Để phục vụ cho những chuyến đi bão thâu đêm suốt sáng của mình,ânchơiSàiGònđộquáixếkq hy lap một bộ phận lớn dân “yêng hùng xa lộ” đã không tiếc tiền khi chấp nhận chi đến vài chục triệu đồng để nâng cấp vẻ ngoài và tốc độ cho chiếc xe của mình.
Để rồi, qua bàn tay của những người thợ mà đa phần đều không có bằng cấp chuyên môn nào, những chiếc xe “cọp” (từ lóng để chỉ việc thay đổi một hoặc vài tiêu chuẩn kỹ thuật của xe) đạt tới tốc độ chạy 180 - 200km/giờ ra đời, làm khiếp sợ người tham gia giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, gây ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình an ninh trật tự.
Một chiếc xe được độ lại “dàn lông”, thay đèn xenon. |
Từ trò chơi độ “dàn lông”
“Dàn lông” hay “ngoại công” là tiếng lóng của dân chơi dành để chỉ những chiếc xe được sắm sửa, trang bị thêm nhiều đồ chơi hàng hiệu bên ngoài. Những đồ chơi này dùng để thay thế các phụ tùng có sẵn ở một chiếc xe máy vừa xuất xưởng. Hầu hết những người chơi kiểu này thường không chú trọng quá đến tốc độ, chủ yếu làm sao để khi xe của họ lưu thông ngoài đường trở nên khác lạ, được nhiều người nhìn ngắm hay trầm trồ khen ngợi.
Có thể kể đến một vài kiểu độ “dàn lông” cơ bản của dân chơi như lột tem xe để đặt hàng, dán một bộ tem khác theo sở thích cá nhân. Qua quan sát, chỉ riêng ở khu vực đường Nguyễn Chí Thanh, một con đường có nhiều tiệm sửa - độ xe nổi tiếng ở khu vực TP HCM, đã có trên dưới chục cửa hiệu nhận thiết kế các loại tem xe.
Ngoài ra, để có một chiếc xe có màu độc, không đụng hàng, một số người chơi xe dư dả hơn sẵn sàng bỏ ra 3 - 4 triệu đồng để mang chiếc xe mới toanh đi sơn thành các màu độc, lạ không có trên thị trường, bất chấp những quy định về tiêu chuẩn, kiểu dáng màu sơn được cho phép của chiếc xe theo đăng ký...
“Độ” đèn cũng thuộc dạng này. Chiều 24/6, trong vai một người đi độ xe, chúng tôi có mặt tại tiệm chuyên độ đèn nằm trên đường Sư Vạn Hạnh (quận 10, TP HCM). Tại đây, chủ quán là K. sau khi hỏi nhu cầu đã liên tục giới thiệu về hàng chục mẫu đèn để khách hàng lựa chọn.
Theo nhiều dân chơi, tiệm của K. nổi tiếng trong việc độ các loại đèn gương cầu, xenon để thay thế các mẫu đèn nguyên bản trên xe. Với tầm giá chỉ vài trăm nghìn đến 1 triệu đồng, người chơi xe sẽ có ngay một bộ đèn công suất chiếu sáng lớn gấp nhiều lần đèn “zin” theo xe.
Việc thay đổi hệ thống đèn xe máy đồng nghĩa với việc phải cắt, nối thêm dây vào hệ thống điện, nhưng hầu như không ai nghĩ đến những nguy hiểm khi xe có nguy cơ bị cháy nổ cao hơn. Ngoài ra, từng có những trường hợp người đi đường vì bị đèn ở phía ngược chiều chiếu sáng quá mức làm lóa mắt, loạng choạng tay lái gây nguy hiểm đến tính mạng và an toàn giao thông.
Ngoài đèn chiếu sáng chính của xe, cửa hàng của K. còn cho biết có nhận độ đèn xi-nhan với nhiều loại và kiểu dáng khác nhau, như mạch đèn police khiến đèn tín hiệu xin rẽ của xe máy thành đèn chớp tắt xanh-đỏ như trên các xe công vụ.
