-Theo Savill Việt Nam, mức phí đỗ xe tại trung tâm Hà Nội đắt hơn cả TP.HCM, đang tiệm cận các TP phát triển như Singapore, Seoul trong khi cao hơn nhiều so với Bangkok và Jakarta. Trong nghiên cứu về giao thông đô thị của Savill Việt Nam mới đây, đơn vị tư vấn này cho biết, mức phí đỗ xe khu vực trung tâm TP.HCM và Hà Nội đang ở mức cao hơn nhiều so với các thành phố khu vực như Bangkok, Manila hay Jakarta và đang tiệm cận các TP phát triển như Singapore, Seoul. Biểu đồ về phí đỗ xe tại trung tâm TPHCM và Hà Nội cho thấy mức phí ở 2 TP cao gần gấp đôi Bangkok và gần gấp 3 lần Manila. Tình trạng thiếu hụt nguồn cung đang diễn ra. Yêu cầu về tỷ lệ đỗ xe của Việt Nam cao hơn các quốc gia phát triển trong khu vực tuy nhiên thấp hơn các nước đang phát triển. TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội nằm trong nhóm các TP có giá thuê văn phòng đắt đỏ hơn nhiều so với chỗ đỗ xe. Trong khi đó, tỷ lệ đất giao thông tại 2 TP này khu vực trung tâm hiện ở mức dưới 9%, tỷ lệ tương đương với Jakarta và Bangkok tuy nhiên thấp hơn đáng kể so với Thượng Hải, Singapore, Seoul và Tokyo. Do thiếu hụt của hệ thống giao thông công cộng, tỷ lệ đất giao thông trở thành một nỗi lo ngại. Trong giai đoạn 2011-2015, vốn Chính phủ chiếm 55% tổng đầu tư cho hạ tầng giao thông, trong khi chỉ chiếm 20% giai đoạn 2016-2020. Dẫn số liệu của Numbeo, Savills cho biết chỉ số di chuyển thiếu hiệu quả (Traffic Inefficiency Index) ở Hà Nội rất cao, chỉ đứng sau Jakarta, Bangkok và Thượng Hải. Trong khi đó, chỉ số giao thông ở TPHCM đang ở mức tốt nhất so với các thành phố lân cận, tốt hơn cả Hà Nội. Thời gian di chuyển trên cùng 1 quãng đường ở Hà Nội mất tới 45 phút, còn TPHCM chỉ mất 30 phút. Tỷ lệ đất giao thông tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh khu vực trung tâm hiện ở mức dưới 9% Số liệu thống kê cho thấy, doanh số bán xe ô tô du lịch tăng trung bình 35%/năm trong 5 năm gần đây. Dự báo, số lượng xe du lịch sẽ gấp 3 lần vào năm 2025 tại TP.HCM và Hà Nội. Cùng với sự tăng lên của mật độ dân số và khả năng hạn chế trong việc mở rộng hệ thống đường giao thông khu vực trung tâm, nguy cơ tắc nghẽn giao thông đang trở nên ngày càng hiện hữu. Savills cho rằng, việc phát triển hệ thống giao thông công cộng, đặc biệt đường sắt đô thị có thể tác động mạnh đến sự phát triển của thị trường bất động sản. TP.HCM dự định phát triển 5 tuyến đường trên cao với tổng chiều dài 71 km và 5 tuyến đường sắt đô thị dài 106 km, tổng chi phí đầu tư trên 20 tỷ USD. Tương tự, Hà Nội lên kế hoạch cho 8 tuyến đường sắt đô thị với chiều dài 260km và 6 tuyến đường sắt trên cao. Thời gian di chuyển trên cùng 1 quãng đường ở Hà Nội mất tới 45 phút, còn TPHCM mất 30 phút. Mô hình phát triển quanh điểm trung chuyển có thể là một hướng đi mới, chủ đạo trong tương lai với các hạng mục như nhà ở, văn phòng, bán lẻ, bến đỗ xe phát triển ở khu vực lân cận các trạm trung chuyển. “Tuyến đường sắt đô thị đầu tiên được dự kiến sẽ đi vào vận hành toàn bộ vào năm 2020 và được kỳ vọng sẽ dịch chuyển xu hướng phát triển của thị trường. Việc sống ở các khu vực ngoại ô sẽ trở nên hấp dẫn và tiết kiệm chi phí hơn, khi đó sẽ thu hút được các nhà đầu tư rời khỏi khu vực trung tâm. Giá trị bất động sản gần các điểm trung chuyển có thể tăng giá đáng kể, như đã từng ở mức 10% ở Trung Quốc và Thái Lan, và 32% ở Hồng Kông. Điều tương tự có thể sẽ xảy ra ở Việt Nam” – Savill nhận định. Hồng Khanh