Sáng 31/10,tắctỷ số tối nay UBND TPHCM tổ chức phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10. Buổi làm việc nhằm đánh giá các nhiệm vụ của thành phố trong 10 tháng vừa qua và thảo luận, đưa ra giải pháp cho thời gian còn lại của năm 2024.
Mở đầu buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND TPHCM, cho biết, địa phương vẫn giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay là 7-7,5%. Do đó, các đại biểu cần thảo luận kỹ về các giải pháp trọng tâm để tiến tới mục tiêu này, đặc biệt là công tác giải ngân đầu tư công.
"Vấn đề giải ngân đầu tư công đã được bàn thảo rất nhiều. Lãnh đạo thành phố cũng đã trực tiếp xuống từng dự án và nghe khó khăn, vướng mắc của các đơn vị. Từng chủ đầu tư, quận, huyện, TP Thủ Đức cũng đưa ra giải pháp cụ thể, có quyết tâm, có lộ trình nhưng tỷ lệ giải ngân chưa đạt như mong muốn", Phó chủ tịch UBND TPHCM bày tỏ.
Ông Phạm Trung Kiên, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), thông tin, đến nay, thành phố đã giải ngân hơn 17.200 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 21,8% kế hoạch vốn được giao. Kết quả này thấp hơn mục tiêu các đơn vị đề ra hồi đầu năm là phải giải ngân 29% sau 10 tháng.
Qua rà soát công việc, lãnh đạo Sở KH&ĐT đưa ra các nguyên nhân chính khiến công tác giải ngân đầu tư công chưa như mong muốn là địa phương mới bổ sung số vốn đầu tư công trung hạn lớn khi có Nghị quyết 98 hồi giữa năm 2023. Các dự án được bổ sung vốn mới tập trung các bước về thủ tục đầu tư, chưa đến bước giải ngân.
"Một số dự án cuối năm 2023 và đầu năm 2024 được phê duyệt sẽ tăng tốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công vào cuối năm 2024", Phó giám đốc Sở KH&ĐT TPHCM khẳng định.
Kế đến là nhóm dự án vướng mắc do thay đổi các quy định pháp luật (Luật Đất đai, Luật Đấu thầu) khiến chủ đầu tư bị ảnh hưởng. Do đó, một số dự án phải điều chỉnh kế hoạch, thay đổi hồ sơ mời thầu và chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Thành phố có khoảng 32.000 tỷ đồng vốn đầu tư công đang tập trung ở nhóm vướng khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng, điển hình là dự án Rạch Xuyên Tâm, Bờ Bắc Kênh Đôi. Hiện nay, các địa phương cùng Sở Tài nguyên và Môi trường đang bổ sung nhân lực, rà soát pháp lý để quyết tâm giải ngân trong phần còn lại của năm.
Làm rõ về các dự án còn vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng, ông Võ Trung Trực, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), cho biết, năm 2024, toàn địa bàn có 176 dự án thuộc nhóm này. Trước tháng 9, tổng vốn dự kiến bố trí chỉ hơn 21.000 tỷ đồng.
"Khi Luật Đất đai mới có hiệu lực, một số dự án đã tăng tổng mức đầu tư do đi kèm các quy định, chính sách hỗ trợ thêm hộ dân bị ảnh hưởng. Tổng vốn cho các dự án này tăng lên hơn 32.000 tỷ đồng", ông Võ Trung Trực thông tin.
Lãnh đạo Sở TN&MT chia sẻ thêm, do lường trước Luật Đất đai 2024 sớm được áp dụng, thành phố đã tạm ngưng thực hiện một số dự án. Bởi, Luật Đất đai 2024 sẽ tác động rất lớn đến trường hợp bị ảnh hưởng, có một số điểm ưu việt trong hỗ trợ người dân.
"Khi Luật Đất đai mới đã được áp dụng, TPHCM và các sở, ngành, địa phương sẽ tập trung giải ngân hơn 32.000 tỷ đồng đối với nhóm dự án này trong tháng 11 và tháng 12. Đến cuối kỳ giải ngân, các dự án nhóm này sẽ đạt hơn 96% theo kế hoạch", ông Võ Trung Trực khẳng định.
Ngoài ra, TPHCM còn một số dự án cần xin ý kiến các cơ quan Trung ương nên tốc độ giải ngân chưa đạt tiến độ mong muốn. Một số dự án điển hình trong nhóm này là công trình giải quyết ngập do triều có tính tới biến đổi khí hậu, dự án metro số 1. Nhóm dự án này chiếm khoảng 10.000 tỷ đồng vốn đầu tư công của thành phố.
Phó giám đốc Sở KH&ĐT thông tin thêm, khoảng 4.000 tỷ đồng vốn đầu tư công của thành phố cũng nằm tại các dự án cần điều chỉnh quy hoạch cục bộ 1/2000 hoặc quy hoạch 1/500. Đối với nhóm dự án này, UBND TPHCM đã giao Sở Quy hoạch và Kiến trúc phân chia từng nhóm và phối hợp các quận, huyện, TP Thủ Đức để thúc đẩy.
"Riêng các dự án khởi công mới, các đơn vị bám rất sát tiến độ giải quyết thủ tục về môi trường, thủ tục phê duyệt dự án. Hồ sơ của doanh nghiệp nộp qua phần mềm thì phải giải quyết ngay và trả kết quả ngay, cập nhật tiến độ hàng ngày", ông Phạm Trung Kiên nói.
Các giải pháp khác để thúc đẩy tiến độ giải ngân đầu tư công được Sở KH&ĐT TPHCM đưa ra là vận dụng các quy định pháp luật để thực hiện song song nhiều thủ tục cùng lúc như điều chỉnh quy hoạch, cấp giấy phép môi trường, phê duyệt dự án. Các chủ đầu tư chậm trễ giải ngân vì lý do chủ quan cần bị xử lý trách nhiệm.
Sở KH&ĐT cũng tham mưu UBND TPHCM tăng cường kiểm tra, giám sát vốn, đặc biệt là các dự án có số vốn lớn trong năm 2024. Thành phố cần xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở công tác giải ngân đầu tư công.