Kể từ khi nhậm chức tổng thống Mỹ,ìsaoApplesẽkhôngbaogiờlắprápiPhonetạiMỹkết quả truc tuyến ông Donald Trump đã liên tục nói tới kế hoạch chuyển dịch việc sản xuất về Mỹ. Một trong những công ty thường xuyên được Tổng thống Trump nhắc tới là Apple. Thậm chí ông còn hứa hẹn mức thuế ưu đãi nếu như CEO Tim Cook quyết định mở nhà máy lắp ráp tại Mỹ.
Đầu tháng 12, Apple công bố mở thêm một trụ sở tại Austin, Texas. Công ty dự kiến trụ sở mới sẽ đóng góp thêm 15.000 việc làm, nhưng không có công việc lắp ráp. Theo New York Times, Apple và cố CEO Steve Jobs từng rất nỗ lực để vận hành nhà máy tại Mỹ, nhưng không thành.
Năm 1988, chuyên gia về tự động hóa văn phòng Jean-Louis Gassée tới Mỹ để tham quan nhà máy “tự động hóa cao” lắp ráp máy tính Macintosh của Apple tại Fremont, California. Khi đó ông vừa được bổ nhiệm cho vị trí phụ trách sản xuất, lắp ráp tại Apple.
Nhà máy lắp ráp máy tính Macintosh của Apple tại California chỉ tồn tại 8 năm. Ảnh: New York Times. |
Để bắt đầu, ông Gassée quyết định dành 2 ngày để trải nghiệm thực tế việc lắp ráp một chiếc máy tính Macintosh trong nhà máy của Apple. Những gì ông cảm nhận được chính là lý do dẫn tới dòng chữ “Thiết kế bởi Apple tại California, lắp ráp tại Trung Quốc” mà chúng ta thấy trên hộp iPhone ngày nay.
Theo New York Times, nhà đồng sáng lập Steve Jobs luôn ngưỡng mộ Henry Ford và công ty xe hơi Ford, với dây chuyền sản xuất, lắp ráp đặt tại Detroit. Ông cũng đánh giá cao những công ty Nhật Bản như Sony ở khả năng sản xuất nội địa các sản phẩm chất lượng cao. Tuy nhiên, nỗ lực xây dựng một nhà máy lắp ráp tại Mỹ của Steve Jobs đã không thể thành hiện thực.
Năm 1983, ông Jobs là người đặt nền móng cho một nhà máy cực kỳ hiện đại để lắp ráp máy tính Mactintosh, ngay gần khu vực vịnh San Francisco, đại bản doanh của Apple. Những phóng viên tới thăm nhà máy khi đó kể lại rằng nhà máy hiện đại tới nỗi chi phí sản xuất chiếm tới 2% chi phí của mỗi chiếc Macintosh.
“Steve thực sự rất ấn tượng trước dây chuyền sản xuất của người Nhật. Người Nhật là những bậc thầy về sản xuất. Mấu chốt ở đấy là tạo ra được một dây chuyền có thể giao sản phẩm đúng lúc (just-in-time), và không có sai sót”, Randy Battat, một kỹ sư làm việc lâu năm tại Apple kể lại.
Dù vậy, khi ông Gassée tới thăm nhà máy của Apple, vài năm sau khi ông Jobs bị đẩy khỏi vị trí lãnh đạo, thực tế hiện ra rất phũ phàng.
“Tôi tự thấy xấu hổ về khả năng của mình khi phải gắn chiếc màn hình vào khung máy tính với bộ tua vít”, ông Gassée kể lại trong một bài phỏng vấn. Vào cuối ca làm việc, ông đã phải lấy chổi và hốt tất cả những linh kiện mình đánh rơi ra.
“Tại đây không tồn tại một nét văn hóa cho sản xuất. Chúng ta không có nguyên vật liệu, không có trường lớp, không có công nhân, cũng không có nhà thầu”, ông Gassée chia sẻ.
Đến năm 1992, nhà máy Macintosh phải đóng cửa. Một trong những nguyên nhân khiến Apple không thể tiếp tục duy trì nhà máy là sản lượng máy tính Macintosh chưa bao giờ đủ lớn để bù đắp cho chi phí. Phải đến mãi về sau, máy Mac mới thực sự bán tốt.
