Một số công nhân nước ngoài bất hợp pháp ở Singapore không có giấy phép lao động, một số có giấy phép giả. Hiện, một chợ đen dường như đã xuất hiện, chuyên buôn bán thẻ làm việc thật, vốn được đánh cắp hoặc mua từ những người có thẻ thật sự.
Theo một số nguồn tin, không ít công nhân đã tiết lộ việc họ mua giấy phép lao động bất hợp pháp với giá 500 USD từ những kẻ môi giới ở khu Tiểu Ấn, nơi lui tới thường xuyên của các công nhân ngoại quốc ở Singapore.
Ông A K M Mohsin, biên tập viên báo Banglar Kantha đã vạch rõ chân tướng của mưu đồ bất lương này. Kế hoạch xấu được tiến hành như sau: Một kẻ môi giới tiếp cận các công nhân đang muốn có thêm thu nhập tại các ga tàu điện ngầm, chào mời công việc và hỏi xem giấy phép làm việc của họ rồi yêu cầu phải có một bản copy. Tuy nhiên, một khi đã cầm thẻ làm việc của họ trong tay, nhân vật này biến mất cùng số giấy tờ.
Ông Mohsin nói: "Các lao động này sau đó báo cảnh sát, nói đã mất thẻ làm việc và cần nộp đơn xin thẻ mới. Các công nhân này sợ bị sa thải nếu chủ lao động biết họ tìm việc làm thêm".
Một số công nhân khác bị mất thẻ làm việc, các tổ chức phi chính phủ chuyên giúp đỡ lao động nước ngoài tại Singapore như Home và TWC2 cho biết. Ông Jolovan Wham, giám đốc điều hành của Home nói, một số lao động để toàn bộ giấy tờ trong ví và bị đánh cắp vào ngày nghỉ. Ông John Gee, giám đốc TWC2 nói, các vụ trộm cắp thẻ làm việc xảy ra khi các công nhân ngủ trong phòng. "Giấy phép làm việc là một tài sản quý giá. Điều kiện sống của các công nhân khiến họ khó giữ tài sản an toàn".
Theo ông Gee, không có nhiều trường hợp người nước ngoài mua thẻ làm việc bất hợp pháp nhưng dường như những người đã mua thường tìm được việc. Những việc này diễn ra bất chấp sự thật rằng giấy phép làm việc mà một số người nước ngoài mua được có ảnh và nhận dạng của người khác.
Tuy nhiên, tại sao những lao động bất hợp pháp này lại được thuê.
Rất đơn giản. Các chủ lao động cần họ.
Thân phận kẻ giả danh
Ông Ronnie Toh, chủ công ty cung cấp lao động A.C Toh Enterprises nói: "Một số chủ lao động cần người làm việc, còn người lao động lại cần thu nhập. Do đó, đây là tình huống hai bên cùng có lợi".
Theo ông Toh, các chủ sử dụng lao động, vốn cần người nước ngoài có giấy phép làm việc, cho dù đó không phải là thẻ của người đó, có lẽ không hiểu biết nhiều về luật. "Những người chủ đó nghĩ rằng vì lao động đó có giấy phép nên thuê như vậy sẽ ít nghiêm trọng hơn là thuê người có thẻ làm việc giả hoặc không có thẻ làm việc. Tuy nhiên, hành động đó cũng không đúng đắn vì giấy phép làm việc đó không thuộc về những lao động được thuê".
Theo quy định, chủ lao động phải là người nộp đơn xin giấy phép làm việc cho nhân công của mình. Theo luật sử dụng lao động nước ngoài, bất cứ ai cho hoặc bán giấy phép làm việc hoặc sử dụng bất cứ loại giấy tờ tương tự nào được cấp cho người khác sẽ phải chịu phạt lên tới 15.000 USD hoặc bị bỏ tù tới 12 tháng hoặc bị phạt cả hai hình phạt trên.
Hossain Jitumunshi, 25 tuổi, người Bangladesh cho biết đã mua giấy phép làm việc của một người khác. Hossain Jitumunshi đã cho phóng viên xem thẻ làm việc đề tên Muhammad Jewel Mosarof Hossain, 30 tuổi, một người mà anh ta đang đội lốt. "Tôi mất hộ chiếu hồi tháng 6 và đây là nhận dạng duy nhất mà tôi có".
Hossain nói, đã mua thẻ làm việc từ một người môi giới ở khu Tiểu Ấn hồi tháng 3, một ngày sau khi tới Singapore bằng thẻ đi lại, với giá 600 USD, trả bằng tiền mặt. Với thẻ này, Hossain tìm được việc ở một công ty sửa chữa như một công nhân không giấy tờ tùy thân.
Tuy nhiên, sau khi một chân bị đè bẹp trong một tai nạn cách đây 3 tuần, Hossain được đưa vào viện đa khoa Singapore và cảnh sát được triệu tới. Hossain bắt đầu bị cảnh sát điều tra. Khi phóng viên tới thăm, anh chàng thú nhận đã ở quá thời hạn cho phép. Hossain nói muốn làm việc ở Singapore để giúp vợ và hai con tại quê nhà và việc đến Singapore bằng visa du lịch rẻ hơn nhiều so với việc có được tấm thẻ làm việc. Theo Hossain, để có thẻ làm việc, từ nhà người này sẽ phải trả cho môi giới tới 8.000 USD.
Kiểm tra thông tin với ba lao động khác cũng tới từ Bangladesh có thể thấy, con số trên là số tiền mà các nhà môi giới buộc lao động phải trả.
Luôn nơm nớp lo bị bắt
Hossain cho hay, chủ của anh ta tại công ty sửa chữa biết thân phận nhưng không ngại thuê người ở quá thời gian cho phép. Hossain nói, không biết tên chủ lao động, tên công ty cũng như thông tin về những đồng nghiệp khác.
"Mỗi buổi sáng, tôi tới chỗ xe đón và rồi đi làm. Tôi luôn lo sợ mình sẽ bị bắt. Ông chủ cảnh báo tôi rằng bất kể lúc nào nhà chức trách tới kiểm tra thì tôi nên tránh mặt. Nếu phải thử dấu vân tay, tôi biết chắc mình sẽ không qua được".
Khi Hossain gặp nạn cách đây 3 tuần, người đàn ông này bị một bức tường lớn đè vào chân. Hiện giờ, Hossain lo chủ lao động sẽ không thanh toán viện phí cho mình. Hossain đã phẫu thuật hai lần và chuẩn bị bước vào ca thứ 3.
(责任编辑:Cúp C2)