy khoảng 90% người gặp các rối loạn tâm thần chưa được điều trị một cách chính thức. Một số trường hợp được chẩn đoán thành suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh…
Cũng theo ông Thái, dịch vụ sức khỏe tâm thần ở Việt Nam chủ yếu là điều trị bằng thuốc. Trong khi nước ta có khoảng 14 triệu người gặp các rối loạn tâm thần, nhưng chỉ có 143 nhà tâm lý lâm sàng và tâm lý trị liệu.
Dịch vụ tâm lý lâm sàng hiện chưa phải dịch vụ chính thức được bảo hiểm y tế chi trả, do vậy các nhà tâm lý lâm sàng và tâm lý trị liệu chủ yếu được coi là kỹ thuật viên và làm các trắc nghiệm tâm lý, không phải dịch vụ tâm lý lâm sàng thực sự.
Các dịch vụ phục hồi chức năng tâm thần cũng rất hạn chế. Không có dịch vụ sức khỏe tâm thần chính thức cho người dân bị tác động của thiên tai, thảm họa.
Bé lớp 1 nghiện quay Tiktok, gia đình hốt hoảng đưa con đi khám tâm thầnTrẻ ham mê quay video với những nội dung vô nghĩa, bắt chước các trò nhảy nhót thái quá, quên cả việc học. Khi bị cha mẹ nhắc nhở, bé tự nhốt mình trong phòng để tiếp tục quay video.