Đây là minh chứng cho sự tàn bạo của chế độ này,ữngkýứckhôngquêncủaquândânCampuchiavàViệtNamChứngtíchđauthươkq villarreal đồng thời khẳng định giá trị nhân văn, tính chính nghĩa và nghĩa vụ quốc tế cao cả của quân tình nguyện Việt Nam đối với sự nghiệp giải phóng Campuchia khỏi chế độ diệt chủng và tái thiết đất nước.
Khu di tích nhà mồ Ba Chúc. Ảnh: TTXVN |
Tận cùng tội ác
Ngày 14/4/1978, hai sư đoàn quân Khmer Đỏ xuất phát từ dãy núi Voi (gần đường biên giới Việt Nam – Campuchia) đến đánh chiếm An Giang. Hơn 10 ngày đêm, chúng bao vây, tập trung đánh vào xã Ba Chúc, huyện Tri Tôn và giết người hàng loạt, tàn sát bất cứ ai mà chúng bắt được.
Dẫn chúng tôi thăm Nhà trưng bày chứng tích tội ác của Khmer Đỏ và khu nhà mồ Ba Chúc tại Khu di tích lịch sử Nhà mồ Ba Chúc, ông Lê Văn Phước (sinh năm 1943) mắt cứ đỏ hoe. Ông là một tín đồ Đạo hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa hàng ngày vẫn tới Nhà mồ Ba Chúc lau dọn và dâng hương những oan hồn. Trong 13 ngày đêm đánh chiếm Ba Chúc, quân Khmer Đỏ đã dìm cả vùng đất này trong biển lửa và máu. Những người dân Ba Chúc từng chứng kiến cảnh tượng ấy bây giờ đều đã già, nhắc tới cảnh tượng năm xưa, ai cũng phải rùng mình, ghê sợ.
Ngược dòng thời gian, vào những ngày tháng 3 âm lịch năm 1978, Khmer Đỏ cho quân tràn qua biên giới Tây Nam gây tội ác đẫm máu đối với nhân dân Việt Nam. Trong đó, địa bàn Ba Chúc (cách biên giới Campuchia 7 km) là trọng điểm đánh phá của chúng. Với phương châm "giết sạch, đốt sạch, phá sạch", chỉ trong thời gian rất ngắn, từ ngày 18 đến 30/4/1978, chúng đã thảm sát hơn 3.157 người dân vô tội ở Ba Chúc. Ông Nguyễn Văn Mến, một nhân chứng cuộc thảm sát nhớ lại: Khi lính Khmer Đỏ xâm lấn biên giới, nhân dân chạy vào chùa trú ẩn vì nghĩ rằng chúng sẽ không giết người trước mặt Đức Phật từ bi. Ai ngờ ngày 17/4/1978, loạt pháo cuối cùng chúng bắn trúng hậu liên chùa Tam Bửu. Ông Mến và vài người đang trốn sau nhà bếp của chùa nên may mắn thoát chết nhưng đã có hơn 50 người chết không toàn thây, hàng chục người khác bị thương, máu loang đỏ nền chùa.
Sáng hôm sau, quân Khmer Đỏ tràn vào chùa Tam Bửu, bắt hơn 800 người đang ẩn nấp tại đây và xua họ đi thảm sát tập thể ở cánh đồng Cầu Sắt và giồng Ông Tướng. Đối diện chùa Tam Bửu là chùa Phi Lai. 15 giờ ngày hôm đó, lính Khmer Đỏ tràn vào chùa, xả súng bắn chết tại chỗ 80 người; 100 người khác bỏ chạy cũng bị chúng dùng báng súng và dùi cui gỗ đánh đến chết; 40 người nấp dưới bàn thờ Phật cũng bị chúng tung lựu đạn vào, chỉ còn duy nhất 1 người sống sót. Ông Mến kể lính Khmer Đỏ thường đợi khi bà con ra đồng thăm, thu hoạch lúa, dưa là chúng gom lại để giết. Chúng còn lùa người dân vào chùa, hang núi để giết hại từng người. Những hang đá trên núi Tượng (Kỳ Lân Sơn trong dãy Thất Sơn) đã trở thành những mồ chôn người tập thể. Trong hang Ba Lê, 50 người trong một dòng họ không còn ai sống sót; bên cạnh là giồng Ông Tướng đã vùi thây 100 sinh linh vô tội khác…
Chỉ 13 ngày đêm, vùng đất Ba Chúc đã phải chịu đựng 30 lần tấn công của lính Khmer Đỏ; hơn 3.157 người dân vô tội bị sát hại, toàn bộ hoa màu, nhà cửa, công trình bị đốt sạch, phá sạch. Ba Chúc hoang tàn như một vùng đất chết. Nỗi đau ấy không bao giờ nguôi ngoai.
