Phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số
Hiện nay quy mô nguồn nhân lực của tỉnh Quảng Ninh có hơn 780.000 người,ảngNinhđẩymạnhđàotạonguồnnhânlựcsốcập nhật tỉ số tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85%, trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 45,5%, thuộc nhóm dẫn đầu cả nước. Cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực theo đúng định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng: Khu vực nông nghiệp 23,8%; công nghiệp, xây dựng 31%; dịch vụ 45,2%...
Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV xác định phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số là một trong 3 khâu đột phá chiến lược, là nền tảng vững chắc để tạo đà cho sự phát triển bền vững. Trong đó, gắn với một trong những nội dung trọng tâm trong giai đoạn mới là CĐS toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh xác định việc xây dựng nguồn “nhân lực số” là một nhiệm vụ trọng yếu.
Thời gian qua, Quảng Ninh đẩy mạnh các hoạt động nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực CĐS. Công tác truyền thông được triển khai tích cực qua Cổng Thông tin điện tử của tỉnh, qua 3 kênh Zalo "Chuyển đổi số Quảng Ninh", "Chính quyền điện tử Quảng Ninh" và của Sở Thông tin và Truyền thông. Ngoài ra, tỉnh đã tích hợp kênh Zalo "Chuyển đổi số quốc gia" của Bộ Thông tin và Truyền thông vào kênh Zalo "Chính quyền điện tử Quảng Ninh" để thuận tiện cho người dân tiếp cận thông tin.
Đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, đến tháng 9/2022 tỉnh đã thực hiện 834 bài thời sự, 26 chuyên đề, 67 clip và tờ rơi hướng dẫn kỹ năng số từ cơ bản đến chuyên sâu cho từng đối tượng, góp phần nâng cao, phổ cập các kỹ năng số.
Quảng Ninh cũng tập trung thực hiện các kế hoạch tổng thể về đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng công nghệ cho cán bộ, người dân và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về CNTT.
Theo đó, tỉnh đã tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về CĐS tại Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, trường ĐH Hạ Long, Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh, các địa phương: Hạ Long, Cẩm Phả, Đầm Hà, Ba Chẽ, Vân Đồn...; Trường Đào tạo Cán bộ Nguyễn Văn Cừ tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức bồi dưỡng chuyên đề về CĐS cho 123 đồng chí Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã; Tổ chức 11 lớp tập huấn, hướng dẫn triển khai số hóa hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính cho toàn bộ các lãnh đạo, cán bộ, chuyên viên tham gia trong quy trình tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính; Tổ chức 3 hội nghị tập huấn cho các sở, ngành, thành viên Tổ công tác, Tổ giúp việc thực hiện Đề án 06 từ tỉnh đến xã cho khoảng 250 cán bộ của tỉnh.
Đặc biệt, thông qua sự hỗ trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, tỉnh đã tổ chức 2 khoá học trên Nền tảng học trực tuyến mở cho cán bộ, công chức, viên chức trong toàn tỉnh, dự kiến hoàn thành bồi dưỡng cho khoảng 31.000 lượt học viên năm 2022.
Xác định tiến trình CĐS sẽ luôn lấy người dân làm trung tâm, là đối tượng thụ hưởng chính, tỉnh cũng đặt ra yêu cầu phải xây dựng được đội ngũ “công dân số”. Trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Ninh đã thành lập 1.473 Tổ công nghệ số cộng đồng (1.462 Tổ công nghệ số cộng đồng địa phương 11 Tổ công nghệ số cộng đồng của doanh nghiệp) bao phủ 177/177 xã, phường thị trấn, 1.452/1.452 thôn, bản, khu phố với sự tham gia của 11.255 thành viên. Các địa phương đã chủ động thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn người dân các nội dung về CĐS, định danh điện tử...
Tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước sử dụng thành thạo các ứng dụng của chính quyền số; trên 60% dân số có tài khoản thanh toán điện tử và sử dụng thành thạo các dịch vụ đô thị thông minh; 100% người dân có định danh số… Đến năm 2030, 100% cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, xã xử lý công việc trên nền tảng số; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử và sử dụng các dịch vụ số đạt trên 90%...
Tỉnh đã lên kế hoạch triển khai chương trình “Học từ làm việc thực tế” mà cơ quan nhà nước đóng vai trò là cầu nối giữa các trường đại học, cao đẳng, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong tỉnh để xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực theo yêu cầu thực tế và đặt hàng của doanh nghiệp. Xây dựng và triển khai nền tảng số kết nối các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp để thúc đẩy học từ làm việc thực tế, đào tạo và đào tạo lại kỹ năng số cho người lao động, kết nối cung cầu thị trường lao động; ưu tiên các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, đột phá và các khu đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp quan trọng.
Quảng Ninh cũng hướng đến tổ chức chương trình dạy và học về kỹ thuật số STEM/STEAM trong giáo dục tiểu học và phổ thông; chú trọng tập huấn, đào tạo giáo viên, trang thiết bị; đổi mới cập nhật chương trình đào tạo tin học, kỹ năng số tại các trường THCS, THPT để hình thành thói quen số, văn hóa số. Bên cạnh đó đổi mới, cập nhật chương trình dạy học; đào tạo chuyên sâu các công nghệ nổi bật, có tính ứng dụng cao tại trường ĐH Hạ Long; xây dựng mạng lưới hệ thống thư viện điện tử, phần mềm quản lý học tập, đào tạo và phục vụ học tập của công dân…
Với quyết tâm đổi mới, sáng tạo, Quảng Ninh tiếp tục phát triển mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo nền móng bứt phá để phát triển, hội nhập.
N.M