Hôm nay (10/2),ảngviênTrườngĐHKinhtếquốcdântậphuấndạyhọctrựctuyếdư đoan hơn 25.000 sinh viên của Trường ĐH Kinh tế quốc dân bắt đầu triển khai phương pháp học Blended Learning. Ngồi tại nhà, cả sinh viên và giảng viên đều có thể trao đổi bài học, kiểm tra, đánh giá, thậm chí là điểm danh trực tuyến.
Blended learning là sự kết hợp giữa cách thức học điện tử với các phương pháp lớp học truyền thống và nghiên cứu độc lập. Điều này có nghĩa, sau những giờ học trên lớp, người học có thể tiếp tục với những nội dung học tập trên các website học tập chuyên môn. Giáo viên sẽ đóng vai trò là người giúp đỡ và hướng dẫn học sinh nếu họ cần. Phương pháp này đề cao sự sáng tạo, tự giác bởi người học sẽ tự học nhiều hơn là được giảng dạy kĩ lưỡng như phương pháp giáo dục truyền thống.
Đây là một trong những phương pháp học tập nhờ vào việc sử dụng các thiết bị công nghệ hiện đại, nghiên cứu bởi Đại học Cambridge. Mô hình này được áp dụng ở nhiều quốc gia và tổ chức giáo dục trên thế giới.
Để triển khai thực hiện phương pháp học này, Trường ĐH Kinh tế quốc dân đã đào tạo, tập huấn cho hơn 800 giảng viên về kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin và cách sử dụng phần mềm LMS vào trong việc giảng dạy, quản lý học tập. Tính đến ngày hôm nay, 2/3 lượng giảng viên trong trường đã hoàn thành việc tập huấn và bắt đầu triển khai việc giảng dạy trực tuyến.
TS Lê Việt Thủy, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin (Trường ĐH Kinh tế quốc dân) cho biết, trong thời gian qua, nhà trường đã có định hướng phát triển Trường ĐH Kinh tế quốc dân thành một trường đại học thông minh, trong đó có việc ứng dụng công nghệ thông tin vào trong tổ chức giảng dạy và quản lý học tập. "Nhà trường đã có sẵn máy chủ, đường truyền, các máy thực hành cho giáo viên. Trong giai đoạn này, nhà trường chỉ phải đầu tư cài đặt phần mềm, nâng cấp máy chủ để sinh viên có thể truy cập với lượng 30.000 sinh viên học cùng lúc".
“Theo đúng lịch trình, trong năm học tới nhà trường mới bắt đầu triển khai áp dụng phương pháp đào tạo Blended learning trên toàn trường. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do có dịch virus corona khiến sinh viên phải nghỉ học, nhà trường coi đây là cơ hội để triển khai và áp dụng phương pháp này nhằm giúp sinh viên không cần phải lên lớp vẫn có thể duy trì được việc học tập. Nhà trường quyết định áp dụng phương pháp học tập này đối với toàn bộ các hệ đào tạo đại học và cao học của trường”.
“Tôi nghĩ lợi ích có thể nhìn thấy ngay là khi dịch virus corona chưa có dấu hiệu dừng lại, đây là phương thức giúp giảng viên, sinh viên có thể yên tâm hơn để tiếp tục các bài học đã bắt đầu từ trước Tết và sẵn sàng để ngay sau khi kết thúc kỳ nghỉ sẽ tiếp thu kiến thức nhanh hơn”, TS Thủy cho hay.
Toàn bộ 800 giảng viên của trường sẽ được tập huấn trong 8 buổi, trong đó, mỗi buổi sẽ có khoảng 100 học viên được chia thành 2-3 lớp để thực hành tại chỗ. Tại đây, giảng viên sẽ được hướng dẫn cách thức sử dụng hệ thống. Sau khi đăng nhập vào hệ thống, giảng viên sẽ tạo các lớp học tương ứng với các lớp học trong thời khóa biểu để sinh viên có thể tham gia vào. Đồng thời, giảng viên sẽ tạo các mã khóa lớp học và gửi cho sinh viên qua hệ thống email chung của nhà trường.
