Ngày 22-11,̣cphíkhủngnhưngmậpmờchấtlượgiải j-league 1 nhật bản Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) cùng Sở Tài chính Hà Nội có tờ trình gửi UBND TP Hà Nội về việc đề xuất điều chỉnh Nghị quyết 15/2013/NQ - HĐND TP Hà Nội về cơ chế tài chính đối với trường chất lượng cao.
Tờ trình đề xuất tăng trần học phí trường chất lượng cao năm học 2016-2017 lên 3,9 đến 4,1 triệu đồng/học sinh/tháng. Việc đề xuất tăng trần học phí khiến dư luận khá ngỡ ngàng và băn khoăn bởi sự không rõ ràng, minh bạch trong việc triển khai trường học chất lượng cao ở Hà Nội hiện nay.
Học sinh Trường mầm non đô thị Sài Đồng trong giờ học tập với người nước ngoài. |
Học phí gấp 410 lần mức đại trà?
Năm 2013, thực hiện Luật Thủ đô, UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định số 20/2013/QĐ-UBND (Quyết định 20) quy định một số tiêu chí về trường chất lượng cao. Trong đó, mỗi cấp học từ mầm non đến THPT đều được quy định cụ thể các tiêu chí: Cơ sở vật chất; đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên; chương trình giảng dạy; phương pháp giảng dạy; các dịch vụ chất lượng cao. Một số tiêu chí cụ thể đối với trường học mầm non chất lượng cao như: Phải bảo đảm cơ sở vật chất được xây kiên cố; có 70% giáo viên đạt trình độ chuyên ngành trên chuẩn và có chứng chỉ tiếng Anh trình độ A, 10% có trình độ B)...
Đối với trường tiểu học chất lượng cao bảo đảm có số phòng học cho học sinh học hai buổi/ngày (mỗi lớp không quá 30 học sinh); 100% giáo viên đạt trình độ trên chuẩn theo quy định, ít nhất 80% giáo viên xếp loại xuất sắc theo chuẩn nghề nghiệp; 100% cán bộ quản lý, giáo viên có kiến thức và kỹ năng thực hiện phương pháp dạy học tích cực, chủ động thực hiện mô hình dạy học phân hóa bảo đảm phù hợp với từng đối tượng; có không quá 5% học sinh xếp loại giáo dục trung bình; 100% học sinh được khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ sáu tháng/lần và tiêm chủng phòng bệnh.
Đối với trường trung học có 40% giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, 80% cán bộ quản lý có bằng thạc sĩ trở lên đối với bậc THPT; bổ sung chương trình tiếng Anh nghe, nói với người nước ngoài; sử dụng các phương pháp dạy học mở để học sinh có khả năng trải nghiệm, khám phá và làm quen được với công tác nghiên cứu khoa hoc; có bán trú cho học sinh với các điều kiện sinh hoạt hiện đại, khoa học...
Để triển khai mô hình trường chất lượng cao, HĐND TP Hà Nội ban hành Nghị quyết 15/2013/NQ-HĐND (Nghị quyết 15) về cơ chế tài chính áp dụng đối với các cơ sở công lập chất lượng cao trên địa bàn Hà Nội. Theo nghị quyết, trần học phí đối với cơ sở giáo dục chất lượng cao năm học 2013-2014 từ 2,9 đến 3 triệu đồng/học sinh/tháng, tùy theo bậc học. Trong khi đó, quyết định 22/2012/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về mức học phí đại trà công lập của năm học 2013-2014 từ 20 đến 40 nghìn đồng/học sinh/tháng, tùy theo bậc học, vùng miền. Như vậy, mức trần học học phí cao nhất của trường chất lượng cao bằng 75 đến 150 lần so với mức học phí đại trà, tùy theo vùng miền. Đáng chú ý, sau một số năm triển khai, đến nay, trên địa bàn Hà Nội có tám trường công lập được công nhận chất lượng cao. Tuy nhiên, trong tờ trình số 439/LN: GD và ĐT-TC ngày 22-11 do Giám đốc Sở GD và ĐT Nguyễn Hữu Độ và Giám đốc Sở Tài Chính Hà Nội Hà Minh Hải ký, gửi UBND TP Hà Nội nêu lên một số khó khăn và đề xuất trần học phí của trường chất lượng cao năm học 2016-2017 từ 3,9 triệu đến 4,1 triệu đồng/học sinh/tháng. Như vậy mức trần học phí cao nhất của trường chất lượng cao trên địa bàn Hà Nội được đề nghị cao hơn mức học phí đại trà hiện hành (10 nghìn đến 80 nghìn đồng/học sinh/tháng) từ 51,25 đến 410 lần, tùy theo vùng miền.
