Chiến tranh đã lùi xa 40 năm. Chừng đó thời gian,ựhàotiếpbướtỷ số úc hôm nay người dân Bình Dương cảm nhận sự đổi thay từng ngày của vùng đất này. Có được ngày hôm nay, chúng ta không thể nào quên những hy sinh, đóng góp của các thế hệ đi trước. Và, những công dân trẻ sinh sau năm 1975 đã có những việc làm cụ thể, đóng góp xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp…
* Trần Quốc Khánh (SN 1975), giáo viên tin học trường THPT chuyên Hùng Vương: Hạnh phúc khi được tiếp “lửa” cho các em học sinh
Đối với thầy Khánh, dạy học là niềm đam mê và mỗi ngày được đến trường truyền đạt cho các em học sinh (HS) thân yêu kiến thức của mình là một niềm vui khó tả. Đáp trả sự kỳ vọng của thầy, nhiều thế hệ học trò do thầy Khánh bồi dưỡng đã nỗ lực hết mình để có mặt trong các kỳ thi tin học trong và ngoài nước.
Sinh ra và lớn lên tại vùng quê nông thôn ở tỉnh Ninh Bình, chàng trai Trần Quốc Khánh cho đến ngày rời ghế trường THPT vẫn chưa biết gì nhiều về chiếc máy tính. Nhưng anh vẫn đăng ký thi vào khoa tin học Học viện Kỹ thuật quân sự (Hà Nội).
Thầy giáo Trần Quốc Khánh (đứng) hướng dẫn bài tập cho HS lớp bồi dưỡng HS giỏi tin học sau giờ học chính khóa
Những năm còn là sinh viên cho tới khi ra trường vài năm, Khánh vẫn cặm cụi đi dạy thêm để vừa kiếm thêm thu nhập vừa thỏa mãn niềm đam mê giảng dạy. Năm 2005, khi biết thông tin Sở Giáo dục - Đào tạo Bình Dương đang tuyển dụng giáo viên, anh đã khăn gói vào Nam lập nghiệp. Được Ban Giám hiệu nhà trường tạo mọi điều kiện để hoàn thành nhiệm vụ, năm 2013, anh được đề bạt làm tổ phó tổ bộ môn tin học tại trường THPT chuyên Hùng Vương. Đối với Khánh, Bình Dương đã trở thành quê hương thứ hai của anh. Nói về vùng đất mới, anh chia sẻ: “10 năm công tác tại đây tôi đã có cuộc sống ổn định, có gia đình và một công việc yêu thích. Đối với tôi, Bình Dương là tỉnh có nhiều chính sách cởi mở trong việc tuyển chọn lao động, cơ sở hạ tầng tốt, cuộc sống khá dễ chịu. Tôi thật sự thích cuộc sống ở đây vì nó phù hợp với tính cách của mình…”.
Mỗi tuần, ngoài việc giảng dạy khoảng 18 tiết tin học cho các em HS, thầy Khánh còn dành hai ngày cuối tuần để bồi dưỡng thêm kiến thức cho lớp HS giỏi tin học. Không chỉ vậy, vào những ngày bình thường hoặc ngày lễ, miễn HS thu xếp được thời gian là thầy Khánh lại tất bật chuẩn bị tài liệu, giáo án để đến với các em. Đây là công việc yêu thích nhưng cũng khiến anh đầu tư nhiều công sức nhất. Ngoài việc thu xếp quỹ thời gian ít ỏi để giảng dạy, người giáo viên trẻ này còn thường xuyên cập nhật, thu thập nhiều tài liệu cần thiết để tổng hợp rồi truyền đạt lại cho HS của mình.
Trước sự đầu tư cũng như tâm huyết của thầy Khánh dành cho, nhiều HS đã không ngừng nỗ lực để giành thành tích cao trong các kỳ thi HS giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia. Nhiều năm liền, các HS do thầy Khánh trực tiếp hướng dẫn được cử đi thi đều đạt giải cao ở kỳ thi HS giỏi tin học cấp quốc gia (5 giải khuyến khích, 1 giải ba, 1 giải nhì). Riêng năm học vừa qua, một thí sinh đã giành giải cao tại các kỳ thi trong nước và được cử tham dự kỳ thi tin học châu Á. Nếu kết quả khả quan, đây sẽ là thí sinh đại diện cho Việt Nam tại đấu trường tin học quốc tế.
* Nguyễn Hữu Duy (SN 1977), giáo viên trường Trung cấp Mỹ thuật: Thế hệ trẻ phải sống xứng đáng với sự hy sinh của cha ông
Tôi sinh năm 1977, không phải chứng kiến cảnh chiến tranh, loạn lạc, đó là một sự may mắn. Thế nên, tôi vẫn thường dạy học trò của mình phải biết phấn đấu, có lý tưởng và hoài bão trong cuộc sống để xứng đáng với sự hy sinh, mất mát của cha ông cho ngày độc lập.