Mầm xanh ở Ba Chúc
Trong chiến tranh biên giới Tây Nam, đất và người Ba Chúc đã gánh chịu nhiều nỗi đau. Cuộc chiến đi qua, người dân về lại đất này, mang sức người kiến thiết quê hương.
Ông Nguyễn Văn Sấm, Bí Thư Đảng ủy thị trấn Ba Chúc cho biết, với sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền, sự nỗ lực của người dân, Ba Chúc đã khởi sắc. Trong lĩnh vực giáo dục, từ một vùng quê miền núi có trình độ dân trí thấp, đến nay thị trấn đã có trường Mầm non đạt chuẩn phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi; Trường trung học phổ thông Ba Chúc với tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp 100% liên tục nhiều năm qua; nhiều học sinh đỗ vào các trường cao đẳng, đại học trong và ngoài tỉnh. Đến cuối năm 2018, số hộ nghèo của thị trấn chỉ còn 11% (469 hộ); thu nhập bình quân đầu người đạt gần 42 triệu/người/năm.
Sau những nỗ lực khôi phục sản xuất, đoàn kết vượt qua khó khăn, người dân cùng chính quyền đã chung tay xây dựng Ba Chúc ngày càng phát triển. Tháng 1/2003, Ba Chúc trở thành 1 trong 2 thị trấn của huyện Tri Tôn, kinh tế - xã hội tăng trưởng vượt bậc. Hệ thống điện, đường, trường, trạm của thị trấn về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu của người dân địa phương. Hiện nay, Ba Chúc đã có Trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, phục vụ tốt nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.
Trong quá trình xây dựng quê hương, Ba Chúc luôn chú trọng phát huy nội lực của địa phương. Ông Nguyễn Văn Sấm chia sẻ: Ba Chúc vốn là trung tâm thương mại, dịch vụ của các xã lân cận nên đây sẽ là điều kiện để địa phương phát triển kinh tế. Với vị trí là “điểm nút” về giao thương hàng hóa, kết nối của các khu điểm du lịch nổi tiếng của miền Tây Nam bộ như: Thành phố biển Hà Tiên (Kiên Giang), khu du lịch Chùa bà Chúa Xứ Núi Sam, Núi Cấm (An Giang)…, Ba Chúc có đủ điều kiện để phát triển thương mại và kéo theo sự phát triển mạnh về dịch vụ.
Nhà mồ Ba Chúc được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1980. Năm 2013, Khu di tích được khởi công xây dựng lại với quy mô 5 ha, kinh phí gần 30 tỷ đồng. Các hạng mục trong khu di tích như: Khu nhà mồ trung tâm thiết kế theo hình hoa sen 16 cánh màu trắng, có lầu chuông phù hợp với đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa; khu trưng bày 1.159 bộ hài cốt; nhà trưng bày chứng tích hình ảnh, hiện vật, phương tiện đã thảm sát người dân Ba Chúc… Mục tiêu trước mắt của địa phương là phát triển di tích này không chỉ là nơi lưu giữ lại chứng tích tội ác chiến tranh, nơi thờ cúng, tưởng niệm 3.157 nạn nhân xấu số mà còn là điểm thu hút khách du lịch đến thăm, viếng, tìm hiểu về Ba Chúc để hiểu hơn về sự mất mát, đau thương của chiến tranh. Tính đến cuối tháng 11 năm 2018, Khu di tích lịch sử quốc gia nhà mồ Ba Chúc, chùa Tam Bửu - Phi Lai thu hút hơn gần 500.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, cúng viếng.
Tại buổi Hội đàm cấp cao mới đây giữa MTTQ Việt Nam và Mặt trận Đoàn kết Phát triển Tổ quốc Campuchia, ông Nhem Valy, Phó Chủ tịch thường trực - Tổng Thư ký Hội đồng quốc gia Mặt trận Đoàn kết Phát triển Tổ quốc Campuchia bày tỏ biết ơn sự giúp đỡ của quân, dân Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Campuchia. Thời gian tới, Mặt trận hai nước sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền để giúp các tầng lớp nhân dân hai nước nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng của mối quan hệ thiêng liêng giữa hai dân tộc; thấy rõ trách nhiệm gìn giữ và vun đắp hơn nữa cho quan hệ hai nước, góp phần cho sự ổn định và phát triển của 2 nước Việt Nam - Campuchia.
Theo TTXVN