Mập mờ chất lượng
Chủ trương triển khai mô hình một số trường học chất lượng cao là đúng đắn và phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay trên địa bàn Hà Nội. Tuy nhiên, điều khiến dư luận xã hội băn khoăn là trong khi đệ trình mức thu quá cao nhưng ngành giáo dục Hà Nội lại không chứng minh được việc thu tiền cao gắn với các tiêu chí chất lượng cao theo quy định. Trong khi UBND TP Hà Nội đã có quy định rất rõ từng tiêu chí cụ thể đối với trường chất lượng cao trong Quyết định 20, thì trong tờ trình gửi UBND TP Hà Nội, cũng như khi trình bày tại hội nghị lấy ý kiến phản biện của UBMTTQ Việt Nam TP Hà Nội về việc bổ sung Nghị quyết 15, Giám đốc Sở GD và ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ chỉ đưa ra được hiệu quả trường chất lượng cao một cách chung chung, thiếu rõ ràng hiệu quả trường chất lượng cao thực hiện từ năm 2013 đến nay là: Đáp ứng được nhu cầu học tập đa dạng của học sinh trong bối cảnh hội nhập; đáp ứng được tiêu chí theo quy định; chuyển biến trong chất lượng đội ngũ...
Đáng chú ý, ngành giáo dục Hà Nội luôn khẳng định trường chất lượng cao đạt kết quả tốt nhưng thực tế, sau hai năm triển khai, kết quả giám sát của HĐND TP Hà Nội đợt tháng 4-2015 đã chỉ ra: Đề án phát triển chất lượng cao của một số trường còn hạn chế, không đầy đủ, chưa chỉ ra được lộ trình và cơ chế tài chính dẫn đến tính khả thi chưa cao; Sở GD và ĐT, Sở Tài chính Hà Nội chậm chễ trong việc thực hiện nghị quyết của HĐND TP Hà Nội dẫn đến các trường còn lúng túng...
Nhiều ý kiến cho rằng, quá trình triển khai mô hình trường chất lượng cao ở Hà Nội đang quá nặng về thu tiền mà ít chú ý đến chất lượng và sự công bằng trong giáo dục. Phần lớn trường chất lượng cao đều là cơ sở giáo dục từng được đầu tư tốt về điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ; được hỗ trợ kinh phí trong giai đoạn thí điểm chất lượng cao, sau đó được thu học phí ở mức “trên giời”. Ông Vũ Thành Vĩnh, thành viên hội đồng tư vấn dân chủ - pháp luật, UBMTTQ Việt Nam TP Hà Nội cho rằng, để có thể tăng trần học phí trường chất lượng cao, cần có báo cáo đánh giá tác động, tính hiệu quả của mô hình thời gian qua ra sao; cần làm rõ kết quả của việc thu, chi tại các trường, nhất là việc thu học phí ở các trường có sự chênh lệch lớn.
PGS, TS Bùi Thị An, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội KHKT TP Hà Nội cho rằng: UBND TP Hà Nội cần có đánh giá chi tiết những trường đã công nhận, thí điểm không đạt chất lượng và chỉ rõ trách nhiệm đối với những hạn chế trong quá trình triển khai. Nhà giáo Nguyễn Thị Hoàng Yến (Hội nữ Trí thức Hà Nội) nhìn nhận sau ba năm triển khai, TP Hà Nội chưa đánh giá được một cách định tính, chi tiết, cụ thể. Việc đưa ra nhận xét, kết luận về trường chất lượng cao thiếu rõ ràng và không phục.
Đáng chú ý, theo thừa nhận của Sở GD và ĐT Hà Nội, với cơ chế tài chính như hiện nay thì trường chất lượng cao rất khó triển khai ở những huyện ngoại thành nơi điều kiện thu nhập của người dân còn thấp, tạo sự chênh lệch giữa các vùng trên địa bàn thủ đô. Theo nhà giáo Nguyễn Tùng Lâm (Trường THPT Đinh Tiên Hoàng): Cần bảo đảm mỗi một huyện của Hà Nội xây dựng ít nhất một trường chất lượng cao. Tuy nhiên, để làm được điều đó không thể chỉ tập trung vào thu tiền mà phải có chương trình phù hợp để quan tâm đến các em học sinh khó khăn, thiệt thòi, khiếm thị, khiếm thính, khuyết tật.
PGS,TS Bùi Thị An cho rằng, Sở GD và ĐT Hà Nội cần quan tâm hơn đến chất lượng đội ngũ giáo viên. Nếu hiệu trưởng, giáo viên không đủ tầm, đủ tâm thì rất khó làm được chất lượng tốt. Hiệu trưởng Trường THCS Nam Từ Liêm (trường được công nhận chất lượng cao) Hoàng Thị Yến cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, cần xem xét việc cùng là trường công lập chất lượng cao nhưng mức thu khác nhau, có trường vừa được thu học phí cao hơn trong khi lại còn được ngân sách tài trợ 100% tiền lương thì khó chấp nhận.
Có thể nói, trường chất lượng cao là nhu cầu chính đáng trong phát triển giáo dục Hà Nội. Tuy nhiên, việc các cơ quan quản lý nhà nước khi triển khai chỉ tập trung vào thu tiền cao mà chưa bảo đảm được chất lượng tương xứng, bảo đảm công bằng giáo dục sẽ gây nên những bức xúc trong dư luận xã hội. Điều đó đòi đòi các cấp, các ngành của Hà Nội cần có đánh giá, nhìn nhận rõ ràng, thuyết phục và công khai, minh bạch để triển khai hiệu quả, đúng bản chất mô hình trường học chất lượng cao.
(Theo Xuân Kỳ - Qúy Tùng/ Nhân Dân)