Khổ như công nhân nhà máy iPhone Ấn Độ Cơm có giòi, chuột trong bếp, WC mất nước_cúp c1 các đội
Sau khi hơn 250 công nhân ngộ độc thực phẩm, nhà máy iPhone tại Sriperumbudur, Ấn Độ - nơi có 17.000 lao động đang làm việc – đã phải đóng cửa do biểu tình. Reuters vừa có bài viết vạch trần điều kiện sống và làm việc khốn khổ tại nơi này. Đáng chú ý, đây đang là thời điểm Apple tăng tốc sản xuất iPhone 13 và cổ đông công ty gây áp lực để minh bạch hơn về tình trạng của các nhà cung ứng.
Reuters phỏng vấn 6 phụ nữ làm tại nhà máy nói trên. 5 người cho biết họ phải ngủ trên sàn nhà, mỗi phòng từ 6 đến 30 người. 2 người tiết lộ toilet nơi họ sống không có nước. Những người ở đây luôn bị ốm hay gặp các vấn đề khác như dị ứng da, đau ngực, ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, các vụ ngộ độc trước đó chỉ có 1 hoặc 2 nạn nhân. “Chúng tôi không làm to chuyện vì nghĩ nó sẽ được giải quyết. Song, nó đã ảnh hưởng tới quá nhiều người”, một nữ công nhân 21 tuổi chia sẻ.
Theo Apple và Foxconn, một số ký túc và phòng ăn trong nhà máy không đáp ứng tiêu chuẩn. Cơ sở đang bị đóng cửa để điều tra. “Táo khuyết” khẳng định sẽ làm việc với đối tác để bảo đảm sớm thi hành các biện pháp chấn chỉnh cần thiết trước khi mở trở lại. Chưa rõ khi nào nhà máy mới có thể mở cửa.
Luật quản lý nhà ở cho lao động nữ tại tiểu bang Tamil Nadu yêu cầu mỗi người phải có không gian sống ít nhất 11m2, nhà phải tuân thủ quy định về vệ sinh, an toàn cháy nổ của địa phương. Các thanh tra vệ sinh thực phẩm đã đến nhà trọ và kiểm tra bếp ăn, phát hiện chuột, mất nước, còn mẫu thức ăn không đạt yêu cầu.
Hiện tại, ít nhất 4 cơ quan chức năng của Tamil Nadu đang điều tra nhà máy sau vụ ngộ độc và biểu tình. Ông Thangam Thennarasu, Bộ trưởng Công nghiệp của tiểu bang, cho rằng đây là trách nhiệm của Foxconn. Foxconn mở nhà máy này từ năm 2019 với cam kết tạo ra tối đa 25.000 việc làm. Sriperumbudur là khu công nghiệp đông đúc với các nhà máy sản xuất sản phẩm cho Samsung và Daimler.
Nhà máy Sriperumbudur có vai trò quan trọng trong nỗ lực chuyển dịch sản xuất khỏi Trung Quốc của Apple do căng thẳng Mỹ - Trung. Năm 2020, Reuters đưa tin Foxconn dự định đầu tư lên tới 1 tỷ USD vào nhà máy trong vòng 3 năm. Công nhân nhà máy được tuyển qua môi giới. Môi giới cũng phụ trách việc ăn ở cho công nhân – chủ yếu là nữ - tại đây.
Lương của họ vào khoảng 140 USD/tháng (hơn 3,1 triệu đồng), cao hơn khoảng 1/3 so với lương tối thiểu của những công việc như vậy. Họ phải trả tiền ăn ở dù làm việc tại nhà máy. Hầu hết trong độ tuổi 18 – 22 và đến từ khu vực nông thôn. Ngày 17/12, sau khi vụ ngộ độc xảy ra, khoảng 2.000 phụ nữ đã đổ ra đường và biểu tình, chặn đứng một đường cao tốc quan trọng gần nhà máy. Công nhân nam tham gia vào cuộc biểu tình ngày hôm sau.
Đây không phải lần duy nhất Apple gặp sự cố với các đối tác tại Ấn Độ. Tháng 12/2020, hàng ngàn công nhân một nhà máy thuộc nhà thầu Wistron đã phá hủy trang thiết bị, phương tiện vì vấn đề tiền lương, gây ra thiệt hại 60 triệu USD. Apple cũng giám sát nhà máy này và nói sẽ không ký hợp đồng mới nếu không xử lý được tận gốc. Đầu năm nay, nhà máy đã hoạt động trở lại.
Du Lam (Theo Reuters)
Luxshare xây nhà máy iPhone ‘to bằng 40 sân bóng’ đối đầu Foxconn
Luxshare đang xây một khu phức hợp sản xuất khổng lồ tại miền Đông Trung Quốc, thách thức hai đối thủ Foxconn và Pegatron đến từ Đài Loan.