Miền Tây là nơi có số lượng phụ nữ lấy chồng nước ngoài nhiều nhất nước. Sau thời gian sinh sống trên quê hương của chồng,ệnhọcgửicủanhữngđứaconlaiởtrườnglàkq club brugge vì nhiều lý do, người mẹ phải mang con về nước nhưng lại gặp vô vàn khó khăn trong việc làm giấy khai sinh, nhập hộ khẩu.
Điều này khiến những đứa con của họ phải chịu nhiều thiệt thòi về quyền lợi, đặc biệt trong học tập.
Những lớp trường làng ở miền Tây có nhiều đứa trẻ con lai đang theo học dạng “học gửi”
Những đứa trẻ “vô thừa nhận”
Nhà đông anh em, lại nghèo khó, mọi kế sinh nhai đều phụ thuộc vào 3 công đất nên cuộc sống gia đình của Trần Thị Thơ (31 tuổi, ngụ xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) bao nhiêu năm cứ luẩn quẩn với hai chữ đói - nghèo.
Để thoát kiếp nghèo và báo hiếu cho cha mẹ, Thơ đã quyết định lấy chồng nước ngoài. Thông qua mai mối, Thơ kết hôn với ông Choi Chung Hsien (sinh năm 1977, người Đài Loan) sau 3 ngày tìm hiểu. Sau đó, chị Thơ về Đài Loan sinh sống, nhưng chỉ được một thời gian ngắn thì hôn nhân tan vỡ.
“Gia đình chồng bắt phải ở nhà làm nội trợ, không cho giao tiếp bên ngoài. Đã thế, còn thường xuyên bị chồng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”. Không chịu nổi nên nó bỏ về nước cùng đứa con gái mới sinh” - bà Nguyễn Thị Mỹ Thanh, mẹ ruột chị Thơ, kể lại cuộc sống của con gái ở xứ người.
Sau khi về nước, chị Thơ và gia đình phải chịu nhiều lời dị nghị của người đời. “Người ta nói gia đình tôi có con gái lấy chồng nước ngoài mà ở nhà lá, phải đi mua từng lon gạo. Nó nghe vậy chịu không nổi, mặc cảm với láng giềng nên bỏ đứa con chưa được 1 tuổi lên thành phố làm việc” – bà Thanh tâm sự.
Ngày trở về Việt Nam, chị Thơ cũng không ngờ con gái của mình là Choi Pei Yu (tên Việt Nam bé Ỷ) lại trở thành đứa trẻ “vô thừa nhận” ngay chính trên quê hương. Bé Ỷ về Việt Nam sống cùng ông bà ngoại trong căn nhà tình thương được chính quyền địa phương cất cho.
Tuy nhiên, do bé Ỷ được sinh ra ở nước ngoài, đã có giấy khai sinh nhưng khi trở về nước thì lại không mang giấy tờ theo về, nên rơi vào trường hợp trẻ “vô thừa nhận”. Đến tuổi đi học, ông Nguyễn Văn Triệu (ông ngoại bé) phải chạy đi khắp nơi để làm giấy khai sinh cho cháu gái đến trường.
Từ khi theo mẹ trở về quê ngoại, bé Ỷ trở thành đứa trẻ "vô thừa nhận"
“Ban đầu cứ tưởng cháu nó không được đi học nhưng nhờ sự giúp đỡ của ngành chức năng nên bé đã làm được giấy khai sinh. Tuy vậy, đến nay con bé vẫn không được nhập hộ khẩu.
Gia đình tôi lại thuộc hộ nghèo, nên việc đóng học phí cho cháu ngoại rất khó khăn. Nhiều lần đóng học phí trễ nên nó bị thầy cô giáo nhắc khiến con bé mặc cảm với bạn bè” - ông Triệu tâm sự.
Trường hợp của bé Ỷ không phải là cá biệt. Hai cô bé có tên Hàn Quốc là Lee Chae Won (5 tuổi) và Soo Jin (4 tuổi), cháu ngoại của bà Đặng Thanh Thúy (ngụ phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) đến nay vẫn chưa có giấy khai sinh.
Mẹ của hai bé có chồng Hàn Quốc, nhưng do khác biệt quá lớn về văn hóa và bị chồng đối xử tệ bạc nên phải ôm con về nhà mẹ ruột.
“Nhờ địa phương tạo điều kiện nên hai đứa nhỏ được nhập học tại một trường mầm non gần nhà. Mẹ hai cháu đã đi làm xa, hằng tháng vẫn gửi tiền về nuôi con” – bà Thúy cho biết.
Không bỏ rơi các bé thêm lần nào nữa!
Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh Hậu Giang có 160 học sinh có yếu tố nước ngoài, trong đó có 1/3 trẻ chưa đăng ký khai sinh tại Việt Nam.
Cô Nguyễn Thu Giang, Phó trưởng phòng giáo dục huyện Vị Thuỷ, nguyên Hiệu trưởng trường Vị Thắng (Hậu Giang) cho biết, toàn huyện có hơn 75 trường hợp trẻ em có yếu nước ngoài đang theo học tại các trường.
Lee Chae Won (5 tuổi) và Soo Jin (4 tuổi) ở cù lao “Đài Loan” Tân Lộc (TP Cần Thơ) vẫn chưa có giấy khai sinh
“Những trường hợp này là mẹ mang con về rồi gửi cho ông bà ngoại nuôi, sau đó tiếp tục bỏ đi xứ khác làm ăn hoặc lấy chồng lần hai. Chính vì thế, nhiều em đến tuổi đi học không được đến trường vì không có giấy khai sinh.
Lúc tôi còn làm hiệu trưởng Trường tiểu học Vị Thắng 1, nhiều em có yếu tố nước ngoài không được đi học, hằng ngày đến cửa lớp đứng xem các bạn học nhìn tội lắm.
Thương các em nên tôi làm “liều” nhận các em vào lớp dạng “học gửi”. Các em học tốt lắm, năm nào cũng đạt khá, giỏi” - cô Giang cho biết.
Cô Giang nói thêm rằng trong quá trình học tập các em này chỉ được theo dõi, ghi nhận rồi để đó chứ không lập hồ sơ, vì điều này sai với quy định. Học tốt, các em vẫn được lên lớp, nhưng do không có học bạ nên trên thực tế không có cơ sở để xác định các em đã lên lớp.
Đang theo học lớp 8 của THCS Vị Thắng (Vị Thủy, Hậu Giang) nhưng hai chị em Lữ Nhã Phương và Lữ Khương Vy vẫn chưa có học bạ và giấy chứng nhận hoàn thành chương trình tiểu học.
Sở dĩ có chuyện lạ này vì mẹ của hai em có chồng là người Đài Loan và đã chia tay nhau. Sau đó, hai chị em Phương về quê mẹ ở với ngoại.
Đến tuổi đi học, hai chị em Phương được ban giám hiệu trường tiểu học gần nhà nhận vào học theo “dạng gửi”. Dù hai em học rất giỏi nhưng trong danh sách lớp không có tên, sổ điểm cũng ghi “lụi” và hàng năm đều lên lớp bình thường. Đến nay, nhà trường mới quay lại làm học bạ, giấy chứng nhận hoàn thành cấp tiểu học cho hai em.
Thầy Bùi Đức Quang, Trưởng phòng giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT Hậu Giang, cho biết mấy năm gần số trẻ lượng trẻ có yếu tố nước ngoài về nước sinh sống và đi học tăng đột biến trở thành hiện tượng xã hội và nảy sinh nhiều vấn đề về tư pháp, nhân thân.
Những lớp trường làng ở miền Tây có nhiều đứa trẻ con lai đang theo học dạng “học gửi”
Nhu cầu học tập của các trẻ có yếu tố nước ngoài là bức thiết nhưng việc giải quyết nhập học cho các em còn gặp một số khó khăn, vướng mắc về đều kiện, thủ tục nhập học. Tới năm 2014, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo phải tạo điều kiện tốt nhất cho các em được đến trường.
Theo bà Phạm Thanh Tuyền, Giám đốc Sở Tư pháp Hậu Giang, toàn tỉnh này có hàng trăm trường hợp trẻ có yếu tố nước ngoài đang sinh sống tại quê ngoại. “Khó khăn nhất là trường hợp các trẻ được gửi về Việt Nam sinh sống nhưng đã có quốc tịch nước ngoài. Thêm nữa là cả cha lẫn mẹ của các em đều không mang có quốc tịch Việt Nam nên những em này phải đủ 18 tuổi mới được nhập quốc tịch. Chúng tôi luôn tạo điều kiện giúp đỡ những trẻ em có yếu tố nước ngoài được đầy đủ giấy tờ pháp lí để các em đến trường, được hưởng quyền lợi nhưng các em khác” – bà Tuyền cho biết.
Hiện nay, Sở Tư pháp tỉnh Hậu Giang đang tư vấn cho những gia đình có mang giấy khai sinh về Việt Nam thì dịch ra tiếng Việt, có chứng thực của cơ quan chuyên môn để trẻ được đi học. Riêng trường hợp không mang về thì phải đến cơ quan Tổng lãnh sự tại TP.HCM để nhờ trích lục lại và xác nhận.