Xe độ pô khi chạy phát ra tiếng kêu chát chúa, đinh tai nhức óc. |
Một kiểu khác mà dân chơi cũng khá ưa chuộng là việc thay bánh mâm, ống xả để chiếc xe của họ được “ngầu” hơn trong mắt người khác. Với những ống xả đã được “độ” lại, khi chạy xe sẽ phát ra tiếng kêu chát chúa, đinh tai nhức óc hơn vì không được trang bị hệ thống giảm thanh, xử lý khí thải đạt chuẩn.
Chỉ mua xe được 1 tuần và vừa làm xong thủ tục cấp biển số, Sơn, 21 tuổi, ngụ quận 5, TP HCM, đã đem chiếc Yamaha Exciter 150 của mình đến một cửa hàng trong khu chợ Tân Thành, quận 5, để “lên đời” một cặp bánh mâm và ống xả khác. Dù vừa phải chi hơn 5 triệu đồng, Sơn vẫn hứng khởi cho biết sau khi lắp xong 2 món đồ trên sẽ tiếp tục đến một cửa hàng khác để lột tem “zin”, dán bộ tem mới.
Khi được hỏi, Sơn giải thích: “Mua xe trong hãng thì xe nào cũng giống nhau, nên trước khi lấy xe về, em đã lên kế hoạch để “độ dàn lông” lại theo sở thích của mình. Vừa đẹp hơn, ngầu hơn mà không đụng hàng với ai cả. Biết là về sẽ bị gia đình la mắng nhưng mình thích thì cứ làm thôi”.
Ngoài ra, thanh niên mới 21 tuổi này còn cho biết do xe mới, độ máy móc để tăng tốc độ thì sẽ mất “zin” nên còn đang tiếc mà chưa làm. Sơn dự định sẽ chạy khoảng vài tháng đến 1 năm, khi xe đã cũ thì sẽ tiến hành độ luôn phần máy móc “cho có tốc độ với người ta”. Đây cũng là câu trả lời chung của nhiều thanh niên trẻ tuổi, học đòi làm quái xế khi chỉ mê tụ tập quậy phá, thích thể hiện đẳng cấp với bạn bè bằng việc độ xe, đua xe.
Đến độ “nội công” để thi thố tốc độ
Nhiều thợ chuyên sửa xe cho biết, qua thời gian, hiện có đến hàng trăm “bài” độ cho các loại xe khác nhau đã được những người thợ Việt Nam nghĩ ra, nhiều phụ tùng dành riêng cho việc độ xe cũng liên tục được chế tạo hoặc nhập về.
Hải, một thợ sửa xe ở quận 8, cho biết: “Không cần phải đến những lò độ nổi tiếng, những tiệm sửa xe bình thường cũng có thể đáp ứng nhu cầu cơ bản của người chơi. Riêng “xe cọp” thì thường là những chiếc xe do các lò độ lớn, sẵn sàng bỏ ra vài chục đến cả trăm triệu làm ra và thuê nài chạy trong các cuộc so kè tốc độ. Họ làm vậy để đua xe ăn tiền hoặc lấy tiếng tăm trong giới độ xe”.
Thật vậy, Hải cho biết khi đã có kiến thức sửa xe, một người thợ lành nghề nào cũng có thể làm một chiếc xe chạy lâu năm, máy xuống cấp trở lại “bốc, mạnh mẽ” như mới. Qua lời giới thiệu của Hải, chúng tôi được việc độ “nội công” cho một chiếc xe là can thiệp vào phần máy móc, làm tăng thêm công suất, sức mạnh động cơ. “Dân trong nghề gọi là xoáy nòng, xổ trái, bỏ piston nguyên bản để thay bằng piston có đường kính lớn hơn làm tăng gia tốc, tốc độ cho xe” - Hải cho biết thêm.
