Ông Vũ Minh Trí - Phó Tổng Giám đốc VNG phụ trách Dịch vụ đám mây kiêm Giám đốc điều hành VinaData. |
Mô hình hệ sinh thái số mới
Tại hội thảo Ngày Internet Việt Nam – Internet Day 2018chủ đề “Internet và hệ sinh thái số Việt Nam” vừa được Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) tổ chức tại Hà Nội, ông Vũ Minh Trí - Phó Tổng Giám đốc VNG phụ trách Dịch vụ đám mây kiêm Giám đốc điều hành VinaData đã chia sẻ quan điểm về mô hình hệ sinh thái số trong thời đại 4.0.
Ông Trí cho hay, cách đây vài năm, khi nói tới hệ sinh thái số mọi người nghĩ nhiều đến các mạng xã hội. Khi đó, con người sử dụng, cung cấp nội dung và kết nối nội dung với nhau. Mạng xã hội đã làm thay đổi cách thức con người kết nối, chia sẻ thông tin với nhau. Thế nhưng, nếu chỉ nhìn hệ sinh thái số theo cách này thì chúng ta đã bỏ qua một phần rất lớn, phần này lại là phần đang phát triển rất mạnh trong thời gian gần đây, đó là đồ vật kết nối với nhau.
“Có thể thấy, công nghệ số, sự hội tụ của tất cả công nghệ số đang tạo ra một định nghĩa mới về các đồ vật kết nối với nhau. Đồ vật hiện nay kết nối với nhau theo một ngôn ngữ chung là ngôn ngữ số. Có rất nhiều đồ vật trước đây không được gọi là đồ vật thông minh thì nay thông qua Adapter (bộ chuyển đổi - PV) chuyển tín hiệu analog hay dải tín hiệu cũ thành tín hiệu số để từ đó có thể kết nối được với nhau. Sự hội tụ số của tất cả các công nghệ đã định nghĩa lại một hệ sinh thái số mới”, ông Trí nhận định.
Tại sự kiện Internet Day 2018, VNG trình diễn hàng loạt công nghệ thông minh theo chủ đề “Connected City”. |
Cũng theo vị Phó TGĐ VNG, trong những công nghệ định hình hệ sinh thái số mới, có 3 công nghệ chính được đề cập đến nhiều, thứ nhất là Big Data - làm sao để lưu, quản lí dữ liệu và bảo mật dữ liệu. Công nghệ thứ hai là Machine Learning (Học máy) hay Data Analytics (Phân tích, xử lý dữ liệu) để có thể hiểu được dữ liệu đó. Nhóm công nghệ quan trọng nhất làm cho mọi thứ kết nối với nhau là Internet of Thing (Internet vạn vật).
Theo đại diện VNG, chính sách của Nhà nước sẽ đóng một vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ dữ liệu và giúp nó phát triển theo đúng hướng. Ở một số quốc gia mà dữ liệu phát triển lệch lạc thì mặc dù có lượng dữ liệu rất lớn nhưng lại không có công cụ Machine Learning để hiểu về dữ liệu đó, và như vậy là không hiệu quả. Hầu hết chỉ là dữ liệu, thông số thô. Hiện tại, Việt Nam còn yếu trong việc phân tích xử lý dữ liệu, nguyên nhân chủ yếu là do các cơ sở dữ liệu không kết nối với nhau, hạ tầng không kết nối với nhau và Policy (Chính sách) cũng không cho chúng kết nối với nhau.
Nhấn mạnh đến công nghệ Internet of Things, ông Trí phân tích, khi tất cả mọi đồ vật kết nối với nhau sẽ sản sinh ra một khối lượng dữ liệu khổng lồ và tất cả những dữ liệu đó tạo ra một định nghĩa mới về hệ sinh thái số. Theo dự đoán, đến năm 2020, khối lượng dữ liệu sẽ đạt 44 ngàn tỷ gigabytes. Khoảng 50,1 tỷ thiết bị IoT sẽ kết nối với nhau, tức là trung bình mỗi người sở hữu 6 thiết bị IoT. Khi đó, nó tạo ra nhiều cơ hội và nhiều thách thức.
Cơ hội là chúng ta có rất nhiều thông tin, và nếu biết cách xử lý, chúng ta sẽ nắm bắt, sẽ hiểu được bản chất, những lõi thông tin rất có giá trị. Vì khi chúng ta có cảm biến ở khắp mọi nơi thì chúng ta hiểu được mọi thứ đang diễn ra như thế nào dù chúng ta không có mặt ở đấy. Mọi dữ liệu, thông số sẽ liên tục được trả về. Nhưng thách thức lớn là 90% dữ liệu trả về là dữ liệu không có cấu trúc, ví dụ như các cảm biến ở ngoài đường cho ta biết về độ ô nhiễm, về thời tiết... Khi không có cấu trúc, cộng thêm 50% trong số 90% data kia lại không được bảo vệ thì dữ liệu có thể bị thay đổi, bóp méo, tạo nên sự hỗn loạn về dữ liệu. “Hỗn loạn data chúng ta chỉ có 2 chìa khóa để mở, đó là phải có Data Analytics; và phải làm sao có hạ tầng thật tốt cho các thiết bị…”, ông Trí nói.