Đại diện Vietnam Airlines cho biết các hậu quả của vụ tấn công ngày 29/7 đã được khắc phục xong và hệ thống của VNA đã vượt qua được "giai đoạn rủi ro ban đầu".
Chia sẻ tại Tọa đàm An toàn thông tin và mối đe dọa tới nền kinh tế Việt Nam do CLB Nhà báo CNTT - TT tổ chức chiều 27/9, ông Nguyễn Nam Tiến, Trưởng phòng Công nghệ của Vietnam Airlines đã nhắc lại vụ tấn công nhằm vào hàng không Việt Nam đợt cuối tháng 7. Tại thời điểm đó, hệ thống màn hình, loa, hệ thống check in của Tổng công ty Cảng hàng không tại sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất cùng hệ thống website, hệ thống thông tin dữ liệu khách hàng của Vietnam Airlines đã bị tin tặc xâm nhập và cãi mã độc... "Đây thực sự là một dịp để VietnamAirlines nhìn lại mình về năng lực an toàn thông tin", ông Tiến thừa nhận. Sau sự cố, song song với việc khắc phục thiệt hại, VietnamAirlines đã tiến hành đào tạo lại nhận thức về ATTT cho toàn bộ hệ thống, từ cấp cao nhất đến cấp thấp nhất, đồng thời sửa đổi quy trình đảm bảo an toàn thông tin với sự hỗ trợ của các đối tác. Doanh nghiệp này cũng đã tổ chức lại mô hình đảm bảo, ứng cứu an toàn thông tin, trong đó hệ thống an ninh mạng giám sát 24/24, rà quét các điểm yếu và mã độc liên tục để phát hiện nguy cơ mới... "Có thể nói, đến thời điểm hiện tại, có thể khẳng định hệ thống đảm bảo ATTT của VNA đã được nâng lên một tầm mới. Chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục rà quét nhưng đã vượt qua được giai đoạn rủi ro ban đầu", ông Tiến nhấn mạnh. Cũng phân tích về vụ tấn công này, ông Nguyễn Khắc Lịch, PGĐ Trung tâm Ứng cứu sự cố máy tính Việt Nam (VNCERT) cho rằng, kết quả "được nhiều hơn mất". Thiệt hại của vụ việc không quá nghiêm trọng, nhưng đã nâng cao được đáng kể nhận thức của cả xã hội về An toàn thông tin. "Trước vụ tấn công này, chúng ta tuyên truyền nhiều nhưng hiệu quả không như ý. Hầu hết mọi người vẫn chỉ coi đó là chuyện của người khác, là bản tin nghe trên thời sự chứ chưa thực sự coi là chuyện trong nhà", ông Lịch lý giải cho quan điểm của mình. Cần huy động tổng lực cho ATTT Là đơn vị thực thi quản lý nhà nước về ATTT, VNCERT cũng đưa ra những khuyến cáo cho cộng đồng về ATTT. "Mạng lưới ứng cứu sự cố quốc gia cần phải có sự kết nối, tham gia của những người làm ATTT tại Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị lớn. Kể cả các hacker mũ trắng cũng cần được coi là một thành tố quan trọng", ông Lịch nhấn mạnh. Các cơ quan, đơn vị nếu không đủ năng lực đảm bảo ATTT thì có thể thuê doanh nghiệp ATTT cung cấp dịch vụ và việc này sẽ giúp hình thành một thị trường dịch vụ ATTT cho Việt Nam. Chia sẻ với các cử tọa, ông Tống Viết Trung, Phó TGĐ Tập đoàn Viettel nhấn mạnh lại tầm quan trọng của vấn đề nhận thức. "Có ba kiểu nhận thức phổ biến hiện nay tại Việt Nam: thứ nhất là thờ ơ, không phải việc của mình; Thứ hai là "Phức tạp lắm, thôi để các ông lớn giải quyết chứ ta không giúp gì được" và cuối cùng là "Phức tạp lắm. Đóng cửa lại, không giao du nữa". Cả ba kiểu nhận thức này đều không ổn, ông Trung nêu rõ. Khuyến nghị mà ông Trung đưa ra là Việt Nam cần xác định các mục tiêu trọng điểm quốc gia để điều tiết nguồn lực cho phù hợp, với lý do chúng ta không thể làm tất cả các việc cùng lúc được mà cần có sự ưu tiên. Bên cạnh đó, đồng quan điểm với ông Nguyễn Khắc Lịch, ông Trung cũng đề cao vai trò của các doanh nghiệp chuyên về ATTT, những doanh nghiệp có điều kiện, nguồn lực, có đầu tư, cách làm việc bài bản và khả năng giám sát 24/7 cho các hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức...
Trong khi đó, ông Đỗ Vũ Anh, thành viên HĐTV Tập đoàn VNPT lại phân vân về cơ chế phối hợp tác chiến, chia sẻ thông tin giữa các đơn vị khi xảy ra sự cố. "Hiện tượng mất bò mới lo làm chuồng, nhà có cửa nhưng lại thiếu khóa còn rất phổ biến. Quy trình cơ chế phối hợp đã có, nhưng mức độ quyết tâm thực hiện của đa số đơn vị chưa cao". Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch CMC cho rằng Việt Nam đang thiếu một cơ quan đủ mạnh để đứng ra điều phối sự cố ở cấp quốc gia. "Chính phủ cần nhanh chóng thành lập một tổ chức như vậy để xử lý những vụ tấn công nhằm vào các hệ thống trọng yếu quốc gia", ông Chính kiến nghị.
友情链接 |