“Hoạt động công đoàn phải bắt đầu từ bữa cơm công nhân ngon hơn,ếtchếđạidiệntrongquanhệlaođộngPhảiđápứngnhucầucủacôngnhâkq arsenal đầy đủ chất hơn. Công đoàn phải hoạt động theo cơ chế chủ động, đi sâu vào thực chất, đáp ứng yêu cầu của người lao động (NLĐ) để làm nên sức mạnh tập thể”- đây chính là vấn đề được các cán bộ công đoàn (CBCĐ) đặt ra tại buổi tọa đàm về thiết chế đại diện trong quan hệ lao động ở Việt Nam do Liên đoàn Lao động tỉnh và Viện Công nhân và Công đoàn vừa phối hợp tổ chức.
Ông Nguyễn Minh Hoàng, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Shyang Hung Cheng đề cập đến thực trạng đời sống công nhân tại buổi tọa đàm. Ảnh: T.THẢO
Khi CBCĐ chưa hài lòng
Vấn đề được nhiều CBCĐ nêu lên trong tọa đàm là: “Bạn có hài lòng với hoạt động công đoàn tại đơn vị mình thời gian qua?”. Nhiều CBCĐ thẳng thắn cho rằng, dù hết sức cố gắng nhưng CBCĐ vẫn chưa hài lòng với hoạt động công đoàn ở cấp mình. Những hoạt động hấp dẫn, bổ ích dành cho công nhân lao động (CNLĐ) còn khá khiêm tốn. Hoạt động công đoàn hiện chỉ bảo đảm chức năng đại diện bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho NLĐ tại doanh nghiệp và dừng lại ở một số hoạt động phong trào bề nổi hay thăm hỏi khi NLĐ ốm đau, hiếu hỉ…; chưa đi sâu vào giáo dục đội ngũ CNLĐ có bản lĩnh chính trị vững vàng; chưa hình thành nên sức mạnh tập thể từ đội ngũ CNLĐ…
Nhìn thẳng vào thực tế, ông Tô Ngọc Vân, Phó Chủ tịch Công đoàn Các khu công nghiệp Bình Dương (CĐCKCNBD) chia sẻ: “15 năm tôi gắn bó với CĐCKCNBD, qua mỗi năm, dù rất cố gắng nhưng chúng tôi vẫn chưa hài lòng với những gì mình đã làm được. Chúng tôi tổ chức Ngày hội đoàn viên thu hút hàng ngàn người tham gia. Nhưng con số này có thấm gì so với con số 150.000 lao động chúng tôi đang quản lý. Hơn thế nữa, chúng tôi cũng còn phải chạy theo chỉ tiêu phát triển công đoàn cơ sở, đoàn viên… khó chủ động trong hoạt động”.
Nhiều CBCĐ cũng cho rằng, công đoàn sẽ không mạnh khi chưa đáp ứng được những yêu cầu bức thiết của NLĐ. Chia sẻ quan điểm này, ông Nguyễn Minh Hoàng, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Shyang Hung Cheng, nói: “Những người làm công đoàn cũng cần phải suy nghĩ khi giai cấp công nhân - một lực lượng đóng góp lớn đang tạo ra vật chất cho xã hội, phát triển kinh tế đất nước vẫn đang loay xoay với mức lương tối thiểu vùng. Đồng lương của CNLĐ hiện nay nếu chắt chiu lắm chỉ đủ sống mà chưa thể tích góp. Nhiều công nhân làm việc từ 5 năm đến 10 năm mà vẫn phải ở nhà trọ, vẫn loay hoay với bài toán cơm áo gạo tiền”.
Để công đoàn vững mạnh
Làm sao để công đoàn thật sự mạnh, thu hút đông đảo CNLĐ tham gia cũng là vấn đề mà các đại biểu tham dự hội thảo đặc biệt quan tâm. Ông Tô Ngọc Vân, Phó Chủ tịch CĐCKCNBD chia sẻ: “Để công đoàn thật sự hiệu quả phải có được sự chủ động. Hoạt động công đoàn phải bắt đầu từ cái nhỏ nhất nhưng thiết thực. Đó có khi đơn giản chỉ là làm sao để bữa cơm công nhân ngon hơn, đầy đủ chất hơn. Hoạt động phong trào phải phù hợp với đông đảo CNLĐ và có sức lan tỏa. Bởi thực tế hiện nay, hoạt động phong trào chỉ mới đáp ứng cho một số lượng nhỏ người”. Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Đức Độ, đại diện Công ty TNHH Điện tử Foster Việt Nam cho rằng: “Hoạt động công đoàn phải đáp ứng nhu cầu của NLĐ thì mới thu hút NLĐ tham gia”.
Một rào cản của hoạt động công đoàn hiện nay chính là một bộ phận không nhỏ CBCĐ chưa thực sự gắn bó và tâm huyết với công tác công đoàn. Ngoài việc phụ trách các hoạt động công đoàn, CBCĐ còn phải gánh thêm trách nhiệm khác, có khi lại rơi vào tình cảnh “trên đe dưới búa”. Trong khi đó, do cơ chế, do quy định nên hoạt động công đoàn tại các công đoàn cơ sở hiện nay cũng bị hạn chế về kinh phí, thời gian… Chính những yếu tố này đã ảnh hưởng đến nhiệt huyết của những CBCĐ.
Tại buổi hội thảo, Phó giáo sư, Tiến sĩ Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn đánh giá cao các ý kiến thẳng thắn, tâm huyết của các CBCĐ. Ông cho rằng, hoạt động công đoàn ở Việt Nam hiện nay đang gặp những rào cản không nhỏ, khó phát triển. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động. Phải có cơ chế, hoạt động tốt để NLĐ tin tưởng vào tổ chức công đoàn chính thống. CBCĐ phải là những thủ lĩnh công nhân, chứ không phải hoạt động theo kiểu công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp về”. Và điều quan trọng nhất là tổ chức công đoàn cần phải lắng nghe CNLĐ nói, xem họ cần gì, muốn gì để đáp ứng cái họ cần, chứ không phải đem cho họ cái mình muốn…
THU THẢO