Dư luận thế giới nói chung và nước Anh nói riêng đang ngóng chờ con đầu lòng của Hoàng tử William chào đời.
Giới truyền thông túc trực bên ngoài bệnh viện,ữngcasinhnởkhiếnthếgiớiphátsốhạng nhất đức nơi con đầu của Hoàng tử William sẽ chào đời. (Ảnh: Getty)
Sự kiện người thừa kế ngai vàng Anh quốc chuẩn bị chào đời đang là tâm điểm chú ý của dư luận quốc tế những ngày qua. Hãng tin CNN cho biết Công nương Catherine, vợ của Hoàng tử William, sẽ hạ sinh con đầu lòng ở bệnh viện St. Mary, phố Paddington, phía tây London. Đây cũng chính là nơi Hoàng tử William chào đời 31 năm trước.
Hình ảnh các phóng viên quốc tế chầu chực bên ngoài cổng bệnh viện St Mary để chờ đưa tin đã không còn là chuyện quá ngạc nhiên, nhất là khi mới đây Trung tâm Nghiên cứu Bán lẻ ở Nottingham công bố báo cáo cho biết, sự kiện này sẽ góp phần thúc đẩy nền kinh tế của Anh. Ước tính ngành bán đồ lưu niệm và các quà tặng khác liên quan đến đứa trẻ sẽ thu về khoảng 380 triệu USD.
Tuy nhiên, trong lịch sử báo chí thế giới từng có ít nhất 6 trường hợp "sinh nở" khác cũng gây chú ý không kém sự kiện lần này ở Anh quốc.
Hoàng tử William
Ảnh: Getty
Hoàng tử William, Công tước Cambridge, sinh năm 1982, quý tử đầu lòng của Thái tử Charles và cố Công nương Diana. Ngày vị hoàng tử nước Anh chào đời đã được dư luận đặc biệt quan tâm. Hoàng tử William được xếp thứ hai trong thứ tự kế vị ngai vàng Vương quốc Anh, sau cha mình.
Hoàng tử William sinh vào ngày 21/6 tại bệnh viện St Mary ở thủ đô London, nước Anh. Vào ngày hoàng tử chào đời, hàng nghìn người đã tập trung bên ngoài bệnh viện St Mary để chào mừng.
Louise Brown
Ảnh: Getty.
Vào ngày 25/7/1978, báo chí thế giới đã dành sự quan tâm đặc biệt cho ca sinh nở cô bé Louise Joy Brown, người đầu tiên trên thế giới sinh ra nhờ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Louise Brown là con của cặp vợ chồng Lesley và John Brown. Tháng 11/1977, cặp vợ chồng hiếm muộn này đã thực hiện quy trình thụ tinh nhân tạo, công trình của các nhà khoa học Patrick Steptoe và Robert Geoffrey Edwards.
Brown sinh ra vào lúc 11h47 đêm 25/7/1978 tại Bệnh viện Đa khoa Oldham, Oldham, bằng phương pháp mổ. Cô bé sinh ra cân nặng hơn 2,6 kg. Bốn năm sau, em gái của cô là Natalie Brown, cũng được sinh ra nhờ thụ tinh ống nghiệm, và trở thành em bé thứ bốn mươi trên thế giới sinh ra nhờ kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm.
Cừu cái Dolly
Ảnh: Getty
"Cô" cừu Dolly là động vật có vú đầu tiên được nhân bản vô tính trên thế giới. Ngày 5/7/1996, cừu Dolly chính thức chào đời, nhờ phép màu của các nhà khoa học Ian Wilmut, Keith Campbell và các cộng sự tại Viện Roslin ở Edinburgh, Scotland. Tên của con cừu này được đặt theo tên của Dolly Parton, nữ ca sĩ nhạc đồng quê nổi tiếng ở Scotland.
Dolly được tạo ra từ tế bào sinh dưỡng trưởng thành áp dụng phương pháp chuyển nhân. Việc tạo ra cừu cái Dolly đã chứng tỏ rằng một tế bào được lấy từ những bộ phận cơ thể đặc biệt có thể tái tạo được cả một cơ thể hoàn chỉnh. Cừu Dolly từ giã thế giới vào ngày 14/2/2003, do bị viêm phổi nặng, một căn bệnh thường gặp ở cừu già.
Cô bé North West
Ảnh: Getty
North West là tên cô con gái cưng của ngôi sao truyền hình thực tế Mỹ Kim Kardashian và bạn trai, ngôi sao nhạc rock Kanye West. Sự chào đời của bé gái này đã thu hút sự chú ý của báo chí quốc tế suốt một thời gian dài. Bé North West được sinh ra tại bệnh viện dành cho những người sang trọng là Cedars – Sinai ở Beverly Hills, vào ngày 15/6/2013.
Việc đặt tên con của cặp vợ chồng nổi tiếng này được xem là khá lạ. Trước đó, có tin đồn cho rằng tên của cô bé sẽ bắt đầu bằng chữ “K”, theo truyền thống gia đình cô Kim "siêu vòng ba" (bà mẹ Kris Jenner, các con gái Kourtney Kardashian, Khloe Kardashian, Kylie và Kendall Jenner). Nguồn tin khác lại cho rằng, tên bé gái này sẽ là Kaidence Donda West.
Gấu trúc Tai Shan
Ảnh: Getty
Tai Shan (Thái Sơn) là tên của chú gấu trúc sinh năm 2005 tại Vườn thú quốc gia ở Washington, Mỹ. Tai Shan là con của cặp đôi gấu trúc khổng lồ tới từ Trung Quốc, Mei Xiang và Tian Tian. Chú gấu trúc này nổi tiếng tới mức hễ ai nhắc tới Vườn thú quốc gia, người ta lại nghĩ ngay tới Tai Shan.
Trong lần đầu tiên Tai Shan chính thức ra mắt, 13.000 vé vào cửa vườn thú đã được bán sạch trong vòng có 2 tiếng đồng hồ. Một cuộc họp báo sau đó còn thu hút được hơn 100 phóng viên tới tham dự. Chú gấu trúc Tai Shan sau đó đã được đưa về Trung Quốc vào tháng 2/2010.
Những em bé cải bắp
Ảnh: Getty
Vào tháng 12/1983, những em bé búp bê cải bắp xuất hiện trên trang bìa của tạp chí Newsweek, sau khi các ông bố bà mẹ trên khắp nước Mỹ lùng sục trong các cửa hàng, tìm mua cho được những con búp bê dễ thương này và công ty sản xuất không kịp cung cấp nguồn hàng.
Những em bé cải bắp là tên một loại đồ chơi của công ty Colecco. Mỗi “đứa trẻ” này đều có một cái tên và đính kèm theo giấy tờ nhận con nuôi. Theo đó, búp bê cải bắp không phải được "sản xuất" mà được "sinh ra" và trẻ em muốn sở hữu chúng phải nhận nuôi, chứ không phải mua chúng. Loại đồ chơi này đã bán được hơn 3 triệu con trong năm đầu tiên.