Sau một tuần im lặng, hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên (KCNA) ngày 11/12 lần đầu tiên công bố bản tin để mô tả về tình hình "bất ổn xã hội" đang gia tăng ở Hàn Quốc do cuộc khủng hoảng thiết quân luật.
Bản tin của KCNAkhông đưa ra nhiều bình luận, nhưng chủ yếu dẫn lại thông tin trên các kênh truyền thông Hàn Quốc và quốc tế, tập trung vào một loạt cuộc tuần hành có sự tham gia của hơn một triệu người kêu gọi luận tội Tổng thống Yoon Suk-yeol.
"Ông Yoon Suk-yeol, người đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về quản trị và luận tội, đã bất ngờ tuyên bố thiết quân luật và chĩa súng vào người dân", KCNAđưa tin.
"Hành động của ông ấy, gợi nhớ đến cuộc đảo chính cách đây nhiều thập niên, đã vấp phải sự lên án mạnh mẽ từ mọi tầng lớp xã hội, bao gồm cả đảng đối lập, và càng làm bùng nổ làn sóng luận tội của công chúng", KCNAbình luận thêm.
Trước đó, ông Lee Jae-myung, lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập Hàn Quốc, bày tỏ lo ngại rằng cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở Hàn Quốc, liên quan đến việc Tổng thống Yoon Suk-yeol ban hành và dỡ bỏ thiết quân luật, có thể khiêu khích Triều Tiên và làm leo thang xung đột trên bán đảo Triều Tiên.
Ông Lee cho rằng, Tổng thống Yoon, trong bối cảnh đối mặt với sự thất bại của các sáng kiến và sự bất mãn ngày càng tăng, có thể đã làm gia tăng căng thẳng dọc theo đường ranh giới với Triều Tiên để đánh lạc hướng sự chú ý của công chúng khỏi các vấn đề trong nước.
"Kịch bản này vô cùng nguy hiểm và có thể trở thành chất xúc tác cho các cuộc đụng độ quân sự", ông Lee cảnh báo.
Vào tối 3/12, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã ban bố tình trạng thiết quân luật, cáo buộc đảng đối lập có động thái có thể có lợi cho Triều Tiên và có các hoạt động chống lại nhà nước.
Tuy nhiên, động thái này ngay lập tức đã vấp phải sự phản đối gay gắt của các nghị sĩ. Quốc hội Hàn Quốc triệu tập cuộc họp khẩn giữa đêm để bỏ phiếu chặn lệnh thiết quân luật của Tổng thống. Do vậy, tình trạng thiết quân luật chỉ kéo dài khoảng 6 giờ đồng hồ.
Phe đối lập tại Hàn Quốc cáo buộc tổng thống cố gắng nắm giữ quyền lực bằng mọi giá, bao gồm việc tạo ra cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên. Phe đối lập cho rằng các hành động khiêu khích chống lại Triều Tiên có thể trở thành một phần trong chiến lược của Tổng thống Yoon nhằm thể hiện lập trường cứng rắn và giành được sự ủng hộ từ phe bảo thủ trong nước.
Mặc dù Triều Tiên không bình luận nhiều về tình hình ở Hàn Quốc, nhưng giới quan sát cho rằng Bình Nhưỡng có thể đang theo dõi những diễn biến ở quốc gia láng giềng, nơi có gần 30.000 quân Mỹ đồn trú và được xem là một thành trì quan trọng của Washington trong khu vực.
Một số chuyên gia cảnh báo kịch bản xảy ra những hành động căng thẳng tiếp theo của Triều Tiên trong bối cảnh Hàn Quốc đối mặt với sự hỗn loạn về chính trị.
Triều Tiên thường chọn những thời điểm chính trị thuận lợi để tiến hành các vụ thử vũ khí lớn. Bình Nhưỡng từng bắn một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới chỉ vài ngày trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng trước.