Tại buổi làm việc, Hiệu trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết chiến lược của nhà trường là theo đuổi Đề án thí điểm Trường ĐH Nguyễn Tất Thành phát triển theo mô hình đại học trọng điểm.
Theo ông Hùng, hiện nay Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có hơn 18.000 sinh viên và hơn 1.200 giảng viên. Mục tiêu của trường đến năm 2020 sẽ trở thành đại học ứng dụng, đa ngành, đa lĩnh vực, đa bậc học, nằm trong 20 trường đại học hàng đầu Việt Nam.
Lãnh đạo nhà trường đã đưa ra 4 kiến nghị với Bộ GD-ĐT.
Thứ nhất là ủng hộ đề xuất của trường được thí điểm trở thành trường đại học tư thục trọng điểm đầu tiên.
Thứ hai là hỗ trợ trường được tiếp cận với các khoản vốn vay ưu đãi từ các nguồn quốc tế như WB và chính phủ thông qua các tổ chức tín dụng cho vay với lãi suất ưu đãi, theo chương trình kích cầu, thời hạn cho vay kéo dài từ 20 đến 30 năm. Dự án của trường tại khu Công nghệ cao TP.HCM dự toán đầu tư 2.600 tỷ, hiện nhà trường đãcó 600 tỷ, cần vay 2.000 tỷ.
Thứ ba là Bộ đồng ý về chủ trương cho phép trường được làm các thủ tục cần thiết, thay đổi công năng sử dụng các diện thích đất khu Công nghệ cao TP.HCM cấp, để mời các trường đại học thế giới có uy tín đến mở trường.
Và kiến nghị thứ tư của trường là ủng hộ đề án của trường được thí điểm mô hình đào tạo cao đẳng thực hành theo mô hình 9+5 (đào tạo cao đẳng trong thời gian 5 năm với đốitượng tuyển sinh là học sinh tốt nghiệp lớp 9 trung học cơ sở).
Trước những đề nghị này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành trong thời gian qua đã có những hoạt động rõ nét.
“Việc thành công khi trường nâng cấp từ trung cấp lên cao đẳng rồi lên đại học có thể có hai nguyên nhân khiến trường đi lên "bằng phẳng" là lãnh đạo có tâm và cách nhìn nhận, giải pháp tập trung vào chất lượng”– ông Nhạ nhận định.
Bộ trưởng Nhạ cho biết ông sẽ không bình luận về kiến nghị thứ tư vì hiện tại trách nhiệm đào tạo nghềnghiệp đã thuộc về Bộ Lao động Thương bình và Xã hội.
Với ba đề nghị còn lại, ông Nhạ đề nghị trường cân nhắc kĩ.
“Việc trở thành trường trọng điểm ngoài công lập, trường phải hiểu thế nào là trọng điểm. Nếu làm chủ quan hoặc đặt một đề án quá cao sẽ khó thực hiện”.
Ông Nhạ cũng đề nghị Trường ĐH Nguyễn Tất thành xem xét vị trí của trường đang ở đâu để có kế hoạch, sứ mệnh phải cụ thể chứ không nói chung chung.
“Nhà trường nên chọn một số ngành mũi nhọn để tập trung đào tạo, trong đó nên tập trung đào tạo ngoại ngữ chứ không nên đi vào những đầu tư quá lớn".
Trường đại học phải đào tạo ra những kĩ sư, cử nhân giỏi, chứ không nhất thiết phải là thạc sĩ, tiến sĩ” - ông Nhạ lưu ý.
“Nhìn vào cơ cấu thống kê về mặt số liệu, trường có đội ngũ giáo sư, tiến sĩ không ít, nhưng tỷ trọng trên tổng số giảng viên 7%là rất ít. Trong khi toàn ngành là 17%. Các trường trọng điểm có trên 50%, thậm chí có trường lên tới 80%”
Với đề nghị thứ hai và thứ ba, ông Nhạ cho rằng việc xây dựng cơ sở vật chất có thể huy động từ nhiều nguồn, trong đó có nguồn xã hội hóa. Chính phủ và Bộ GD-ĐT luôn ủng hộ và sẵn sàng các cơ chế hỗ trợ trường.
Lê Huyền