Ngày 5/12,ữnhânlừađảochiếmđoạtgầntỷđồngkhaivềngườiđànôngbíẩti le soi keo TAND TP Hà Nội đưa bị cáo Ngô Thị Chinh (SN 1974, ở Đông Anh, Hà Nội) ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo cáo buộc, bà Ngô Thị Chinh là lao động tự do, không có chức năng, nhiệm vụ trong việc tuyển chọn công dân vào công tác trong ngành Công an và bán xe ô tô do Bộ Công an, Bộ Tài chính thanh lý.
Tuy nhiên, bị cáo tự giới thiệu với người bị hại việc bản thân quen biết với nhiều lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Tài chính, hứa hẹn có thể xin cho người khác vào công tác trong ngành Công an và đứng ra mua xe ô tô do 2 Bộ trên bán thanh lý để người khác tin tưởng, giao tiền rồi chiếm đoạt.
Cáo trạng xác định, từ tháng 4/2018 - 10/2021, bà Chinh đã chiếm đoạt hơn 9 tỷ đồng của 13 bị hại. Bị cáo thừa nhận đã cầm tiền và hứa hẹn xin vào ngành công an cho 4 trường hợp, đứng ra mua xe ô tô thanh lý cho 9 trường hợp.
Trong số các bị hại phải kể đến ông L.M.H (SN 1973, ở Gia Lâm, Hà Nội). Tháng 3/2015, con trai ông H là L.M.S (SN 1995) thực hiện nghĩa vụ Công an nhân dân tại Công an quận Tây Hồ.
Đầu năm 2018, sau khi con trai ra quân, ông H. gặp bà Chinh nhờ xin việc trong ngành công an. Lúc này, bà Chinh tự giới thiệu mình là cán bộ công tác tại Bộ Tư lệnh Cảnh vệ - Bộ Công an, hứa xin cho con trai ông H. tiếp tục công tác tại Công an quận Tây Hồ. Do tin tưởng bà Chinh, từ tháng 4/2018 đến 31/1/2019, ông H. đã 3 lần chuyển cho bị cáo tổng số tiền hơn 2,3 tỷ đồng.
Để tạo lòng tin, ngày 19/3/2019, bà Chinh gửi tin nhắn cho ông H. ảnh chụp 1 văn bản có nội dung: “Quyết định, ngày 10/3/2019 của Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, về việc anh L.M.H được gọi quay lại ngành theo chỉ tiêu bổ sung của Trung đoàn Cảnh sát cơ động thủ đô”.
Tuy nhiên, sau đó, con trai ông H. vẫn không được tuyển vào công tác tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động.
Theo cáo trạng, ngoài việc hứa hẹn xin cho con trai ông H. quay lại ngành công an công tác, bà Chinh còn giới thiệu có khả năng đổi tiền Việt Nam đồng sang tiền mới và ngoại tệ. Từ ngày 25/1- 25/10/2019, ông Hải đã nhiều lần chuyển khoản 75 tỷ đồng cho bà Chinh để nhờ bị cáo đổi giúp ra tiền ngoại tệ và tiền Việt Nam đồng mới.
Bà Chinh đã đổi tiền được một số lần và trả cho ông Hải, đến nay vẫn còn nợ 24,3 tỷ đồng chưa trả. Bị cáo thừa nhận việc có nhận của ông H. hơn 75 tỷ đồng để đổi tiền, nhưng không xác định được số tiền hiện còn nợ là bao nhiêu.
Cáo trạng cho rằng, đây là quan hệ dân sự, không thuộc thẩm quyền điều tra của CQĐT, việc giải quyết sẽ do hai bên tự thoả thuận hoặc khởi kiện dân sự.
Trả lời thẩm vấn tại toà, bà Chinh trình bày, từ năm 2018, bà quen người đàn ông tên Tuấn, người này giới thiệu làm ở Bộ Công an. Do có chút tình cảm với ông Tuấn nên bị cáo đã tin tưởng, mê muội, sau khi nhận tiền của các bị hại, bà Chinh đưa hết cho người đàn ông này để nhờ giúp đỡ. “Khi bị cáo đề nghị anh Tuấn trả tiền, thì anh ta khất lần. Bị cáo đã phải cầm cố nhà, đi vay lãi để trả tiền cho người bị hại”, bà Chinh khai.
Vẫn theo lời khai của bà Chinh, ông Tuấn chính là người đã đưa bà vào Bộ Tài Chính để nhờ một người đàn ông tên Hải đổi tiền giúp.
Trình bày tại toà, ông H. cho biết, sở dĩ ông tin tưởng giao tiền cho bị cáo vì khi đến nhà, thấy bà Chinh xếp tiền đầy nhà, quần áo ngành công an cũng treo khắp nơi trong nhà.
Sau khi xem xét, HĐXX quyết định trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung để làm rõ vai trò của người đàn ông tên Tuấn và Hải như lời khai của bị cáo.