Mới đây, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã chứng khoán: HVN) công bố báo cáo tài chính bán niên được kiểm toán bởi KPMG. Trong đó, doanh thu thuần đạt 52.561 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức 52.594 tỷ đồng trong báo cáo tự lập trước đó.
Lợi nhuận sau thuế hợp nhất cũng đạt gần 5.402 tỷ đồng, giảm 74 tỷ so với mức 5.476 tỷ trên báo cáo tự lập. Cùng kỳ năm ngoái, hãng báo lỗ 1.386 tỷ đồng.
Theo giải trình từ phía Vietnam Airlines, lợi nhuận sau thuế tăng mạnh trong 6 tháng qua chủ yếu là do tổng doanh thu và thu nhập khác của công ty mẹ tăng hơn 8.368 tỷ đồng, tương ứng tăng 25% so với cùng kỳ.
Đà tăng này chủ yếu đến từ doanh thu cung cấp dịch vụ tăng và hãng đã khôi phục lại toàn bộ mạng bay nội địa, hầu hết các đường bay quốc tế đã được khai thác cũng như mở thêm các đường bay mới.
Bên cạnh đó, tổng chi phí công ty mẹ tăng 5.924 tỷ đồng, tương ứng tăng 17,1% so với cùng kỳ. Trong đó, chi phí giá vốn và chi phí tài chính tăng mạnh do ảnh hưởng của tỷ giá và lãi suất.
Trong 6 tháng năm nay, lãi gộp về cung cấp dịch vụ của công ty mẹ đạt hơn 5.347 tỷ đồng, lỗ sau thuế giảm hơn 2.442 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả kinh doanh của Vietnam Airlines tăng mạnh so với số lỗ cùng kỳ năm trước chủ yếu do công ty mẹ và các công ty con đều kinh doanh có lãi. Trong 6 tháng năm nay, tổng công ty ghi nhận thu nhập khác hợp nhất tăng mạnh do Pacific Airlines được đối tác xóa nợ theo thỏa thuận trả máy bay.
Giải trình biện pháp, lộ trình khắc phục tình trạng cổ phiếu HVN bị kiểm soát, Vietnam Airlines cho biết đã hoàn thành Đề án cơ cấu lại tổng công ty giai đoạn 2021-2025 và đã báo cáo cổ đông và cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt.
Tại đề án, trong năm 2024-2025, Vietnam Airlines sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục tình trạng âm vốn chủ sở hữu hợp nhất như thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng cường thích nghi và kinh doanh có lãi; tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền.
Tuy nhiên, tại báo cáo, đơn vị kiểm toán KPMG nêu một trong các vấn đề nhấn mạnh là tại ngày 30/6, nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền là 40.787 tỷ đồng, khoản phải trả đã quá hạn là 13.351 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm 11.633 tỷ đồng.
Như vậy, khả năng hoạt động liên tục của tổng công ty và các công ty con sẽ phụ thuộc chủ yếu vào việc được gia hạn thanh toán các khoản vay từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng và các khoản phải trả cho nhà cung cấp và bên cho thuê, cũng như khả năng thành công của đề án tái cơ cấu hiện đang được các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.