Tìm hiểu sâu hơn, chúng tôi đến một tiệm chuyên độ xe nằm trên đường Quang Trung thuộc quận Gò Vấp và tận mắt chứng kiến những màn rã xác xe để xoáy nòng, thay piston là như thế nào. Theo lời giới thiệu của T. (chủ tiệm), thì lò độ này nổi tiếng bởi bài độ thay nòng - piston cho Exciter để tăng tốc độ. Theo T., chỉ “đắp” vào khoảng 4 triệu đồng và làm theo đúng bài độ của cửa hàng, một chiếc xe Exciter 150cc có thể dễ dàng tăng tốc lên được gần 200km/h.
“Ngoài xoáy hoặc thay nòng và lên trái piston 62mm, anh chỉ cần thay thêm IC rồi căn chỉnh xăng, gió tý chút là được, đến tiệm em làm thì bao anh chạy” - T. cho biết.
Chiếc “xe cọp” được trưng bày trong một tiệm độ xe. |
Theo nhiều dân chơi xe, xoáy nòng, xổ trái là một bài độ kinh điển trong giới chơi xe. Tý Em, một dân chơi xe độ giải thích: “Ví dụ như xe Wave, dòng xe phổ biến nhất hiện nay, có đường kính piston là 50mm. Khi độ, người thợ sẽ thay piston nguyên bản bằng piston lớn hơn như 52-54-58mm. Trên lý thuyết, Wave 100cc thay piston 54mm sẽ cho ra 1 chiếc xe có tốc độ tương đương 150cc, 58mm thì sẽ là 175cc... Ngoài thay piston thì có hàng chục kiểu độ đi kèm để xe đạt vận tốc cao hơn nữa”.
Tại một lò độ khác, chủ tiệm tên Định cũng giới thiệu bài độ trái (piston) 62mm cho xe Exciter và khẳng định đây là bài độ phổ biến nhất hiện nay cho dòng xe này. “Làm trái 62mm đi vừa nhẹ ga, xe có tốc độ (khoảng 150 - 160km/h) mà lại có độ bền nên nhiều người chuộng. Mình đâu có chạy đua, chạy tiền mà độ trái lớn hơn làm gì, vừa tốn xăng lại mau hư xe. Giá cả thì tùy tình trạng từng chiếc, riêng làm máy móc thì khoảng 4 triệu là ngon lành rồi. Nhưng trong quá trình làm xe còn nhiều thứ linh tinh phát sinh nên không thể báo giá chính xác được” - Định cho biết.
Khi phóng viên vờ hỏi làm “xe cọp” để đua, Định tỏ ý nghi ngờ nhưng cũng báo giá sơ bộ rồi dặn dò: “Có gì đem xe tới nói chuyện, anh muốn làm trái lớn cỡ 82mm em cũng làm được”.
Thuê xe tải, taxi chở “cọp” đi đua
Theo một tay nài tên A.V, người chuyên cầm lái “xe cọp” cho một lò độ nổi tiếng ở Bình Thạnh giải thích, thường các dịp lễ lớn là các lò làm xe lại cho ra đời những chiếc xe mới để “cáp độ”, thi thố với nhau. Tin tức về những cuộc đọ sức này lan truyền rộng rãi qua điện thoại hay mạng xã hội. Vì vậy, mỗi lần “bão đêm” đều có vài trăm người tham gia, nhưng chủ yếu là đi theo để quậy hay cổ vũ, còn “xe cọp” để đua thực sự chỉ có 5-7 chiếc.