Tôi là người Bình Dương và tôi tự hào về đổi thay của quê hương mình. Tác phẩm mới nhất của tôi là bức tranh khắc gỗ miêu tả con đường Phạm Ngọc Thạch, một con đường đẹp của Bình Dương mới được xây dựng. Tôi sẽ tiếp tục đi và vẽ về cảnh đẹp quê hương mình.
* Nguyễn Hữu Châu (SN 1976), Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường An Phú, TX.Thuận An: Gần dân, để làm tốt hơn công việc được giao
Nguyễn Hữu Châu sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng ở xã Bình Hòa, huyện Thuận An (cũ). Đối với anh, được chứng kiến sự đổi thay của đất nước, đặc biệt khi chứng kiến Bình Dương nhanh chóng phát triển là niềm tự hào của thế hệ trẻ hôm nay và cũng đặt ra cho thế hệ trẻ như anh những yêu cầu để kế thừa, tiếp nối. Anh nói cứ mỗi lần đến ngày lễ 30-4, 1-5, nhìn những cung đường rực cờ đỏ sao vàng là cảm thấy tự hào khi chứng kiến sự đổi thay của Bình Dương năng động trong thời bình.
Anh Nguyễn Hữu Châu (bìa trái) trao đổi công việc với cán bộ phường An Phú
Tham gia công tác ở Văn phòng Đảng ủy xã Bình Hòa rồi làm cán bộ Huyện đoàn Thuận An đã giúp anh Châu hiểu sâu, nắm chắc về chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước qua từng thời kỳ. Anh nhìn nhận: “Kể từ Đại hội Trung ương Đảng lần thứ 6, năm 1986 đã đánh dấu một bước ngoặt của sự phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Nhìn sự phát triển của đất nước nói chung và đổi thay của Bình Dương nói riêng đã khiến tuổi trẻ chúng tôi tin tưởng tuyệt đối vào đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ta. Riêng đối với Bình Dương trong những năm gần đây đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm phát triển công nghiệp, thu hút nhiều nhà đầu tư, nhân tài trong và ngoài nước đến sinh sống và làm việc. Nhiều địa phương trước đây là đất trắng, đồi trọc, nhưng giờ đây đã mọc lên các khu công nghiệp, thu hút hàng ngàn công nhân đến Bình Dương làm việc. Đó là cơ hội và cũng là thách thức cho thế hệ trẻ muốn khẳng định được mình”.
Là cán bộ đang giữ chức vụ quan trọng của chính quyền cấp cơ sở, anh luôn thể hiện sự năng động, nhiệt huyết cống hiến. Với vai trò là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường An Phú, thời gian qua, ngoài việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, anh Châu cùng cán bộ, đảng viên đã huy động được sức dân đóng góp để xây dựng An Phú thành một phường “văn minh, giàu mạnh”. Anh cho biết: “Nếu trước năm 1975, người dân An Phú lập nên những chiến công đã đi vào lịch sử, thì nay họ đã đồng lòng chung sức trong việc xây dựng địa phương văn minh, giàu đẹp bằng những việc làm cụ thể như bê tông hóa đường giao thông, kéo dây dẫn thắp bóng điện trên các trục đường hẻm, chung tiền mua xe ô tô cho lực lượng khu phố đi tuần tra, chung tay xây dựng nhà đại đoàn kết, lắp đặt hệ thống camera an ninh ở nhiều khu phố… Chỉ tính năm 2014, số tiền mà nhân dân đóng góp khoảng 700 triệu đồng”.
Ngay sau khi đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND phường An Phú, anh Châu đã chỉ đạo cho các bộ phận liên quan bố trí, sắp xếp lại bộ máy hoạt động ở bộ phận “một cửa” với phương châm “Không để dân chờ - Chất lượng trong công việc”. Song song đó, anh rất quan tâm đến trật tự văn minh đô thị và môi trường sinh thái ở địa phương. Năm 2014, UBND phường An Phú đã tổ chức họp dân ở các khu phố để bàn về phương hướng lập lại trật tự đô thị, người dân đồng tình hưởng ứng. Trên cơ sở đó, lực lượng chức năng địa phương cũng thường xuyên tổ chức tuần tra sắp xếp những người mua bán lấn chiếm lòng lề đường. Nhờ đó, đến nay trật tự đô thị ở địa phương này đã đi vào nề nếp.
TÂM TRANG - QUỲNH NHƯ - THANH QUANG