Dù Mỹ từ lâu luôn nghi ngờ Huawei làm việc phi pháp,ìsaoMỹghékq bing da không rõ Huawei đã gây tội lỗi gì khiến công ty này hứng chịu nhiều đòn trừng phạt từ Mỹ đến như vậy. Nếu năm 2019, Mỹ cấm doanh nghiệp trong nước giao thương với Huawei nếu không có giấy phép thì sang năm 2020, chính quyền Trump tiếp tục cấm bất kỳ công ty nào đang sử dụng công nghệ Mỹ được phép bán vật liệu bán dẫn cho Huawei khi chưa được chấp thuận. Mới đây nhất, Mỹ tuyên bố hạn chế visa đối với nhân viên Huawei và một số hãng công nghệ Trung Quốc. Điều gì đã đẩy Huawei tới tình thế như hiện nay? Vì sao Mỹ muốn “tận diệt” Huawei? "Tội lỗi" của Huawei Huawei mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Thậm chí, Huawei còn có thể là lợi thế lớn cho chính phủ Mỹ khi thương lượng. Huawei là công ty sản xuất thiết bị viễn thông khổng lồ với tham vọng trở thành thương hiệu smartphone số 1 thế giới cũng như dẫn đầu về thiết bị 5G. Huawei ghi nhận doanh thu 105 tỷ USD năm 2018, nhiều hơn cả IBM. Năm 2019, Tổng thống Trump từng úp mở khả năng nới lỏng cho Huawei như một phần trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc. Năm 2012, Ủy ban Tình báo Hạ viện công bố báo cáo sau cuộc điều tra kéo dài 1 năm, chỉ ra Huawei tiềm ẩn nguy cơ an ninh với Mỹ. Báo cáo kết luận Huawei và ZTE được chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn và hai hãng này không được phép vận hành hạ tầng không dây quan trọng của Mỹ. Huawei khẳng định họ hoạt động độc lập với chính quyền Trung Quốc song Mỹ vẫn luôn nghi ngờ hãng làm gián điệp thông qua công nghệ đang sử dụng tại các nhà mạng. Dù Huawei liên tục phủ nhận, Mỹ vẫn không chọn Huawei cho các hợp đồng băng rộng và không dây. Thậm chí, chính quyền Trump còn gây áp lực lên các nước khác nhằm cấm Huawei tham gia phát triển mạng 5G. Gần đây, chính phủ Anh tuyên bố cấm dùng Huawei trong mạng 5G của nước này, đồng thời lên kế hoạch loại bỏ các thiết bị đang sử dụng của Huawei vào trước năm 2027. Hiện tại, Canada là quốc gia duy nhất trong liên minh Fire Eyes – bao gồm Mỹ, Anh, Australia, New Zealand, Canada – chưa đưa ra lập trường về Huawei. Một nguyên nhân khác khiến Mỹ muốn cấm Huawei là quan hệ của hãng với Iran. Đầu năm 2019, chính quyền Trump cáo buộc Huawei âm mưu phá vỡ lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran. Theo yêu cầu của Mỹ, Canada đã bắt giữ Giám đốc Tài chính Mạnh Vãn Chu cuối năm 2018. “Ái nữ Huawei” trải qua nhiều phiên tòa và đối mặt với nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ. Huawei bị tố lừa đảo các tổ chức tài chính và chính phủ Mỹ về việc kinh doanh với Iran. Trong số các tội danh, Mỹ khẳng định nhà sáng lập Nhậm Chính Phi lừa dối FBI vào năm 2007 khi ông từng nói Huawei không vi phạm bất kỳ luật xuất khẩu nào của Mỹ và không giao dịch trực tiếp với bất kỳ doanh nghiệp Iran nào. Huawei không nhận tội và phủ nhận mọi cáo buộc, còn Trung Quốc gọi đây là chiến dịch bôi nhọ. Chính quyền Trump