Sau nhà máy của Apple, Steve Jobs còn cho xây dựng một nhà máy khác ở công ty mới của ông, NeXT. Tuy nhiên nhà máy này cũng không tồn tại được lâu. Ảnh: New York Times. |
Dù vậy, đây vẫn chưa phải là nỗ lực cuối cùng của Steve Jobs để sản xuất thiết bị tại Mỹ. Năm 1990, Jobs khi đó là CEO của NeXT đã cho khởi công xây dựng một nhà máy lắp ráp máy tính có chi phí đầu tư 10 triệu USD. Cũng giống như nhà máy sản xuất Macintosh, nhà máy của NeXT không có đủ nhu cầu sản xuất để đáp ứng chi phí.
Sau thất bại với NeXT, Steve Jobs mới thực sự tỉnh ngộ. Năm 1997, ông được mời trở lại Apple, và chỉ 1 năm sau ông đã tuyển dụng Tim Cook làm phó chủ tịch phụ trách các hoạt động quốc tế. Tim Cook lúc đó được biết đến là một chuyên gia về chuỗi cung ứng toàn cầu, đóng vai trò quan trọng ở khâu sản xuất của các công ty như IBM và Compaq.
Apple, giống như nhiều công ty khác ở Thung lũng Silicon, đã thuê đối tác sản xuất từ sớm. Những công ty tại đây đã bắt đầu chuyển dịch sản xuất sang châu Á từ những năm 1970. Apple càng lớn mạnh, việc sản xuất càng được đẩy mạnh ra nước ngoài.
“Khi tôi bắt đầu sự nghiệp, tôi thường xuyên bay tới Nhật. Về sau, tôi hay đi công tác ở Hàn Quốc, rồi Đài Loan, rồi Trung Quốc”, Tony Fadell, một trong những kỹ sư chính thiết kế phần cứng cho iPod, iPhone kể lại.
Hiện nay, vẫn còn nhiều công ty sản xuất tại Thung lũng Silicon, nhưng chủ yếu sản xuất các loại thiết bị mẫu, thiết bị đặc biệt. Những trung tâm sản xuất lớn hầu hết đều nằm ở châu Á. Tại Trung Quốc, một nhà máy sản xuất iPhone có thể có tới 450.000 công nhân.
“Bạn không thể mang công việc sản xuất trở lại nước Mỹ. Để làm vậy, bạn phải mang cả mạng lưới những nhà cung cấp, là cả một cộng đồng, quay lại đây”, Andrew Hargadon, một nhà thiết kế sản phẩm từng lại việc tại Apple cho biết.
Trụ sở Apple tại Cupertino, California vào năm 1980. Ảnh: New York Times. |
Khi bệnh của Steve Jobs nặng hơn, khiến ông phải ngừng làm việc vào năm 2009, ông đã lựa chọn Tim Cook làm người thay thế cho vị trí Tổng giám đốc trong tương lai. Đây chính là một lời tuyên bố về tương lai của Thung lũng Silicon và ngành công nghệ. Giấc mơ sản xuất quy mô lớn tại California đã chấm dứt.
Dù vậy, giá trị của trung tâm đầu não công nghệ này không dừng lại ở việc sản xuất. Mặc dù không còn nhiều công việc sản xuất, Thung lũng Silicon vẫn là khu vực đi đầu về các công nghệ, thiết kế phần cứng lẫn phần mềm. Những “công nhân” công nghệ hiện đại có thể sở hữu những chiếc xe Tesla có giá tới 100.000 USD, và chịu được cuộc sống đắt đỏ tại Fremont, nơi từng đặt nhà máy sản xuất Macintosh của Apple.
Bà AnnaLee Saxenian, tác giả của cuốn sách “Regional Advantage”, phân tích về thành công của Silicon Valley cho biết.
“Khi tôi bắt đầu nghiên cứu, tôi đã tìm hiểu những công ty sản xuất chip, lúc đó đang chuyển dần những công việc sản xuất tới những khu vực khác của Mỹ. Những vị lãnh đạo của các công ty này cho rằng Thung lũng Silicon sẽ sớm biến mất bởi khu vực đó quá đắt đỏ. Tôi viết sách vì cho rằng đây là một trường hợp hoàn toàn khác”.