Từ tháng tư đến nay, hơn 20 người đã bỏ mạng dưới tay những đám đông cuồng nộ ở Ấn Độ, sau khi những tin đồn về bắt cóc trẻ em lan đi chóng mặt thông qua ứng dụng WhatsApp. |
Một trong những nạn nhân đầu tiên là một phụ nữ 65 tuổi tên là Rukmani. |
Bà cùng với bốn thành viên khác trong gia đình đang lái xe đến ngôi đền ở một tỉnh phía nam của Tamil Nadu vào tháng 5. Một đám đông trên đường tưởng nhầm họ là “mẹ mìn” và tấn công họ. |
Phóng viên của The New York Times tìm đến ngôi làng mà Rukmani bị tấn công để tìm hiểu xem WhatsApp và chính quyền địa phương đã vật lộn thế nào để ngăn chặn những thông tin sai trái. Những thông tin đã truyền đi khắp Ấn Độ trong hàng tháng trời và dẫn đến hàng chục vụ sát hại. |
WhatsApp, ứng dụng thuộc sở hữu của Facebook, hiện có 1/4 tỷ người dùng tại Ấn Độ. Một vài mẩu tin sai (false news) trên ứng dụng này miêu tả các nhóm bắt cóc trẻ em đang trên đường “săn mồi”. Ngoài ra, ứng dụng này còn lan truyền các video ghi lại cảnh những người bất ngờ kéo trẻ em lên xe máy và phóng đi mất. |
Đoạn clip này được lan truyền khắp nơi. Thực chất, nó nằm trong một thông báo liên quan đến dịch vụ công ở Pakistan, nhưng được chỉnh sửa để trông giống như một vụ bắt cóc thật. Chính quyền không biết ai đã xử lý đoạn clip. |
Thông tin sai, tin giả đã tràn ngập trên các mạng xã hội trong những năm gần đây, gây nên bạo động từ Brazil cho đến Sri Lanka. Vụ việc lần này ở Ấn Độ nhắm đến một nỗi sợ phổ biến: trẻ em gặp nguy hiểm. Và hàng triệu người Ấn Độ, với nhận thức kém và sự hồ hởi khi mới tiếp cận Internet, hoàn toàn tin tưởng vào những gì họ nhìn thấy trên chiếc smartphone của mình. |
Venkatesan là anh chồng của Rukmani, nạn nhân xấu số. Ông cũng cùng ở trên xe với bà lúc vụ tấn công xảy ra và bị thương. Ông kể lại với The New York Times vềvụ ẩu đả. |
Khi gia đình Rukmani đến gần ngôi đền, họ dừng lại để hỏi đường. Một bà lão gần đó bắt đầu nghi ngờ và báo cho con trai. Anh ta hô hoán báo động. |
Venkatesan và mọi người lo lắng và quyết định quay lại. Nhưng vừa lúc họ đến được ngôi làng khác thì đám đông đã chờ sẵn ở đó. |
Họ bị lột trần và bị đánh. Bằng dây sắt, cây gỗ, bằng tay và chân. Sau khi bị đánh, Rukmani lịm đi và chết. |
Những người khác bị bỏ mặc. Chiếc xe màu đỏ của các nạn nhân bị đập nát. Đồ đạc của họ bị cướp sạch. Người giữ chức vụ cao nhất của vùng đó nói rằng cảnh sát đã đi khắp nơi từ vài tuần trước để cảnh báo người dân không tin vào những tin đồn bắt cóc. Nhưng so với sức lan toả của WhatsApp thì nỗ lực của họ chẳng có ích gì. “Chúng tôi không thể đấu lại”, ông nói. |
Thiết kế của WhatsApp khiến cho việc lan truyền tin giả trở nên rất dễ dàng. Nhiều tin nhắn được chia sẻ trong các nhóm, và khi thông tin được chuyển tiếp (forward) thì không thể biết được nguồn gốc của chúng là từ đâu. Trong vụ việc tại Ấn Độ, các cảnh báo về bắt cóc thường do bạn bè và gia đình gửi cho nhau. WhatsApp nói họ kinh ngạc về vụ giết người này. |
Tuần trước, WhatsApp bắt đầu có chức năng dán nhãn lên các tin nhắn được chuyển tiếp để nhận diện chúng. Họ đăng quảng cáo trên báo để giáo dục người dùng về thông tin sai và cam kết phối hợp chặt chẽ với cảnh sát và các nhóm kiểm định thông tin độc lập. |
Giới chức khắp Ấn Độ nỗ lực ngăn chặn các vụ tấn công. Ngoài cảnh báo người dùng về tin giả, họ bắt giữ một số người lan truyền các thông tin vô căn cứ này. Ở vài nơi, họ ngắt Internet. Vào đầu tuần này, Tối cao Pháp viện kêu gọi chính phủ sử dụng “bàn tay sắt” để chống lại bạo loạn. |
Cảnh sát đã bắt giữ 46 người trong vụ tấn công Rukmani và gia đình bà. 74 người khác đang bị truy nã. |
Venkatesan, 52 tuổi, sống ở nhà của Rukmani từ năm 15 tuổi, vẫn không hiểu tại sao họ bị tấn công. "Họ chỉ muốn giết chúng tôi," anh nói. |
Gajendran, con rể của Rukmani, bị thương nặng trong vụ tấn công. Ông đã bị hôn mê trong nhiều tuần và vẫn còn trong bệnh viện. |
Mặc dù vậy, các vụ nổi loạn vẫn diễn ra. Gần đây nhất, một kĩ sư phần mềm đã bị giết và ba người đi cùng bị thương, sau khi họ cho vài đứa trẻ ăn sô cô la bên ngoài một ngôi trường, hồi tuần trước. |
(责任编辑:Thể thao)