Tại lớp học online này, giảng viên có thể đăng tải tài liệu gồm các đề cương bài giảng, video hướng dẫn bài học và các bài tập để sinh viên nghiên cứu. Đồng thời, giảng viên cũng sẽ đăng tải các yêu cầu đối với sinh viên cụ thể theo từng tuần. Việc đánh giá sinh viên có thể được thực hiện thông qua các bài kiểm tra dưới dạng tự luận hoặc trắc nghiệm. Sinh viên cũng có thể sẽ được điểm danh trực tuyến bằng cách tham gia vào các hoạt động giảng viên đề ra.
Theo TS. Thủy, lợi ích giữa việc học thông qua hệ thống trực tuyến so với cách học truyền thống là việc giảng viên, sinh viên đều có thể chủ động trong việc tạo ra nội dung hoặc hoàn thành nghĩa vụ học tập một cách linh hoạt. “Tất nhiên, giảng viên cũng có những khó khăn nhất định như việc tạo video giảng dạy do giảng viên chưa có nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên, trước mắt, tất cả giảng viên đều có sẵn học liệu và có thể đưa lên, yêu cầu sinh viên thực hiện”.
Đối với sinh viên, các em không nhất thiết phải lên lớp đúng giờ như trong thời khóa biểu mà có thể chủ động vào lớp học để hoàn thành theo thời gian phù hợp nhất. Tất nhiên, điều đó không có nghĩa sinh viên có thể kéo dài một bài học quá lâu. Nếu như một bài học bình thường kéo dài trong 3 tiết thì với các bài giảng online, sinh viên có thể xem đi xem lại nhiều lần từ 3-6 tiết.
Đối với việc hoàn thành bài tập, nếu như trên lớp, sinh viên sẽ phải làm ngay bài tập giáo viên giao thì bây giờ, sinh viên có thể lựa chọn thời điểm thích hợp để làm. Tất nhiên, thời lượng làm bài vẫn không thay đổi. Nhiều hoạt động khác giảng viên cũng có thể thực hiện trực tuyến, ví dụ như lấy ý kiến người học, đưa ra diễn đàn để sinh viên thảo luận theo từng chủ đề được cập nhật trên hệ thống,…
Thầy giáo Nguyễn Văn Công (Giảng viên môn Kinh tế Vĩ mô) cho hay, việc giảng dạy trực tuyến không gây quá nhiều khó khăn cho giảng viên bởi các giảng viên trong trường đều đã được tiếp cận nhiều với công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, giảng viên cũng rất thuận lợi khi xây dựng bài giảng tại trường bởi hệ thống công nghệ thông tin sẵn có của nhà trường rất mạnh. “Bắt đầu từ chiều nay, tôi đã có thể đăng tải các bài giảng và bài tập bổ sung trong các lớp học của mình”, thầy Công cho biết.
Tham gia giảng dạy cho hệ đào tạo từ xa theo hình thực đào tạo trực tuyến đã nhiều năm, nhưng giảng viên Trần Thị Thu Hoài cho biết, đây là lớp học đầu tiên cô giảng dạy online cho sinh viên chính quy. “Cách thức này sẽ thay đổi hoàn toàn tư duy và tác động không nhỏ đến thế hệ giảng viên U50 chúng tôi khi sức ỳ đã bắt đầu manh nha. Tiếp cận và ứng dụng công nghệ trong giảng dạy, với các bạn trẻ, đây là điều khá dễ dàng, nhưng với thế hệ U50 chúng tôi, đây là cả vấn đề không nhỏ. Nhưng cuối cùng tôi cũng đã tạo được lớp học trực tuyến đầu tiên. Giờ đây, ngồi nhà tôi cũng có thể nghĩ ra phương thức để làm bài giảng online của mình trở nên thú vị, hấp dẫn hơn”.
Thúy Nga
Không sinh viên, chẳng giảng viên, thỉnh thoảng bóng người lác đác...Những giảng đường đại học sáng thứ Hai đầu tuần nằm vắng lặng.