Khi thấy tôi thắc mắc về việc chưa bao giờ thấy “xe cọp” chạy đến điểm đua, A.V cười to và giải thích “xe cọp” đã làm máy rất mạnh và kỹ lưỡng, không ai leo lên chạy mà phải thuê xe chở để giữ nguyên trạng máy móc. “Hầu hết đều thuê xe tải hoặc taxi chở “cọp” và nài đến điểm đua trước 1 ngày để nghỉ ngơi và bảo đảm an toàn, tránh chạy ngoài đường bị phát hiện. Với lại, “cọp” chỉ dùng để đua thôi chứ không chạy đường dài được, lực máy quá mạnh nên chạy chừng chục km là hết xăng. Loại xe này sau khi độ hoàn chỉnh, đem ra đua một lần thì mang về là chủ lò độ gần như phải bỏ tiền ra để... độ lại từ đầu”.
Cách đây ít lâu, Chuyên đề ANTG từng phản ánh hiện trạng hàng trăm quái xế tụ tập đi bão đêm, chặn quốc lộ để làm trường đua tự phát trong bài viết “Quái xế Sài Gòn và thú chơi tốc độ: Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”. Liên quan đến việc này, lực lượng CSGT tỉnh Đồng Nai cũng đã nhiều lần ra quân, kiên quyết ngăn chặn tình trạng đua xe trái phép xảy ra trên địa bàn, mà cụ thể là trên tuyến quốc lộ 51 nối giữa Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó, đã nhiều lần lực lượng chức năng phát hiện ngay từ sớm những vụ vận chuyển “xe cọp” để tham gia đua xe. Tuy nhiên, hiện tượng này vẫn manh nha, rải rác.
Vận chuyển “xe cọp” đến điểm đua bằng taxi. |
Vào giữa tháng 4/2016, trong lúc thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát trên đường Võ Nguyên Giáp thuộc xã Phước Tân thuộc TP Biên Hòa, CSGT Đồng Nai đã phát hiện một ôtô 16 chỗ mang biển số tỉnh Tiền Giang đang dừng bên đường với nhiều dấu hiệu nghi vấn. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện bên trong xe du lịch là 3 “xe cọp” được ngụy trang cẩn thận. Làm việc với cảnh sát, tài xế Trịnh Quốc Anh (28 tuổi, quê Tiền Giang) khai nhận lời 5 thanh niên cùng quê thuê chở 3 “xe cọp” nói trên đến huyện Thống Nhất để tham gia đua. Thời điểm bị phát hiện, tài xế Anh đang trên đường vận chuyển số xe trên quay về địa phương.
Cũng trong tháng 4, Đội CSGT Công an quận 9, TP HCM đã ngăn chặn kịp thời một vụ tổ chức đua xe trái phép ở khu vực cầu Rạch Chiếc 2, đường vành đai 2, đoạn vòng xoay Phú Hữu và thu giữ 12 xe máy các loại, trong đó có nhiều “xe cọp” đã thay đổi kết cấu, xoáy nòng, đôn dên... Theo Công an quận 9, trước đây khu vực vòng xoay Phú Hữu là điểm nóng, nhiều thanh niên chọn làm nơi tụ tập để đua xe, gây rối trật tự công cộng. Quyết tâm dẹp bỏ tệ nạn, Công an quận 9 đã cắt cử người theo dõi, nắm được thông tin và nhanh chóng triệt phá thành công những đợt bão đêm.
Từ lời khai của các thanh thiếu niên bị tạm giữ, lực lượng chức năng tiếp tục tiến hành kiểm tra các cơ sở chuyên độ xe gần khu vực cầu Xây Dựng, đường Nguyễn Duy Trinh (phường Phú Hữu, quận 9) và phát hiện thêm nhiều chiếc “xe cọp” khác đang được các lò thực hiện độ theo yêu cầu của những quái xế. Với quyết tâm xây dựng lại một lực lượng phản ứng nhanh nhằm ngăn chặn hiệu quả tệ nạn cướp, cướp giật trên địa bàn TP HCM thời gian tới, thì câu chuyện về những chiếc “xe cọp” cần phải được các lực lượng chức năng trên địa bàn lưu tâm đúng mức.
(Theo CAND)