còn kiện Huawei vì đánh cắp bí mật thương mại từ nhà mạng T-Mobile. Theo đơn kiện, Huawei trong nhiều năm cố gắng lấy đi công nghệ thử nghiệm điện thoại độc quyền của T-Mobile có tên “Tappy”. Huawei cung ứng điện thoại cho T-Mobile và tiếp cận một số thông tin về Tappy nhờ mối quan hệ này. Nhân viên Huawei được cho là đã yêu cầu T-Mobile gửi thông tin liên quan như ảnh, số đo, số seri nhiều linh kiện khác nhau. Mỹ còn tố ban lãnh đạo Huawei hứa thưởng lớn cho ai thu thập được thông tin bí mật về đối thủ. Huawei tiếp tục phủ nhận. Trận chiến vì công nghệ tương lai Công nghệ của Huawei cần thiết cho tương lai của 5G, công nghệ mà Mỹ khao khát dẫn đầu. Huawei là doanh nghiệp tiên phong về 5G, cung cấp công nghệ hỗ trợ triển khai 5G tại nhiều nước. So với hai đối thủ Nokia và Ericsson, Huawei là có quy mô lớn hơn, công nghệ nhanh hơn và rẻ hơn. Dù Mỹ tránh dùng công nghệ Huawei nhưng thiết bị của công ty này vẫn được sử dụng nhiều tại khu vực nông thôn Mỹ và bén rễ tại các thị trường như châu Âu, châu Á… Mỹ muốn bảo đảm các hãng viễn thông của mình nằm ở tuyến đầu của cuộc đua 5G. Bởi vì, mạng 5G sẽ giúp vận hành nhiều công nghệ có khả năng thay đổi nền kinh tế như thành phố thông minh, xe tự lái... Lệnh cấm mới nhất nhằm vào các nhà cung ứng chip bán dẫn cho Huawei được xem là đòn chí mạng vì nó ảnh hưởng đến Huawei với tư cách nhà cung cấp thiết bị 5G. Chính phủ Anh cho biết họ quyết định cấm thiết bị Huawei trong mạng 5G một phần vì điều này. Với khó khăn mà Huawei gặp phải trong 1 năm qua, Ericsson AB đã không bỏ lỡ cơ hội và vươn lên. Trong khi Nokia theo đuổi chiến lược sai lầm và không thể chớp thời cơ. Theo hãng nghiên cứu Dell’Oro Group, từ năm 2015 tới 2019, thị phần Nokia tính theo doanh thu trên thị trường hạ tầng di động giảm từ 24,4% xuống 19,2%, thị phần Ericsson tăng từ 26,2% lên 27%, còn Huawei tăng từ 27,5% lên 30,7%. Trước Huawei, ZTE cũng là một mục tiêu của Mỹ. Tháng 4/2018, Bộ Thương mại Mỹ cho biết, ZTE lừa dối quan chức Mỹ về việc trừng phạt các nhân viên vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ với Triều Tiên và Iran. Mỹ cấm công ty trong nước bán linh kiện cho ZTE, đồng thời cấm ZTE mua chip và kính màn hình từ các nhà cung ứng chính. Tuy nhiên, đến tháng 7/2018, chính quyền Trump dỡ lệnh cấm vì ZTE đồng ý chịu giám sát. Mặc dù vậy, Huawei là công ty lớn hơn nhiều so với ZTE. Bên cạnh đó, vì dịch Covid-19, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên phức tạp hơn nhiều. Vì vậy, không dễ gì để Huawei cúi đầu và khuất phục dù đến thời điểm này công ty đã chịu tổn thất không nhỏ vì chiến dịch tẩy chay của Mỹ. Du Lam (Tổng hợp) (Đón xem kỳ III: Hy vọng thống trị thị trường toàn cầu của Huawei tan vỡ) Huawei hiện là một trong các hãng công nghệ lớn nhất và đang gây tranh cãi nhất hành tinh. Công ty này là trung tâm trong cuộc đụng độ Mỹ - Trung với tầm ảnh hưởng vươn ra toàn cầu. Hành trình “lên đỉnh” không bằng phẳng của Huawei